Ngày 16/11, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định đã tổ chức chương trình tập huấn trực tuyến, tổ chức chuẩn bị cho trẻ mẫu giáo sẵn sàng học đọc, học viết theo hướng liên thông với chương trình lớp 01, hướng dẫn tổ chức giáo dục hòa nhập trong cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) trên địa bàn các huyện, thành phố.


Nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch giảng dạy năm học 2021-2022, vừa qua ngày 16/11, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã tổ chức buổi tập huấn Hội nghị trực tuyến nhằm hướng dẫn cho các tổ chức giáo dục hòa nhập trong cơ sở GDMN và cho cán bộ quản lý và giáo viên. Hội nghị tập huấn được thực hiện trên nền tảng Zoom với 11 điểm cầu. Điểm trung tâm đặt tại Sở GD&ĐT cùng 10 điểm cầu tại các phòng GD&ĐT các huyện, Tp Nam Định.

Để chuẩn bị công tác giáo dục cho trẻ mẫu giáo sẵn sàng bắt nhịp được các chương trình đọc, học viết theo hướng liên thông với chương trình lớp 1 được hiệu quả. Trong khuôn khổ chương trình buổi tập huấn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích sâu về các hoạt động cho trẻ mầm non cùng với những đặc thù của mỗi trường hợp để nêu các giải pháp giúp các em tiếp cận, làm quen với đọc/viết, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc học đọc/viết theo hướng liên thông với chương trình lớp 1.

Hội nghị tập huấn cũng là buổi giao lưu, trao đổi những kinh nghiệm từ thực tiễn, qua đó, cán bộ quản lý và giáo viên mầm non hiểu sâu, rộng hơn tầm quan trọng và có thái độ tích cực trong triển khai các hoạt động cho trẻ làm quen với đọc/viết tại các cơ sở, đồng thời biết cách áp dụng các nội dung phù hợp trong công tác giảng dạy vào việc tổ chức các hoạt động giáo dục, chuẩn bị sẵn sàng hướng dẫn cho trẻ học đọc/viết trước khi vào lớp 1 tại cơ sở GDMN của mình.

Với nội dung hướng dẫn tổ chức giáo dục hòa nhập trong cơ sở giáo dục mầm non, trong đó, công tác giảng dạy cho các trẻ em là Người khuyết tật được trú trọng thảo luận. Theo đánh giá từ thực tế, trẻ em khuyết tật có nhiều dạng tật khác nhau, cũng chính vì điều đó, công tác giảng dạy cần áp dụng cụ thể cho từng cháu với từng hoàn cảnh cụ thể, qua đó, đảm bảo hiệu quả trong công tác tổ chức giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật.

Chương trình giáo dục hòa nhập nhằm hướng tới mục tiêu: Tạo môi trường giáo dục tốt nhất cho trẻ, tăng sự tham gia, tăng thời gian giúp trẻ khuyết tật làm theo hướng dẫn hoặc tự làm việc và tuân thủ các nội qui của lớp học, từ đó giúp giảm các hành vi quấy rối của trẻ khi tham gia các hoạt động tại nhóm lớp. Cùng với phương pháp giáo dục phù hợp giúp trẻ cải thiện động cơ hoạt động của trẻ khi tham gia các hoạt động trong nhóm, lớp. Nội dung quản lí lớp học hòa nhập trong các cơ sở giáo dục mầm non bao gồm: quan tâm đến các yếu tố ảnh hưởng đến việc tổ chức hoạt động giáo dục; quản lí hành vi của trẻ em trong lớp hòa nhập; xây dựng môi trường giáo dục hòa nhập;  xây dựng và thực hiện nội quy, nề nếp lớp học hòa nhập và tổ chức hoạt động giáo dục để tăng sự tham gia của trẻ.

Chương trình tập huấn đã góp phần bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của các cán bộ quản lý, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình Giáo dục Mầm non hướng tới mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Theo donghanhviet.vn

Tin liên quan