Sinh ra như bao bạn bè cùng trang lứa, năm 03 tuổi khi đã biết đi biết chạy thì sau một cơn sốt bại liệt, anh Phùng Xuân Thu (Phước Đồng, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) đã không đi được bình thường nữa. Chân trái teo dần càng ngày càng bé đi và chỉ đi được bằng gót chân. Số phận không may mắn, nhưng anh không buông xuôi tất cả. Bằng nghị lực và ý chí của mình, anh vẫn đến trường cùng bạn bè, học tập, làm việc như người bình thường và xây dựng cơ ngơi kinh tế ngày càng phát triển.

Cơ thể mang khiếm khuyết, nhưng anh Thu luôn hướng mình suy nghĩ và hành động như những người khỏe mạnh bình thường. Anh nỗ lực để đi học bình thường cùng các bạn, vượt qua khó khăn những năm học phổ thông và đại học để đạt được tấm bằng Cử nhân chuyên ngành Công nghệ thông tin.

Trong quá trình học đại học, anh còn tham gia dạy tin học miễn phí cho các em nhỏ có cùng hoàn cảnh tại Trung Tâm PHCN và Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa. Niềm vui của các bạn nhỏ khi được tiếp xúc với máy tính, thử làm đồ họa bằng công nghệ đã tạo cho anh Thu niềm vui và tiếp thêm động lực để anh phấn đấu nhiều hơn trong học tập, lập nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh xin đi làm tại một nhà hàng với vị trí là nhân viên sửa chữa hệ thống máy tính, quản lý thu chi, quản lý nhân sự điều hành chỉ tiêu của Giám đốc đề ra và cũng đạt được kết quả tốt. Nhưng bản tính của chàng trai ưa khám phá và luôn muốn thử sức mình thôi thúc anh nghỉ việc vào Sài Gòn tiếp tục học thêm về sửa chữa máy tính, laptop để nâng cao kiến thức.

Năm 2015, sau khi hoàn thành khóa học thì cơ hội đến với anh khi Viettel Khánh Hòa thông báo tuyển nhân sự. Anh Thu muốn thử sức mình nên quyết định nộp hồ sơ. Sau nhiều vòng phỏng vấn anh được tuyển vào làm nhân viên hành chính kiêm IT sửa chữa hệ thống máy tính của Công ty. Công việc tiến triển tốt giúp anh có thu nhập ổn định cuộc sống và thực hiện đam mê của mình.

“Tôi luôn mơ ước mở được một cơ sở kinh doanh của riêng mình, có thể tạo điều kiện nâng đỡ những bạn bè cùng hoàn cảnh. Khi đã tạm ổn định về kinh tế, tôi quyết định vay mượn thêm 200 triệu từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội nông dân thành phố và thực hiện dự án “Câu cá giải trí - Ao Thu” - anh Thu chia sẻ.

Phung Xuan Thu Khanh Hoa2

Mô hình rộng trên 2.000m2 tại xã Phước Đồng. Ban đầu, anh thiết kế 3 chòi câu cá thư giãn, thấy lượng khách ngày càng đông, anh đầu tư tăng số lượng thành 9 chòi (5 chòi lớn và 4 chòi nhỏ), tất cả bao quanh một hồ lớn nơi có lượng cá được thu mua về và thả nuôi ổn định để phục vụ khách câu. Vào ngày lễ, dao động từ 200 - 300 khách, nguồn thu nhập sau khi trừ các chi phí đạt khoảng 60 triệu đồng/tháng. Hiện tại, mô hình của anh đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương, trong đó có 10 người khuyết tật với mức lương từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Thành lập từ năm 2017, đến nay, cơ sở của anh Thu đã đi vào hoạt động tốt, lượng khách ổn định, tạo công ăn việc làm cho hàng chục công nhân trong đó có cả người khuyết tật. Không dừng lại ở đó, anh còn đầu tư mở thêm một cơ sở Photo thiết kế, in ấn – Thiên Thu. Nắm bắt được vị trí hợp lý (ngay cổng Ủy ban nhân dân xã và xung quanh là trường học) nên tiệm phát triển rất tốt.

Riêng mô hình Câu cá giải trí của anh Thu đã được Hội nông dân thành phố Nha Trang chọn là một trong những mô hình đi tiên phong trong việc kết hợp giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ du lịch để định hướng cho các cơ sở Hội triển khai thực hiện trong thời gian tới.

“Tôi vẫn luôn nung nấu ý định sau này sẽ mở một cơ sở việc làm dành riêng cho người khuyết tật nhằm tạo công ăn việc làm, có ích cho xã hội, tạo cho người khuyết tật luôn tự tin, sống bằng đồng lương do chính tay họ làm ra” - anh Phùng Xuân Thu cho biết.

Lam Giang

 

Tin liên quan