Ngày 4/4/2024 tại Hà Nội, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Đại diện Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Luật sư Nguyễn Thanh Thúy - Trưởng ban Chính sách - pháp luật Trung ương Hội đã có bài tham luận tại Hội nghị, trong đó nhấn mạnh: Việc xây dựng Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cần tính đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm yếu thế. Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam xin được giới thiệu nội dung bài tham luận. 
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định tại Điều 6. Tham gia góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, khoản 3: “Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật”.
Người khuyết tật, nhóm yếu thế là một trong những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Luật quy hoạch đô thị và nông thôn.
I. BÌNH LUẬN CHUNG
Người khuyết tật (NKT) là một bộ phận không nhỏ trong xã hội, mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống kinh tế xã hội đều có ảnh hưởng và tác động đến NKT. Nếu như cách đây 10 - 15 năm, NKT ít xuất hiện ở nơi đông người, tham gia giao thông, tham gia các hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí, sử dụng các tiện ích công cộng…. thì ngày nay, cùng với sự phát triển của đất nước, NKT đã có điều kiện hơn về kinh tế, sự tự tin, nhận thức, hiểu biết để có mặt và tham gia ngày càng sâu rộng vào mọi lĩnh vực của đời sống.
Quy hoạch đô thị và nông thôn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước như Tờ trình đã nêu. Việc ban hành Luật quy hoạch đô thị và nông thôn trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết. Nhưng một đất nước, một đô thị chỉ thực sự được coi là phát triển, văn minh, hiện đại, bình đẳng, nhân văn khi xây dựng đô thị, thiết kế đô thị có tính đến lợi ích của tất cả mọi người, trong đó có người già, NKT, trẻ em, người yếu thế nói chung.
Để đảm bảo NKT, nhóm người yếu thế được thụ hưởng đầy đủ những tiện tích công công của đô thị, nông thôn thì trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật này, ngoài việc rà soát các văn bản pháp luật về xây dựng, về quy hoạch, đơn vị chủ trì còn cần rà soát, đối chiều, đảm bảo các quy định của Luật này tương thích, thống nhất với các quy định trong văn bản pháp luật liên quan đến nhóm yếu thế như: Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật; Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Luật Người khuyết tật, Luật trẻ em, Luật Người cao tuổi, Luật tiếp cận thông tin….
Trong đó, cần quan tâm đến các quy định tại Công ước quốc tế về quyền của NKT. Như Điều 9. Khả năng tiếp cận 1. Để người khuyết tật có thể sống độc lập và tham gia trọn vẹn vào mọi khía cạnh cuộc sống, quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp thích hợp để bảo đảm cho người khuyết tật được tiếp cận trên cơ sở bình đẳng với những người khác đối với môi trường vật chất, giao thông, thông tin liên lạc, trong đó có các công nghệ và hệ thống thông tin liên lạc, và các vật dụng và dịch vụ khác dành cho công chúng, ở cả thành thị và nông thôn.
Như Điều 21. Tự do biểu đạt, tự do có chính kiến, và sự tiếp cận thông tin Các quốc gia thành viên tiến hành mọi biện pháp thích hợp để bảo đảm rằng người khuyết tật có thể thực hiện quyền tự do biểu đạt và tự do chính kiến, trong đó có tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin và ý kiến trên cơ sở bình đẳng với những người khác và bằng bất kỳ hình thức giao tiếp nào họ chọn, như đã định nghĩa tại điều 2 Công ước này, bao gồm bằng cách: a. Cung cấp thông tin dành cho quảng đại quần chúng cho người khuyết tật dưới các hình thức và công nghệ họ có thể tiếp cận được, thích hợp với các dạng khuyết tật khác nhau, một cách kịp thời và không thu thêm phí; b. Chấp nhận và tạo điều kiện cho việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, chữ Braille, các hình thức giao tiếp tăng cường hoặc thay thế, và mọi phương tiện, cách thức, dạng giao tiếp dễ tiếp cận khác tùy theo sự lựa chọn của người khuyết tật trong mọi trao đổi chính thức.
Toàn cảnh Hội nghị
II. GÓP Ý CỤ THỂ
Là tổ chức đại diện tiếng nói của NKT, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam xin tham gia một số ý kiến đối với dự án Luật Quy hoạch đô thị  và nông thôn, cụ thể như sau:
  1. Điều 3: Giải thích từ ngữ
Khoản 6. Quy hoạch đô thị và nông thôn là việc xác định, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội, nhà ở nhằm tạo lập môi trường sống thích hợp, hòa nhập cho người dân…..
Đề nghị nghiên cứu, bổ sung từ “hòa nhập”, sau cụm từ môi trường sống thích hợp. Bởi nếu chỉ quan tâm đến xây dựng môi trường sống thích hợp là chưa đủ, NKT cần có lối đi tiếp cận được, khu nhà ở tiếp cận được, hệ thống giao thông tiếp cận được, không gian công cộng tiếp cận được, quảng trường, công viên tiếp  cận được… thì mới thực sự được thụ hưởng những tiện ích của một đô thị hiện đại, đi cùng với sự phát triển của đô thị mà không bị bỏ lại phía sau.
  1. Điều 8. Yêu cầu đối với quy hoạch đô thị và nông thôn.
Đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm vào khoản 1: Cụ thể hóa, phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; bảo đảm tính thống nhất với quy hoạch phát triển các ngành trong phạm vi lập quy hoạch; bảo đảm công khai, minh bạch và kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng và cá nhân; bảo đảm mọi lợi ích của các nhóm dân cư được tính đến, trong đó có nhóm người yếu thế.
  1. Điều 24. Thiết kế đô thị
Khoản 1, điểm c, nghiên cứu bổ sung như sau: Nội dung thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chi tiết gồm việc xác định các công trình điểm nhấn trong khu vực quy hoạch theo các hướng tầm nhìn, tầng cao xây dựng công trình cho từng lô đất và cho toàn khu vực; khoảng lùi của công trình trên từng đường phố và ngả giao nhau; xác định hình khối, màu sắc, hình thức kiến trúc chủ đạo của các công trình kiến trúc; hệ thống cây xanh, mặt nước, quảng trường; bảo đảm thiết kế phổ quát tiếp cận đối với người khuyết tật.\
  1. Điều 34. Đối tượng, nội dung, hình thức và thời gian lấy ý kiến
Về hình thức lấy ý kiến, nghiên cứu bổ sung vào điểm d, khoản 2 và điểm c, khoản 3 như sau: Việc lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung được thực hiện bằng một hoặc các hình thức gửi hồ sơ, tài liệu, tổ chức hội nghị, hội thảo, đăng tài trên cổng thông tin điện tử của cơ quan tổ chức lập quy hoạch; đảm bảo thông tin cần lấy ý kiến đến được với nhóm người khuyết tật đặc thù, người khiếm thị cần tiếp cận thông tin dưới dạng âm thanh, người khiếm thính cần tiếp cận thông tin dưới dạng ngôn ngữ ký hiệu.
  1. Điều 49. Tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn
Khoản 1. Công dân được quyền tiếp cận các thông tin quy hoạch đô thị và nông thôn sau đây, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước….
Đề nghị nghiên cứu Điều 48 bổ sung thêm một khoản để thống nhất với quy định trong Luật Tiếp cận thông tin, đó là: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn”.
Luật Tiếp cận thông tin quy định: Điều 3. Nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin. Khoản 1. Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; Khoản 6. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Quyền tiếp cận thông tin phải được hiểu là thông tin đó đến được với NKT, đến được với người khiếm thị, khiếm thính theo cách tiếp cận của dạng tật đặc thù. Người khiếm thị cần có thông tin bằng âm thanh, người khiếm thính cần có thông tin bằng ngôn ngữ ký hiệu, thì họ mới hiểu được thông tin. Chứ không phải là thông tin đăng trên báo đài, cổng thông tin điện từ thì hiểu là đã cung cấp thông tin.
Luật sư Nguyễn Thanh Thúy - Trưởng ban Chính sách - pháp luật Trung ương Hội tham luận tại Hội nghị
III. KẾT LUẬN
Như bao người lành lặn khác, NKT ngày nay đã tự tin xuất hiện ở tất cả mọi nơi, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Họ đi làm, đi chơi, đi học, tham gia và sử dụng các tiện ích, không gian công cộng ngày càng nhiều hơn. Vì vậy, quy hoạch đô thị và nông thôn cần tính đến lợi ích của nhóm yếu thế. Đây không phải là sự ưu tiên, mà là đảm bảo quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử trong thụ hưởng sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của đô thị, của nông thôn.
Không gian công cộng cần tiếp cận, thân thiện cho tất cả mọi người. Đây không chỉ là vấn đề nhân văn, mà là vấn đề lợi ích của đất nước, của xã hội. Càng nhiều người được tiếp cận, được thụ hưởng thì giá trị của không gian công cộng càng tăng lên. Thiết kế và quy hoạch không gian công cộng, thiết kế và quy hoạch đô thị, nông thôn đảm bảo sự hòa nhập, bình đẳng cho tất cả mọi người là một trong những điều quan trọng để Việt Nam hướng đến thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc./.

Tin liên quan