“Làm sao để mãi “giữ lửa” cho cán bộ Đoàn?” hay “Để vượt qua những khó khăn trong nghề cán bộ Đoàn thì cần làm thế nào?”… là những câu hỏi tiêu biểu được các bạn trẻ đặt ra trong talk show “Nghề cán bộ Đoàn” vừa diễn ra tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam - Phân viện miền Nam.
Chương trình do Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam - Phân viện miền Nam phối hợp với Tỉnh Đoàn Bình Phước tổ chức vào chiều ngày 17/9 trong khuôn khổ của Tuần lễ công dân nhân dịp đầu năm học này.
Tham gia talk show “Nghề cán bộ Đoàn”, các cán bộ Đoàn tương lai đã cùng giao lưu với nhà văn không khuất phục số phận Trần Trà My và Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy - những tấm gương sáng trong cuộc sống đời thường, qua đó được tiếp thêm nghị lực sống cùng tinh thần lạc quan, yêu đời, ý chí vượt khó, khát vọng sống đẹp - sống có ích.
Đồng thời, talk show hướng đến việc bồi dưỡng lý tưởng sống, niềm tin vào những điều tử tế, góp phần giúp các bạn trẻ học tập, rèn luyện với tư duy tích cực và nỗ lực vươn lên để trở thành những cán bộ Đoàn năng động, sáng tạo, luôn tràn đầy nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, luôn cống hiến và góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững.
Tuy giọng nói không tròn vành, rõ tiếng nhưng nữ nhà văn Trần Trà My (chính giữa) vẫn gắng diễn đạt những mong mỏi của cô đối với các cán bộ Đoàn tương lai
Tại buổi giao lưu, Võ Tấn Nguyên - nam sinh viên năm thứ hai (lớp K4-TN), quê ở Đồng Tháp đã đặt câu hỏi: “Em rất khao khát trở thành một cán bộ Đoàn dù biết sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hãy tư vấn cho em về cách để có thể vượt khó?”
Nhiều sinh viên đã không ngần ngại san sẻ những băn khoăn, trăn trở của bản thân đối với nghề cán bộ Đoàn tại talk show
Giải đáp nỗi băn khoăn này, nữ nhà văn đầy nghị lực Trần Trà My đã chia sẻ về những gì cô đã làm nhằm từng bước vươn lên trước số phận nghiệt ngã để sống như một cô gái bình thường từ việc phải chuyển nhà trọ rất nhiều lần, tự xoay sở với cuộc sống không người thân bên cạnh, tự đi xin việc làm, tham gia những khóa học ngắn hạn, cho đến việc trải qua những đau khổ trong chuyện tình cảm và có những lúc trầm cảm đến mức chỉ muốn tự tử…
Qua đó, My nhấn mạnh là mỗi khi đương đầu với khó khăn, cần phải có thái độ tích cực và xem khó khăn là một phần tất yếu của cuộc sống. Theo cô, người trẻ, nhất là những cán bộ Đoàn phải học cách chấp nhận khó khăn trong thực tại dù có nghiệt ngã đến mức nào đi nữa để có thể bình tĩnh hơn và giải quyết khó khăn thật hiệu quả mà không rơi vào khủng hoảng. “Hãy cứ cho rằng bản thân mình còn may mắn hơn bao nhiêu người khác để có động lực vươn lên, tìm đến hạnh phúc”, Trần Trà My nói với các bạn trẻ.
Đồng qua điểm với nữ nhà văn, Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy chia sẻ rằng mỗi tình huống sẽ trở thành nỗi bất hạnh hay niềm hạnh phúc phụ thuộc vào thái độ, cách ứng xử, nhìn nhận của mỗi người đối với tình huống ấy. Bàn về tỷ lệ phần trăm của tính quyết định đó sẽ là bất hạnh hay hạnh phúc, anh Duy cho rằng bản chất của tình huống (tốt hay xấu) chỉ quyết định 10%, 90% còn lại được quyết định bởi thái độ của một cá nhân đối với tình huống và tính cách của cá nhân ấy.
“Làm sao để mãi “giữ lửa” cho cán bộ Đoàn vì trên thực tế, sau một thời gian gắn bó với công tác thanh niên, một số cán bộ Đoàn đã không còn tâm huyết và nhiệt tình như những ngày đầu?” là trăn trở của sinh viên năm tư Nguyễn Thị Quỳnh Giang - lớp K2-TN, sinh sống tại Q. Thủ Đức, TP. HCM.
Phân tích về thực trạng này, anh Trần Quốc Duy - Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước bộc bạch rằng trước khi chuyển công tác sang Tỉnh Đoàn Bình Phước, anh từng là Tổ trưởng tổ Tiếng Ạnh của trường THPT chuyên Quang Trung, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước - ngôi trường liên tục nằm trong top đầu các trường THPT của cả nước về chất lượng đào tạo.
Thay đổi nghề nghiệp từ một giáo viên trở thành một cán bộ Đoàn chuyên trách, anh đã gặp không ít những khó khăn dù đã từng là Phó Bí thư Đoàn trường trong vài năm. Theo anh, bí quyết để anh có thể vượt khó và luôn giữ được sự nhiệt tâm trong nghề cán bộ Đoàn là tinh thần cần cù, chịu khó học hỏi, biết tìm “đất dụng võ” để thường xuyên rèn luyện các “tài lẻ”, năng khiếu và kỹ năng vốn có của bản thân. Ngoài ra, việc nuôi dưỡng tinh thần lạc quan, ước mơ sống đẹp và luôn giúp ích cho những người xung quanh, đặc biệt sự tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện đã làm cho anh Duy luôn cảm thấy yêu nghề cán bộ Đoàn vì có thể “cháy” sức trẻ cho một thời thanh xuân tươi đẹp.
Để “vươn ra biển lớn” và không cảm thấy bị tụt hậu với người trẻ ở các tỉnh, thành lớn, anh đã mạnh dạn tham gia các kỳ tuyển ứng viên của Trung ương Đoàn để giành các tấm vé tham dự hơn chục chương trình giao lưu thanh niên quốc tế; đặc biệt, anh từng vinh dự được chọn cử làm trưởng hoặc phó đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đến gần chục lần.
Trong khi đó, nữ nhà văn Trần Trà My đã khuyên các cán bộ Đoàn tương lai, mỗi khi cảm thấy bị “mất lửa”, hãy nhìn nhận lại bản thân, tìm hiểu các nguyên nhân chủ quan trước khi phân tích các nguyên nhân khách quan, từ đó tìm ra phương cách để “hâm nóng” lại bầu nhiệt huyết. Thay vì nhụt chí và vội chùn bước thì hãy tư duy tích cực hơn để không đầu hàng trước thử thách. “Làm cán bộ Đoàn là phải biết hy sinh nhiều thứ”, My khẳng định.
Các bạn trẻ bắt tay, ôm hôn nữ nhà văn không đầu hàng số phận Trần Trà My để được tiếp thêm nghị lực sống
Tại talk show, các bạn trẻ đã giao lưu sôi nổi, hào hứng với các vị khách mời và đặt nhiều câu hỏi, thắc mắc về động lực nào để có thể sống kiên cường và đầy nghị lực? Làm thế nào để “truyền lửa” cho nhiều đối tượng, tầng lớp khác nhau? Làm sao nữ nhà văn có thể vượt qua khủng hoảng tâm lý trầm trọng thời thơ ấu đến mức chỉ muốn tìm đến cái chết và từng bước phấn đấu, trở thành nhà văn và đi tưới nước cho những hạt mầm tử tế nảy nở, sinh sôi?...
Các vị khách mời đã từng bước chia sẻ, giải đáp những trở trăn của các sinh viên, khéo léo đặt câu hỏi với những cán bộ Đoàn tương lai về sự tử tế, lý tưởng sống, về những kiến thức, kỹ năng, nét tính cách mà những người làm công tác thanh niên cần trau dồi, trui rèn, cách thức để gắn chặt công tác Đoàn với việc giải quyết các thực trạng xã hội tại địa phương nhằm tránh bệnh hình thức trong tổ chức các hoạt động, phong trào…
Quá trình tương tác giữa các khách mời và những sinh viên đã “gợi mở” nhiều đáp án cho những ẩn số trong nghề cán bộ Đoàn, qua đó động viên các bạn trẻ phải luôn nung nấu ý chí cách mạng, truyền thống yêu nước, nuôi dưỡng lý tưởng, hành xử tử tế với chính mình và với mọi người, tăng cường đọc sách để viết lách và trình bày trước công chúng tốt hơn, chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch cho tương lai và từng bước phấn đấu thực hiện các mục tiêu do bản thân đặt ra…
Tận mắt nhìn thấy nữ nhà văn Trần Trà My - người vẫn sống tự lập một mình ở thành phố Hồ Chí Minh trong suốt 13 năm qua phải khó nhọc để bước lên sân khấu, các bạn trẻ đã thực sự cảm nhận sức mạnh ý chí của người phụ nữ chỉ cao có 1m32 và phải có thêm sự trợ giúp của chiếc khung xe 4 chân, thậm chí ngay cả giọng nói của cô cũng không thể tròn vành, rõ tiếng.
Góp phần lan tỏa những điều tử tế trong giới trẻ và “bật mí” bí quyết để trở thành cán bộ Đoàn giỏi, talk show “Nghề cán bộ Đoàn” đã khép lại trong niềm bâng khuâng, lưu luyến của các sinh viên đối với các vị khách mời.
Thắng Trân