Địa phương luôn quan tâm dạy nghề, tạo việc làm cho NKT
Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 đã được thực hiện và cơ bản hoàn thành. Thông qua các hoạt động đã từng bước thay đổi nhận thức, quan điểm, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và xã hội đối với vấn đề khuyết tật và NKT. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 39, UBND tỉnh Ninh Thuận đã sớm ban hành Kế hoạch triển khai. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5224/KH-UBND, ngày 30/12/2019 triển khai thực hiện Chỉ thị số 39 trên địa bàn toàn tỉnh. Mục đích của kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư đối với công tác NKT trên địa bàn tỉnh; tạo sự đồng thuận và tham gia của các ngành, các cấp trong thực hiện các hoạt động đối với NKT. Hỗ trợ NKT phát huy khả năng để đáp ứng nhu cầu bản thân; từng bước tạo điều kiện để họ vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng phát triển gia đình, hòa nhập cộng đồng và xã hội.
Với sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, NKT được tạo điều kiện hòa nhập với cộng đồng, tiếp cận từ chăm sóc sức khỏe, giao thông, giáo dục, trợ giúp pháp lý, văn hóa, thể thao… Riêng các hoạt động trợ giúp xã hội, bao gồm thường xuyên và đột xuất cho NKT đã được ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện đầy đủ và hiệu quả.
Theo đó, thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, tổng số đối tượng đã được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng 191.373 lượt người, trong đó có 90.011 lượt đối tượng khuyết tật được nhận trợ cấp. Trong quá trình thực hiện chính sách xã hội, công tác xét duyệt, xác định cấp Giấy xác nhận khuyết tật, thực hiện Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH, hằng năm Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lãnh đạo, công chức Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội và thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã, phường, thị trấn và cộng tác viên công tác xã hội. Hiện nay công tác xác định mức độ khuyết tật được thực hiện tại xã, phường, thị trấn đã đi vào ổn định. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã, phường, thị trấn đã xác định và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho 13.971 NKT (2.832 NKT đặc biệt nặng, 8.129 NKT nặng, 2.830 NKT nhẹ. Qua đó thực hiện trợ cấp thường xuyên cho những trường hợp là khuyết tật nặng, đặc biệt nặng theo quy định.
Nhiều doanh nghiệp đã đồng hành trong công tác trợ giúp NKT
Đối với tổ chức vì người khuyết tật, Hội Người mù tỉnh được UBND tỉnh cho phép thành lập từ năm 2012 theo Quyết định số 2250/QĐ-UBND ngày 05/11/2012, hiện nay đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ 2 (nhiệm kỳ 2018-2023). Sau khi Hội người mù của tỉnh được thành lập hiện có 551 người mù là Hội viên Hội người mù tỉnh, được tham gia sinh hoạt các hoạt động của Hội. Đã được các nhà từ thiện quan tâm hỗ trợ 3.246 suất quà cho các đối tượng là người mù có hoàn cảnh khó khăn; trên địa bàn tỉnh hiện có 05 cơ sở massage người mù với 30 người mù tham gia hoạt động, tạo thu nhập cho gia đình, trong đó Hội Người mù của tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 10 người.
Ngoài công tác triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội theo quy định của Chính phủ, để chăm lo tốt hơn nữa trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp Đoàn ReSurge International (Hoa Kỳ) phẫu thuật miễn phí cho NKT bị các dạng tật sứt môi, chẻ vòm (hở hàm ếch), sụp mi, dính ngón, dư ngón, sẹo bỏng co rút, dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt (với 206 trường hợp đã được phẫu thuật). Phối hợp với Trung tâm Chỉnh hình – Phục hồi chức năng Thành phố Hồ Chí Minh khám, sàng lọc và phẫu thuật miễn phí cho NKT bị chân tay khoèo, sứt môi, hở hàm ếch, dính ngón, dư ngón cho 670 trường hợp; tổ chức cấp miễn phí cho hơn 300 chiếc xe lăn, xe lắc, dụng cụ phục hồi chức năng.
Tuy có nhiều nỗ lực trong công tác trợ giúp NKT nhưng đến nay, đa số NKT ở Ninh Thuận chỉ mới hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng với mức hưởng thấp, khó để đảm bảo đời sống. Giai đoạn tới đây, để công tác triển khai thực hiện Đề án trợ giúp cho người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030 hiệu quả, UBND tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị Bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ phân bổ kinh phí cho địa phương để thực hiện các hoạt động trợ giúp NKT có khó khăn về tài chính. Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ xem xét cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích hình thành các cơ sở dạy nghề, tạo việc làm cho NKT để thu hút những người còn khả năng lao động tham gia…
Theo laodongxahoi.net