Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng người khuyết tật cần sự tôn trọng, sẻ chia, tạo điều kiện để cùng nhau làm cuộc sống có ý nghĩa hơn. Phát biểu của Phó Thủ tướng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và ông Cao Văn Thành, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, tại lễ ra mắt Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, chiều 18/1. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Và câu chuyện về nỗ lực vươn lên của bạn trẻ khuyết tật được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kể lại trong lễ ra mắt Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, chiều 18/1, thay cho những phát biểu về trách nhiệm cũng như giải pháp để công tác chăm sóc, bảo vệ, hỗ trợ người khuyết tật đã nhận được sự đồng cảm của nhiều đại biểu.
Mẹ cùng Phương làm “tiến sĩ toán học”
Bạn trẻ tên Phương, trong câu chuyện kể của Phó Thủ tướng, năm nay 26 tuổi dù bị khiếm thị từ nhỏ nhưng “rất yêu đời và luôn cho rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều người vì vẫn còn nhìn thấy mờ mờ, còn thấy được các đầu ngón tay”.
Phương đã “nuôi ước mơ và không từ bỏ ước mơ, đã kiên trì, nỗ lực vượt lên tất cả - tất nhiên là với sự yêu thương, trân trọng, sẻ chia, giúp đỡ của cha mẹ, người thân, bạn bè, cộng đồng - và đã tốt nghiệp đại học”, và hơn thế nữa “với niềm đam mê toán học, với kết quả học tập và khát khao cháy bỏng, lay động lòng người, Phương đã được nhận học bổng toàn phần chương trình đào tạo tiến sĩ toán học của một trường đại học lớn ở một nước tiên tiến”.
Không đọc, không viết được như các nghiên cứu sinh khác, nên trường đại học mà Phương theo học phải hỗ trợ riêng cho bạn những công cụ cần thiết và có một cơ chế đặc biệt là cho một người đi học kèm.
Mẹ của Phương, vốn là một thợ may, đã trao lại gia đình cho chồng và nỗ lực vượt bậc học ngoại ngữ, học các ký hiệu toán học để có thể viết ra những công thức, những con số, những lập luận... mà con mình nói ra.
Phó Thủ tướng chia sẻ: “Làm sao cháu Phương có thể đi học, trở thành cử nhân, và tới đây có thể - không, tôi tin chắc rằng - sẽ trở thành tiến sĩ toán học và có nhiều đóng góp cho xã hội nếu những người thân không chia sẻ, đồng hành với tình yêu thương vô bờ bến và nỗ lực phi thường”.
Theo Phó Thủ tướng, những người thân của người khuyết tật cũng là những người rất đặc biệt, rất đáng được trân trọng, quan tâm. Không ít gia đình, nhất là những gia đình nạn nhân chất độc hóa học còn có nhiều người khuyết tật, thậm chí gần như cả nhà. Nhiều gia đình thực sự rất nghèo, rất khó khăn dù đã được chăm lo, giúp đỡ.
Cùng với đó là những câu hỏi được Phó Thủ tướng đặt ra với sự trân trọng: Làm sao bạn tôi có thể lo được cho cháu Phương theo học trong một hoàn cảnh đặc biệt như vậy nếu không có sự chia sẻ, hỗ trợ của cơ quan, của chính quyền, của bà con xóm phố. Làm sao cháu Phương có thể theo đuổi ước mơ trở thành nhà toán học của mình nếu không có sự giúp đỡ của thầy cô, bè bạn và của cả cộng đồng.
Các trường mà Phương đã học qua đều đã phải có những phương cách hỗ trợ rất đặc thù để bạn có thể hoàn thành chương trình học tập. Kể cả Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải tổ chức thi tuyển đại học riêng cho những người như Phương. Một trường đại học đã dành cơ chế và sự trợ giúp đặc biệt để giúp một sinh viên khiếm thị từ một quốc gia khác theo đuổi ước mơ của mình…
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Những người đặc biệt giúp hiểu thêm ý nghĩa cuộc sống
Trong phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc tới rất nhiều người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt, có nỗ lực, đóng góp nổi bật như Ludwig van Beethoven, Stephan Hawking, Terry Fox, Nick Vujicik, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, bé Linh Chi (mà cộng đồng mạng gọi là ‘Vujicik Việt Nam’), nhà văn Trần Trà My, Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng và người em gái Nguyễn Thảo Vân, đôi vợ chồng-vận động viên Mai Văn Long - Hoàng Thị Hồng Châu...
“Họ được gọi là người khuyết tật. Họ có thể có cơ thể không lành lặn nhưng có tâm hồn cao đẹp mà không ít người dù cơ thể lành lặn lại không có được. Họ là những người đặc biệt, những người rất đáng khâm phục, đáng được trân trọng. Họ tuyệt nhiên không cần những người khác thương hại. Họ cần sự tôn trọng, sẻ chia, tạo điều kiện để cùng nhau làm cuộc sống này có ý nghĩa hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Nói đến những người có cơ thể lành lặn nhưng khiếm khuyết trong tâm hồn, không nỗ lực phấn đấu hướng tới những điều tốt, điều thiện; không nhận ra, không trân trọng giá trị của người khác; thậm chí kỳ thị, coi thường, không chia sẻ, không giúp đỡ người khuyết tật…, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Những người khuyết tật, những người dù cơ thể bị khiếm khuyết nhưng có tâm hồn cao đẹp, có ý chí vươn lên trong cuộc sống đã giúp chúng ta hiểu thêm những điều có ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống.
Vì vậy, cùng với việc làm tốt hơn nữa rất nhiều cơ chế, chính sách, phong trào, hoạt động… chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật, nhất là những nạn nhân chiến tranh, Phó Thủ tướng cho rằng: “Không chỉ là nguồn lực vật chất mà quan trọng hơn là suy nghĩ là thái độ, là sự tôn trọng, sẻ chia, là tình yêu thương con người”.
Từ đó tiếp sức cho những người khuyết tật vượt qua được sự tự ti, suy nghĩ an phận, thậm chí buông xuôi; và biến sự thiếu tôn trọng, phân biệt, thương hại của một số những người thành sức mạnh, thêm nỗ lực khẳng định mình.
“Người khuyết tật không đi được nên cần chúng ta làm đường dốc bên cạnh bậc cầu thang, cần chỗ đi vệ sinh được thiết kế phù hợp, cần chỗ ngồi trên tàu, trên xe .v.v. Người khuyết tật cần chúng ta tạo điều kiện để họ tự khẳng định và vươn lên lập thân, lập nghiệp, đóng góp cho xã hội chứ không cần được thương hại và việc tạo điều kiện cho người khuyết tật là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội, của chúng ta chứ không phải sự ban ơn”.
Bởi như chia sẻ của Phó Thủ tướng: Trong sâu thẳm mỗi người đều có những điều rất tốt đẹp và mỗi người đều có giá trị của mình. Giá trị đó không phụ thuộc vào địa vị, tiền tài. Chỉ cần kiên trì, nỗ lực để những điều tốt đẹp ấy trong mình lớn lên và làm những điều tốt đẹp trong mọi người nảy nở. Với những người không may mắn khi cơ thể có khiếm khuyết thì sự kiên trì, nỗ lực ấy lại càng nhiều hơn. Chính vì vậy những giá trị vốn đã quý trong họ lại càng đáng quý.
“Yêu thương, sự sẻ chia, giúp đỡ mọi người là điều tốt đẹp nhất và mỗi ngày là một món quà vô giá mà ta được ban tặng. Hãy sống với, sống vì những điều tốt điều tốt đẹp ấy. Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ còn lại là tình người”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định và kêu gọi bản thân mỗi người “nỗ lực hơn để những điều tốt đẹp trong mình, trong xã hội được khơi dậy, được nhân lên cho xứng với sự may mắn mà cuộc sống đã ban tặng”.
Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đặt mục tiêu cho giai đoạn 2016-2020 là xác định là đảm bảo cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng về mọi mặt ngày càng tốt hơn, thực hiện có hiệu quả luật pháp, chính sách của Việt Nam và Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Hiện Việt Nam có khoảng 7,2 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên chiếm 7,8% dân số. Trong đó, người khuyết tật nặng và đặc biệt năm chiếm 28,9%, khoảng 58% người khuyết tật là nữ; 28,3% người khuyết tật là trẻ em; 10,2% người khuyết tật là người cao tuổi; khoảng 15% người khuyết tật thuộc hộ ngèo. Dự báo số lượng người khuyết tật trong những năm tới sẽ tiếp tục gia tăng do xu hướng già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông, tai nạn lao động... Mặc dù việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về người khuyết tật những năm qua đã tạo ra những chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của người khuyết tật nhưng cũng còn nhiều khó khăn hạn chế như: đời sống của một bộ phận không nhỏ người khuyết tật còn nhiều khó khăn. Khoảng 15% người khuyết tật thuộc hộ nghèo, vẫn còn người khuyết tật chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm; vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt của xã hội đối với người khuyết tật... Theo chinhphu.vn |