Công nghệ mắt sinh học lại có thêm bước tiến mới, hướng đến giai đoạn phục hồi một phần thị lực cho người khiếm thị. 

Tháng 4.2021, Interesting Engineering đưa tin một công ty sinh học điện tử giành giải thưởng HealTech nhờ thiết kế Prima System - hệ thống thị giác sinh học hỗ trợ người mù.

Giờ đây, lại có thêm tin tức về một loại công nghệ phục hồi thị lực mới đang được phát triển với mục đích tạo ra mắt sinh học cho con người. Đó là dự án mang tên Phoenix99 Bionic Eye của Đại học Sydney (Úc), hướng tới việc chế tạo một hệ thống cấy ghép giúp khôi phục một phần thị lực cho bệnh nhân bị suy giảm thị lực, hoặc mù lòa do bị bệnh thoái hóa.

Công nghệ phục hồi thị lực đã có nhiều tiến bộ suốt những năm qua

Thiết bị cấy ghép gồm hai phần, đã được chứng minh là an toàn cho con người. Hai phần bao gồm một bộ kích thích được gắn vào mắt và một mô-đun giao tiếp đặt dưới vùng da đằng sau tai. Thử nghiệm trên cừu cho thấy cơ thể động vật chấp nhận cả hai thiết bị, thậm chí các mô xung quanh còn tự hồi phục quanh thiết bị. Nhóm nghiên cứu hiện xin phê duyệt về mặt đạo đức để thực hiện thử nghiệm trên bệnh nhân.

Phoenix99 Bionic Eye hoạt động bằng cách kích thích võng mạc - lớp tế bào thần kinh mỏng lót phía sau mắt. Nếu đôi mắt khỏe mạnh, các tế bào sẽ biến ánh sáng chiếu tới mắt thành các tín hiệu xung điện truyền đến não. Nếu võng mạc bị mắc bệnh, các tế bào này cũng sẽ thoái hóa, gây suy giảm thị lực. Hệ thống Phoenix99 sẽ bỏ qua các tế bào suy thoái, kích thích trực tiếp các tế bào còn lại làm nhiệm vụ chuyển đổi tín hiệu, từ đó "đánh lừa" não bộ rằng võng mạc đã cảm nhận được ánh sáng.

Hai thành phần sẽ được cấy vào bệnh nhân

Nói về vấn đề cơ thể sẽ phản ứng, đào thải những thiết bị đưa vào bên trong con người, Samuel Eggenberger - một kỹ sư y sinh làm việc trong dự án cho biết: "Chúng tôi nhận thấy thiết bị rất ít gây ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh làm nhiệm vụ "đánh lừa" não bộ. Các mô xung quanh không phản ứng trước thiết bị. Chúng tôi hy vọng nó sẽ ở yên vị trí trong nhiều năm".

Nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí Biomaterials.

Theo thanhnien.vn

 

Tin liên quan