Là người khuyết tật, không thể tự đi lại phải dùng đến chân giá, thế nhưng người bệnh lại gặp khó khi tiếp cận các dụng cụ thay thế này do quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chưa chi trả.
Ngày 23/8, tại Hội thảo Chính sách BHYT đối với người khuyết tật – Thực trạng và định hướng sửa đổi, bổ sung, Viện Chiến lược và chính sách Y tế cho biết, tại Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, với 60% người khuyết tật đang trong tuổi lao động.
Trong đó, tỷ lệ khuyết tật vận động 29, 41%, khuyết tật nghe, nói 9,32%, khuyết tật nhìn 13,84 %, khuyết tật thần kinh, tâm thần 16,83% (1.043.460 người), khuyết tật trí tuệ 6,52%...
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, đến nay có hơn 3 triệu người khuyết tật đã được cấp thẻ BHYT miễn phí và không phải đồng chi trả khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB). Phạm vi chi trả BHYT đối với các dịch vụ y tế, phục hồi chức năng liên tục được mở rộng.
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn đang tồn tại một số rào cản trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cũng như trong trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ của người khuyết tật.
Theo đó vẫn còn trên 3 triệu người khuyết tật phải tự mua BHYT và phải đồng chi trả phí dịch vụ khám chữa bệnh. Đặc biệt các dịch vụ về dụng cụ trợ giúp trong vận động rất cần đối với người khuyết tật nhưng lại chưa được BHYT chi trả.
Trong khi đó, theo kết quả Điều tra Quốc gia về người khuyết tật cũng cho thấy, khi không sử dụng dụng cụ trợ giúp, có 15,14% người khuyết tật gặp khó khăn khi đi bộ. Khi sử dụng dụng cụ trợ giúp, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 1,94%.
"Việc duy trì tốt việc cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho họ về khả năng tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội", ông Khuê nói.
Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách y tế, các khó khăn bất cập trong cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật do các dụng cụ này chưa được BHYT chi trả.
Theo quy định tại khoản 8 Điều 23 của Luật Bảo hiểm y tế thì BHYT về Các trường hợp không được hưởng BHYT gồm “Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng”.
Trong khi đó, những dụng cụ thay thế này có thể thay thế một bộ phận cơ thể đã mất với mục đích tăng phục hồi chức năng cho phần chi bị cắt cụt: chân, tay giả để thay thế, giúp cho người bệnh, người khuyết tật có khả năng tự di chuyển... tự lập được trong cuộc sống.
Dụng cụ trợ giúp sẽ tạo điều kiện cho người khuyết tật có cơ hội tham gia lao động sản xuất để nuôi sống bản thân và góp phần vào sự phát triển của xã hội, cải thiện được sức khỏe và giảm được bệnh tật.
Theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế, hiện nay chưa có một điều tra đủ lớn để khẳng định chính xác nhu cầu về các dụng cụ trợ giúp của người khuyết tật. Tuy nhiên, qua phản ánh từ nhiều kênh thông tin đã công bố từ nhiều cơ quan, tổ chức về tâm tư nguyện vọng họ và gia đình cho thấy nhu cầu sử dụng các dụng cụ hỗ trợ đối với đối tượng là rất lớn đặc biệt đối với dạng khuyết tật vận động, khiếm thính, khiếm thị..
Đến nay, dụng cụ trợ giúp vẫn còn xa với số đông người khuyết tật do chi phí quá lớn so với khả năng chi trả của họ. Hơn nữa, dịch vụ cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật cũng chưa được phát triển rộng rãi với nhiều mô hình tiện ích để người khuyết tật có thể tiếp cận, chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của người khuyết tật.