Vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, những anh bộ đội Cụ Hồ năm xưa, nay là thương binh đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, tích cực lao động sản xuất, nhiệt tình công tác xã hội, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới... Họ là những tấm gương bình dị mà tỏa sáng giữa đời thường, rất đáng được trân trọng.
Trong đó, phải kể đến thương binh Nguyễn Quang Văn (75 tuổi), ở phường Cẩm Đông, thành phố Cẩm Phả, dù mất 85% sức khỏe với một bên chân không lành lặn nhưng ông đã vượt qua khó khăn và gây dựng lên xưởng mộc mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và giải quyết việc làm cho nhiều người dân địa phương.
Thương binh Nguyễn Quang Văn (thứ 8 từ trái sang)
trong Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu của tỉnh và kỷ niệm 70 năm ngày TBLS năm 2017
Thương binh Nguyễn Quang Văn tham gia quân ngũ năm 1967 và tham gia các chiến trường Bình Long, Phước Long, Tây Ninh và chiến trường biên giới Campuchia… Năm 1973, khi tham gia chiến trường Bình Long năm 1973 ông bị mất bàn chân phải và bị thương ở chân bên trái (hiện ông phải dùng chân giả). Sau một thời gian điều trị, năm 1975 ông giải ngũ và đến sinh sống ở phường Cẩm Đông, thành phố Cẩm Phả.
Trở về quê hương với thương tật đầy người và là thương binh loại 1 vừa là bệnh binh mất 85% sức khỏe. Bị mất một phần cơ thể nên ông không thể xin được một công việc lao động trên mỏ. Thời gian đầu ông tham gia công tác của phường làm tổ trưởng dân phố. Những người cao tuổi ở khu phố Đông Tiến 2, phường Cẩm Đông đều không quên hình ảnh ông thương binh chân bước tập tễnh, có khi đêm khuya cũng đến một gia đình nào đó trong khu phố “cơm không lành, canh không ngọt” để hoà giải chuyện cãi vã trong gia đình họ...
Thế nhưng khoản trợ cấp của nhà nước không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, ông Văn tính mở mang thêm nghề để nuôi sống gia đình. Chuyện tình cờ do một lần vợ chồng ông Văn vớt được khúc gỗ trôi dưới suối trong một lần mưa bão, rồi đem về nhà cưa xẻ ra để đóng chiếc bàn. Sau khi xong tác phẩm mộc đầu tiên, ông Văn thấy mình cũng là người có “hoa tay” với nghề mộc, vậy là ông quyết định chuyển sang làm nghề này. Ban đầu ông cũng chỉ đóng các vật dụng đơn giản cho bà con quanh xóm. Đến năm 1978, ông Văn quyết định mở xưởng mộc và thuê thợ giỏi về làm. Vốn là người lính tính kỷ luật và trách nhiệm cao, lại thêm tính khéo léo nên các sản phẩm của xưởng mộc ông Văn đều được khách hàng đánh giá cao và được nhiều người tìm đến đặt hàng. Vài chục năm hoạt động, xưởng mộc của ông luôn tạo việc làm cho từ 5 – 10 lao động làm nghề mộc với mức lương khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.
Từ năm 2017, do tuổi cao, một phần nghề mộc không còn phù hợp khi mở ở khu phố đông dân cư, ông Văn chuyển sang mở cửa hàng kinh doanh đồ gỗ ban đầu mang tên Cửa hàng Nội thất Quang Văn, nay đổi tên là Cửa hàng Đồ gỗ Đại Quyên, hiện là địa chỉ tin cậy với nhiều người mua đồ gỗ ở Cẩm Phả. Được biết, hiện ông đang xin giấy phép đăng ký để mở cơ sở sản xuất nước mắm mang nhãn hiệu Mắm Chắt – Quang Văn. Theo ông Văn đây là nghề gia truyền và ông vẫn duy trì theo quy mô nhỏ. Với nhu cầu tiêu dùng mắm truyền thống, không sử dụng hoá chất của người dân tăng cao, ông dự định mở rộng quy mô sản xuất với sản lượng ban đầu khoảng 4.000 lít nước mắm/năm.
Với những đóng góp cho cộng đồng, xã hội, thương binh Nguyễn Quang Văn và gia đình đã 13 năm liền đạt danh hiệu gia đình kiểu mẫu của phường Cẩm Đông. Bản thân ông Văn được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh và thành phố Cẩm Phả. Năm 2017, ông Nguyễn Quang Văn vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, vì đã có thành tích trong thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng từ 2012 đến 2016, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.
Cũng như thương binh Nguyễn Quang Văn, thương binh Hoàng Văn Cau ở phường Hà An, thị xã Quảng Yên đã vượt qua những đau thương, mất mát, vươn lên phát triển kinh tế gia đình từ nghề đóng mới và sửa chữa tàu thuyền vỏ gỗ truyền thống của gia đình.
Thương binh Hoàng Văn Cau thành công với nghề đóng tàu truyền thống
Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 2/ 1975 chàng thanh niên trẻ Hoàng Văn Cau, tham gia vào quân ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 . Theo bước hành quân của Trung đoàn 165, chiến sĩ Hoàng Văn Cau đã trực tiếp tham gia chiến dịch Biên giới Tây Nam năm 1977. Tháng 9 năm 1981 phục viên trở về quê hương với nhiều phần thưởng cao quý nhưng trong mình cũng chằng chịt vết thương, những mảnh đạn di chứng của chiến tranh, với tỷ lệ thương tật 35%. Ngay sau khi phục viên ông Cau đã lựa chọn phát triển kinh tế từ nghề đóng mới và sửa chữa tàu thuyền vỏ gỗ truyền thống của gia đình. Với đôi bàn tay khéo léo, nắm bắt được các quy trình sản xuất, Ông Cau tự tin: đây là nghề truyền thống của gia đình, cùng đội ngũ công nhân lành nghề, có nhiều năm kinh nghiệm trong việc đóng mới tàu vỏ gỗ, đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu của ngư dân trong và ngoài tỉnh.
Không dừng lại ở việc đóng tầu vỏ gỗ, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, mở rộng sản xuất. Ông Hoàng Văn Cau cho biết: “Công ty TNHH Hoàng Cau là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn phường Hà An thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất từ đóng tàu vỏ gỗ sang đóng tàu vỏ sắt. Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, đặc biệt là chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá xa bờ, đến nay Công ty đã xuất xưởng gần 30 chiếc tàu vỏ sắt công suất từ 90 CV trở lên, góp phần tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển. Hiện Công ty đang tạo việc làm cho trên 20 lao động địa phương, trong đó có 6 lao động là thương bệnh binh, cựu chiến binh và con em thương bệnh binh”.
Chiến tranh đã qua đi và lùi xa theo năm tháng nhưng những dấu tích về một thời đạn bom không chỉ in đậm trong ký ức của những người lính năm xưa, mà còn hằn in trên thân thể họ. Vượt qua khó khăn, tật bệnh, trở về cuộc sống đời thường, những người thương, bệnh binh trên khắp cả nước nói chung và của tỉnh Quảng Ninh vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ, đóng góp sức mình vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Theo laodongxahoi.net