Khởi nghiệp đối với người bình thường đã khó, với người khuyết tật (NKT) còn khó gấp rất nhiều lần. Thế nhưng, bằng ý chí, nghị lực, nhiều NKT đã vượt qua khó khăn, rào cản vươn lên phát triển kinh tế, tạo việc làm cho bản thân, người cùng cảnh ngộ, hoàn cảnh khó khăn, góp phần giúp họ vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Những tấm gương vượt tật nguyền khởi nghiệpLớp dạy kèm học sinh đang học lớp 12 của anh Nguyễn Tuấn Hùng.

Là con út trong gia đình có 5 người con, nhưng Hoàng Thị Nga ở xã Hùng Sơn (Tĩnh Gia) sinh ra không may mắn như các anh chị mình. Từ năm lên 1 tuổi 1 bên chân của em cứ teo dần, dù được gia đình chạy chữa khắp nơi nhưng không có kết quả. Lên 6 tuổi, dù rất khó khăn trong việc đi lại nhưng em vẫn muốn đến trường đi học. Thể theo ước nguyện của con, hằng ngày bố mẹ thay nhau đưa đón em đến trường bằng xe đạp. Lên đến THPT, do trường cách nhà gần 10 cây số nên Nga tập đi xe đạp, nhưng cũng không dám đi buổi về mà phải ở trọ để học. Do có chất giọng tốt lại đam mê ca hát nên sau khi tốt nghiệp THPT Nga xin vào đoàn văn nghệ của NKT, vừa hát, vừa làm MC dẫn chương trình. Trong thời gian 7 năm đi diễn tại nhiều tỉnh, thành phố, Nga đã bén duyên với người cùng cảnh ngộ trong đoàn. Vợ chồng cùng nhau vun vén, chia ngọt sẻ bùi, xây dựng gia đình hạnh phúc, 2 đứa con xinh xắn, lành lặn lần lượt ra đời. Từ khi sinh con, Nga rời đoàn văn nghệ về quê mở quầy tạp hóa nhỏ buôn bán.

Từ nguyện vọng muốn tạo việc làm cho lao động là NKT, hoàn cảnh khó khăn, sau một thời gian đi học nghề mây tre đan, tháng 3-2019 Nga đấu mối với 1 doanh nghiệp nhận nan về đan đèn lồng, mành xuất khẩu, tạo việc làm thêm lúc nông nhàn cho trên 10 lao động. Tuy sản phẩm làm chưa đa dạng, phong phú, việc thu hút người làm cũng chưa nhiều, nhưng bằng ý chí, niềm tin và nghị lực, tin rằng Nga sẽ khởi nghiệp thành công.

Sinh ra với một cơ thể lành lặn, có được công việc ổn định và một gia đình hạnh phúc, nhưng trong một lần đi công tác anh Nguyễn Tuấn Hùng ở TP Thanh Hóa bị tai nạn tàu hỏa khiến 2 chân bị liệt, mất kiểm soát hoàn toàn. Dù đã chạy chữa tại nhiều bệnh viện nhưng cuối cùng anh vẫn phải đối mặt với nỗi đau đớn về thể xác, sự mặc cảm về tinh thần và kiệt quệ về tài chính vì chi phí điều trị. Những tưởng cuộc sống sẽ chìm sâu trong tuyệt vọng. Song sự tình cờ như một cái “duyên” đến với Hùng trong thời gian anh tiếp tục chạy chữa tại Trung tâm Phục hồi chức năng (TP Sầm Sơn). Với vốn kiến thức được đào tạo bài bản khi học đại học tại khoa sư phạm Vật lý Trường Đại học Hồng Đức và khoa Tự động hóa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng sự thông minh, nhạy bén, anh nhận kèm cho một nhóm học sinh ôn thi vào đại học và đạt được kết quả cao. Điều đó giống như ánh sáng cuối con đường, anh đã nắm bắt cơ hội và dành toàn tâm, toàn ý cho việc làm thầy giáo dạy kèm tại nhà cho học sinh từ lớp 10 đến lớp 12.

Là NKT phải ngồi xe lăn, lại chưa từng theo dạy ở trường lớp nào nên để phụ huynh, học sinh tin tưởng không phải là điều dễ, Hùng đã phải cố gắng nỗ lực rất nhiều, học sinh đến với anh có kết quả học tập ngày một tốt hơn và đỗ đại học cũng nhiều. Từ sự truyền tai nhau của các bậc phụ huynh mà học sinh đến với anh ngày càng đông. Sau 8 năm dạy kèm tại nhà đã có gần 300 em được anh bồi dưỡng thi đỗ vào các trường đại học.

Với khát khao cháy bỏng được sống, phát triển kinh tế bằng chính sức lao động của mình nhưng anh Phạm Văn Chuyền ở xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc) vẫn chưa thực hiện được do sức khỏe yếu, việc lao động bằng tay chân gặp rất nhiều khó khăn, vốn lại không có nên ý tưởng ấp ủ bấy lâu về việc xây dựng trang trại chăn nuôi của Chuyền vẫn chưa thực hiện được. Đến năm 2017, được UBND xã tạo điều kiện cho nhận thầu 1.500m2 đất trên khu đồi thuộc thôn Tân Phúc để làm trang trại chăn nuôi lợn, cùng sự động viên khích lệ, giúp đỡ của gia đình, bạn bè cả vật chất, tinh thần và công sức nên dù còn nhiều khó khăn nhưng Chuyền vẫn cố gắng xây dựng được khu chuồng trại quy mô 500m2, nuôi 10 con lợn nái đẻ và 100 con lợn thịt, với kinh phí đầu tư trên 200 triệu đồng.

Buổi đầu do thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên lợn nái đẻ rất ít con/lứa, lợn thịt hay bị nhiễm bệnh, thiệt hại kinh tế cũng không hề nhỏ. Không phụ lòng gia đình, bạn bè, hằng ngày ngoài nghiên cứu, tham khảo tài liệu trên sách báo, ti vi, Chuyền đi thực tế ở vùng lân cận để học hỏi cho dù việc đi lại đối với bản thân là rất khó khăn. Sau một năm đúc rút kinh nghiệm, khắc phục được hạn chế, việc chăn nuôi dần đi vào quy củ và đạt được thành quả. Số lượng tổng đàn nuôi mỗi năm một tăng. Nếu như năm 2013 xuất chuồng được 170 con lợn thịt, thu nhập 710 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 60 triệu đồng thì đến năm 2016 tăng lên 250 con, cho thu nhập 1,1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 150 triệu đồng. Từ năm 2017 đến nay do giá lợn hơi xuống thấp và gần đây là dịch tả lợn châu Phi nên hầu hết các gia đình đều bị thiệt hại nặng nề trong chăn nuôi. Tuy nhiên, do bản thân đã học hỏi, tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên đến thời điểm hiện tại đàn lợn của gia đình anh vẫn phát triển khỏe mạnh với tổng đàn 130 con lợn thịt và 13 con lợn nái. Dự kiến cuối tháng 12 sẽ xuất chuồng 52 con lợn thịt.

Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều NKT trên địa bàn tỉnh đã vượt lên mặc cảm tật nguyền khởi nghiệp thành công. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Lương, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh cho biết: Để tiếp thêm ngọn lửa khát vọng khởi nghiệp cho thanh niên khuyết tật, tháng 11 vừa qua Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh đã phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Thanh Hóa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Thanh Hóa tổ chức lớp tập huấn kiến thức khởi sự doanh nghiệp cho hơn 70 học viên là NKT nhằm truyền đạt những kiến thức cơ bản và những kỹ năng, kinh nghiệm trong khởi nghiệp, quản lý doanh nghiệp và kinh nghiệm xây dựng kế hoạch kinh doanh. Cùng với đó là sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, các hội, đoàn thể và toàn xã hội đã giúp cho một bộ phận không nhỏ NKT vượt khó vươn lên làm kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của bản thân và giải quyết việc làm cho những người đồng cảnh...

Theo baothanhhoa.vn

Tin liên quan