Năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh Quốc tế có 130 nguyên thủ quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam tham dự, họp tại Cô-pen-ha-ghen (Thủ đô Đan Mạch). Hội nghị chuyên bàn về giải quyết các vấn đề xã hội như đói nghèo, thất nghiệp, người khuyết tật … Hội nghị đã đi đến hai kết luận quan trọng:
Một là: Muốn giải quyết những vấn đề xã hội phải có sự trợ giúp của Nhà nước nhưng sự trợ giúp của Nhà nước chỉ là “bà đỡ” còn sự trợ giúp của cộng đồng là “chủ yếu”.
Hai là: Bất kỳ một quốc gia và vùng lãnh thổ nào nếu không quan tâm đến giải quyết các vấn đề xã hội thì đến một lúc nào đó sẽ trở thành bất ổn định xã hội.
Từ kết luận của Hội nghị thượng đỉnh Quốc tế, liên hệ đến tình hình Việt Nam, công tác xã hội đặt ra cho ngành lao động-thương binh xã hội cả nước vào những năm 1992 lúc này rất khó khăn và cấp bách cần phải giải quyết; Chính phủ yêu cầu ngành lao động thương binh và xã hội cần phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa đối với các vấn đề xã hội trong khi chính sách trợ giúp xã hội của Nhà nước có hạn. Cả nước đã xuất hiện nhiều phong trào như phong trào xóa đói, giảm nghèo; xóa nhà tranh vách đất; trợ giúp thương binh và người khuyết tật; nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, con liệt sỹ … Các phong trào này đã góp phần tích cực vào giải quyết an sinh xã hội.
Để làm tốt xã hội hóa trong công tác xã hội không thể chỉ có phong trào chung mà phải có một tổ chức xã hội đứng ra để vận động các nhà hảo tâm, các thành viên trong xã hội tham gia giúp đỡ các đối tượng yếu thế trong xã hội, bảo đảm đúng đối tượng và tuân thủ theo pháp luật. Lúc đó ngành Lao động thông báo và xã hội xác định có rất nhiều đối tượng cần phải được quan tâm giúp đỡ, song có hai đối tượng đó là: người tàn tật và trẻ mồ côi là hai đối tượng nghèo và là người nghèo nhất trong số người nghèo cần được ưu tiên trong việc trợ giúp của cộng đồng xã hội.
Tiếp thu kết luận của hội nghị Cô-pen-ha-ghen (tại thủ đô Đan Mạch) năm 1992, đồng chí Trần Đình Hoan lúc đó là Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức TW và đã mất) làm Trưởng ban vận động thành lập Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, và Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) cho phép thành lập Hội. Ngày 29/11/1992 Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam được thành lập (nay là Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam). Chủ tịch Hội lúc đó là Giáo sư Phạm Khuê (nguyên Viện trưởng Viện Lão khoa, đã mất năm 2003). Ông Trịnh Tố Tâm - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (đã mất năm 1996) được Bộ trưởng phân công kiêm Phó Chủ tịch Hội; bà Hoàng Lan, Vụ phó Vụ Bảo trợ Xã hội (đã mất năm 2003) được cử làm Tổng thư ký Hội.
Sau khi TW Hội được thành lập, tiếp theo năm 1993, thành phố Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh được chỉ đạo thành lập Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi để rút kinh nghiệm sau đó nhân rộng ra các tỉnh, thành phố tùy vào tình hình cụ thể của từng địa phương. Thành phố Hải Phòng theo chỉ đạo của TW Hội, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đứng ra làm Trưởng ban vận động thành lập Hội và đề nghị UBND thành phố cho phép thành lập Hội. Ngày 29/11/1993, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Hải Phòng được thành lập. Tiếp đó, một loạt các tỉnh, thành phố trong cả nước đã thành lập Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi gắn với nhiệm vụ của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện công tác xã hội hóa trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi. Đến nay cả nước đã có 45 Hội cấp tỉnh, thành. 290 Hội cấp quận, huyện. 1.983 Hội cấp xã, phường. 1.539 Chi hội và có 5.915 hội viên tập thể, 563.489 hội viên cá nhân.
Hoạt động của Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam khi mới thành lập chủ yếu mang tính từ thiện nhân đạo, nay đã có bước chuyển mạnh mẽ sang hướng tiếp cận dựa trên quyền của đối tượng. Các hoạt động của Hội ngày càng chuyên nghiệp, mang nét đặc thù riêng với nhiều nội dung đa dạng, hiệu quả như: tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về lĩnh vực người khuyết tật; vận động nguồn lực xã hội tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp đối tượng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; góp ý kiến xây dựng, phản biện chính sách, tư vấn, trợ giúp pháp lý…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Đại hội lần thứ V Hội Bảo trợ NKT&TMC Việt Nam
(nhiệm kỳ 2017 - 2022)
Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã bước sang nhiệm kỳ thứ V (2018 - 2023). Trong năm 2019, Hội đã huy động được nguồn lực 624 tỷ đồng từ các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm, các tổ chức quốc tế, kiều bào và nhân dân cả nước (năm 2018 đạt 591 tỷ đồng). Ngoài ra, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên của Hội ở các địa phương được ngân sách hỗ trợ 42 tỷ đồng chiếm 6,7% so với tổng nguồn huy động được. Toàn bộ nguồn huy động trên chủ yếu để giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi thực hiện các quyền: quyền nhìn thấy của người khiếm thị với chương trình phẫu thuật thay thủy tinh thể cho 11.800 người khiếm thị (trị giá là 37 tỷ đồng); giúp người khuyết tật vận động thực hiện quyền đi lại với việc trao tặng 8.900 xe lăn, xe lắc và phương tiện trợ giúp (trị giá 22 tỷ đồng); thực hiện trẻ mồ côi quyền đi học với 5.100 xe đạp, 16.900 suất học bổng (trị giá 25,9 tỷ đồng) hỗ trợ các em đến trường. Thực hiện quyền của người khuyết tật trong việc học nghề, tạo việc làm, Hội đã hỗ trợ sinh kế, giảm nghèo bằng cách hỗ trợ đào tạo nghề 1.200 người khuyết tật còn khả năng lao động có việc làm, với kinh phí 8,6 tỷ đồng; hỗ trợ vốn, con giống để làm kinh tế cho cho 700 người khuyết tật và 378 hộ gia đình trị giá 9,8 tỷ đồng, giúp họ có thu nhập nâng cao cuộc sống.
Ngoài ra Hội còn đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp như tặng nhà “Tình thương”, nhà “Nhân ái”, nhà “Đại đoàn kết”; Trao tặng học bổng, khám bệnh cấp thuốc miễn phí, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng; Mua thẻ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật và trẻ mồ côi nghèo; Tặng quà nhân các ngày lễ, tết và trợ giúp khó khăn tại các vùng do thiên tai gây ra; Hỗ trợ xây dựng nông thôn mới vv… Những kết quả đó đã đóng góp tích cực, hiệu quả vào công tác an sinh xã hội của cả nước.
Để ghi nhận những thành tích đã đạt được, trong 27 năm qua, Nhà nước đã tặng thưởng Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam 2 Huân chương Lao động hạng Ba, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì và 1 Huân chương Lao động hạng Nhất.
Chặng đường trên 27 năm xây dựng và phát triển, Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam thực sự là một tổ chức xã hội có tính chuyên nghiệp, làm công tác xã hội gắn với nhiệm vụ của ngành Lao động -Thương binh và Xã hội, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác an sinh xã hội.
Phát huy những thành tích đã đạt được trong 27 năm qua và để làm tốt hơn nữa trong việc bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi trong tình hình mới, đồng thời thực hiện tốt Chỉ thị 39 CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cần kiện toàn về mặt tổ chức từ Trung ương đến các tỉnh thành và cơ sở, chuyển hướng mạnh mẽ sang tiếp cận các quyền của người khuyết tật và trẻ mồ côi theo Công ước Quốc tế, nâng cao chất lượng hoạt động, gắn với nhiệm vụ của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, xứng đáng là cánh tay nối dài của Nhà nước./.
Phạm Văn Huấn
Nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH giai đoạn 1992-2007,
Ủy viên BCH Trung ương Hội,
Chủ tịch Hội bảo trợ NTT&TMC TP Hải Phòng.