Thực hiện Nghị quyết của BCH Hội Sản xuất kinh doanh và dạy nghề của người tàn tật Hà Nội (nay là Hội DN của Thương binh và NKT TP Hà Nội), trong tháng 5 và tháng 6/2019 Đoàn công tác đại diện cho BCH Hội do ông Dương Minh Đỗ - Nguyên Cục phó Cục NCC thuộc Bộ LĐTBXH, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN của Thương binh và NKT Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội DN của Thương binh và NKT TP Hà Nội làm Trưởng đoàn đã đi thăm và làm việc tại một số doanh nghiệp (DN), cơ sở hội viên của hội.
Chủ tịch Hội DN của Thương binh và NKT TP Hà Nội Dương Minh Đỗ, Phó Chủ tịch Đặng Minh Tuân tặng hoa cho AHLĐ Đào Hồng Quảng, Giám đốc Xí nghiệp tập thể Quang Minh – Hải Phòng nhân dịp Xí nghiệp ra mắt Chi nhánh tại tỉnh Hòa Bình |
Tại quận Tây Hồ, Đoàn đã đến thăm và làm việc với Trung tâm Chăm sóc sức khỏe, dạy nghề và tổ chức sản xuất cho Thanh thiếu niên khuyết tật Vì Ngày Mai. Tại quận Đống Đa, Đoàn đã đến thăm và làm việc với Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Cựu chiến binh. Tại quận Hà Đông, thăm và làm việc với Công ty Lam Sơn; tại huyện Gia Lâm thăm và làm việc với 2 cơ sở gồm: Công ty THNN Tu Dy và HTX công nghiệp 22/12. Tại huyện Chương Mỹ, Đoàn đã đến thăm và làm việc với Công ty cổ phần Thương binh 19/8 và hai đơn vị trực thuộc; tại huyện Thanh Trì thăm và làm việc với 2 cơ sở là Công ty cổ phần Thương Binh 27/7 Thăng Long và Doanh nghiệp vàng Bảo Tín; tại huyện Thanh Oai thăm và làm việc với Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa và tại huyện Phú Xuyên thăm và làm việc với Công ty sơn khảm Ngọ Hạ.
Tại các cơ sở Đoàn đã đến làm việc, phần lớn là DN có sử dụng lao động là Thương, Bệnh binh và NKT, các đại diện pháp nhân đều xác định tiếp tục là hội viên tập thể của hội. Tuy nhiên, ở mỗi cơ sở cũng có những băn khoăn, trăn trở riêng, rất cần sự quan tâm vào cuộc của BCH Hội; sự gắn kết giũa các cơ sở hội viên để cùng nhau tháo gỡ khó khăn tiếp tục vươn lên ổn định cuộc sống và cống hiến cho xã hội.
Những vấn đề khó khăn mà các cơ sở hội viên đề xuất đều liên quan tới vấn đề: Vốn, mặt bằng kinh doanh, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây không chỉ là những khó khăn đối với những DN Hội viên mà nhìn chung là đối với tất cả các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hiện nay. Đối với các cơ sở sử dụng số lượng lớn lao động là NKT thì lại gặp phải những khó khăn mang những nét đặc thù riêng.
Như tại Trung tâm dạy nghề Từ thiện Quỳnh hoa, đóng tại thôn Thanh Oai, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Oai, thành lập từ năm 2007 do Bà Đoàn Thị Hoa là chủ cơ sở. Ngày đầu mới thành lập, cơ sở chỉ có vài chục mét vuông nhà ở và trên một trăm mét vuông nhà xưởng, song đã có hơn 20 em là những NKT xin được đến học và làm việc. Với các dạng tật khác nhau, nên việc học và hành của các em rất khó khăn, nhưng với sự tận tâm của các giáo viên thiện nguyện nơi đây, các em được học từ các kỹ năng sinh hoạt, tự chăm sóc bản thân đến việc học chữ, học nghề, tự vươn lên nuôi sống bản thân và đóng góp xã hội. Trải qua trên 10 năm hoạt động với sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên và cán bộ Trung tâm đã đào tạo dạy nghề, giới thiệu việc làm cho trên 500 lao động là NKT và có hoàn cảnh khó khăn có việc làm và tự nuôi sống bản thân, hòa nhập cộng đồng.
Sau 10 năm khuôn viên của Trung tâm đã được mở rộng, đủ năng lực để đào tạo cho 35 đến 40 học sinh nội trú và từ 20 đến 25 học sinh ngoại trú. Sau khi được học nghề và làm việc thành thạo các em có thể về nhà tự mở xưởng sản xuất, hoặc ở lại sản xuất tại Trung tâm, thu nhập bình quân của các em từ 500 ngàn đến trên 3 triệu đồng và tăng dần sau từng năm. Mặc dù, thu nhập chưa cao so với mặt bằng chung của xã hội, nhưng đã thực sự đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc, sự tự tin và có ý nghĩa đối với các em khuyết tật vì các em đã tự lo được cho cuộc sống của mình, không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội. Từ bàn tay và sự cần mẫn của các em trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Trung tâm cũng đóng góp một sản phẩm được làm từ hàng vạn cuộn giấy nhỏ thành bức tranh Rồng thời Lý để đưa đi triển lãm, được đánh giá rất cao. Sự trăn trở của các giáo viên và lãnh đạo Trung tâm là tìm thêm được ngành nghề phù hợp cho các em khuyết tật và ký được các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định để tăng thu nhập cho các em và hơn nữa rất cần nhận được sự quan tâm của các ngành các cấp hỗ trợ kinh phí để tăng năng lực đào tạo và mở rộng sản xuất.
(Ảnh 2)
Cũng như Trung tâm Quỳnh Hoa, Trung tâm chăm sóc sức khỏe, dạy nghề và tổ chức sản xuất cho thanh thiếu niên khuyết tật Vì Ngày Mai, gọi tắt là Trung tâm Vì Ngày Mai, trực thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, được thành lập tháng 1/2009, có trụ sở tại 389 đường An Dương Vương, quận Tây Hồ, Hà Nội do Bà Lê Minh Hiền làm Giám đốc; ngành nghề sản xuất hiện nay là may, thêu, sơn mài, thủ công mỹ nghệ, chủ yếu do NKT thực hiện. Cơ sở được cấp giấy phép dạy nghề cho NKT 200 chỉ tiêu/năm, 8 lớp, mỗi lớp từ 25 đến 30 học sinh. Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với Trung tâm là có giấy phép dạy nghề nhưng không được cấp kinh phí. Đối với NKT kinh phí ban đầu khi đến học hầu như không có, chỉ đến khi được đào tạo thuần thục và được trung tâm tạo việc làm các em mới bắt đầu có thu nhập. Ngoài ra, còn có các khó khăn khác như địa điểm sản xuất và đào tạo Trung tâm đang phải đi thuê, cơ sở vật chất còn thiếu thốn và một điều kiện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Trung tâm đó là việc giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Tại các doanh nghiệp sử dụng lao động là Thương, bệnh binh những khó khăn điển hình ở đây cũng là vốn và mặt bằng sản xuất. Điển hình như HTX Công nghiệp 22/12 có trụ sở tại Xóm 3, thôn Trung Quan 1, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội do bà Đào Thị Lý làm Giám đốc; ngành nghề chủ yếu là kinh doanh Vật liệu xây dựng, các xã viên trong HTX chủ yếu là Thương, bệnh binh, hiện nay HTX đang phải ngừng hoạt động do không thuê được mặt bằng kinh doanh, đời sống của xã viên gặp rất nhiều khó khăn.
Chủ tịch Hội DN của Thương binh và NKT TP Hà Nội Dương Minh Đỗ thăm Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa tại thôn Thanh Oai, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội |
Tại một cơ sở khác của NKT đó là HTX Sơn khảm Ngọ Hạ, có trụ sở tại Thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên do Bà Nguyễn Thị Vui làm Giám đốc. Ngành nghề chính của HTX là sản xuất Sơn, khảm thủ công mỹ nghệ; Cơ sở rất khang trang, đủ điều kiện đào tạo, bố trí chỗ ăn, nghỉ cùng lúc cho 100 học sinh; Tuy nhiên, nhiều năm qua không được hỗ trợ kinh phí nên việc đào tạo gặp nhiều khó khăn; Mặt khác, việc tiêu thụ sản phẩm chậm, hệ số quay vòng vốn thấp, nên cũng gặp khó khăn cho việc tái đầu tư sản xuất.
Từ thực tế tại các cơ sở hội viên có sử dụng lao động là NKT, với cương vị của mình, ông Dương Minh Đỗ đã thăm và động viên các em học sinh đang học tập và lao động tại đây; Đồng thời, trực tiếp làm cầu nối giới thiệu sản phẩm của các cơ sở này với Tập đoàn Chân Thiện Mỹ. Hy vọng, trong thời gian tới việc tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở này ổn định, tạo động lực mạnh mẽ để các cơ sở nói trên phát triển. Trong thời gian khảo sát và nắm bắt thực tế khó khăn của các doanh nghiệp thương binh, Bằng kinh nghiệm và uy tín của mình đ/c Chủ tịch đã kết nối thành công một doanh nghiệp hội viên chuyên khai thác vật liệu xây dựng đang gặp khó khăn về vốn, thiết bị, máy móc và đầu ra của sản phẩm với doanh nghiệp hội viên trong hội bao tiêu sản phẩm và đặc biệt là đã kết nối để trở thành chi nhánh cho một doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, máy móc thiết bị và kinh nghiệm trong khai thác của Hải Phòng để đầu tư khai thác và tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện tôn chỉ, mục đích của Đại hội đại biểu Hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật thành phố Hà Nội nhiệm kỳ III (2018-2023) trong thời gian tới BCH Hội tiếp tục đến với các cơ sở hội viên nhằm tạo điều kiện để kết nối giữa các hội viên và các DN trong, ngoài hội cùng hợp tác và phát triển, xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, tạo được nhiều việc làm cho Thương bệnh binh, các đối tượng chính sách và NKT ổn định đời sống và đóng góp xã hội.