Doanh nghiệp xã hội (DNXH) được hiểu là một tổ chức có các hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu mang tính xã hội, lợi nhuận thu được sử dụng để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ sở hữu. Mục tiêu hoạt động của DNXH hội hướng đến cộng đồng, lợi ích chung của toàn xã hội như giúp đỡ người yếu thế, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc, bảo vệ môi trường...

Doanh nghiệp xã hội kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu mang tính xã hội

Doanh nghiệp xã hội được hình thành từ các sáng kiến xã hội, trên nền tảng nhu cầu giải quyết một vấn đề xã hội cụ thể của cộng đồng, được dẫn dắt bởi tinh thần doanh nhân của những người sáng lập. Tính tự phát, năng động đặc thù này khiến cho nhận thức của xã hội luôn bị bỏ lại rất xa so với thực tiễn sinh động của mô hình DNXH. Khái niệm DNXH là một loại hình doanh nghiệp tuy mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng đã có những phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới.

Doanh nghiệp xã hội

Hoạt động kinh doanh của DNXH nói đúng hơn, vượt lên trên các Quỹ từ thiện truyền thống. DNXH cung cấp các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ với chất lượng tốt và ở mức giá cạnh tranh so với thị trường. Việc cạnh tranh bình đẳng và công bằng, tuy là một thử thách lớn, nhưng lại đem lại cho DNXH vị thế độc lập và tự chủ trong tổ chức và hoạt động của mình. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh có thể không bù đắp tất cả chi phí cho mục tiêu xã hội, nhưng ít nhất việc bù đắp một phần, thường là từ 50-70% nguồn vốn (phần còn lại các DNXH vẫn có thể dựa vào nguồn tài trợ), sẽ giúp DNXH độc lập hơn trong quan hệ với các nhà tài trợ để theo đuổi sứ mệnh xã hội của riêng mình và quan trọng hơn là tạo điều kiện để DNXH mở rộng được quy mô các hoạt động xã hội.

DNXH phát hiện vấn đề xã hội, họ tìm được mô hình kinh doanh trong giải pháp xã hội và từ đó đưa sáng kiến vào thực tiễn nhằm giải quyết các vấn đề xã hội đó. Chỉ có những con người gắn bó với cộng đồng, thậm chí là người bản thân cũng thuộc nhóm đối tượng hưởng lợi của sáng kiến đó mới có thể phát hiện và thấu hiểu một vấn đề xã hội cụ thể. Có thể kể đến những người như chị Dương Phương Hạnh là người khiếm thính nên sáng lập Trung tâm nghiên cứu giáo dục, đào tạo ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính; cố Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng là người khuyết tật vận động nhưng tự học thành thạo các kỹ năng tin học nên sáng lập Trung tâm Nghị lực sống đào tạo tin học cho người khuyết tật theo cách tiếp cận hòa nhập toàn diện (từ đào tạo đến tìm việc làm); anh Tạ Minh Tuấn xuất phát từ bệnh tình của bố để thành lập Help Corporation thực hiện mô hình bác sĩ gia đình, điều chỉnh lối sống…

Doanh nghiệp xã hội góp phần tạo cân bằng xã hội

Các doanh nghiệp xã hội đóng góp rất lớn cho xã hội, không chỉ bằng những lợi ích kinh tế tính bằng số tiền đóng góp vào ngân sách nhà nước hay giá trị sản phẩm, mà chủ yếu đóng góp cho những mảng mà các doanh nghiệp thông thường bỏ qua. Đó là sản phẩm và dịch vụ giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội cho người nghèo, thu mua sản phẩm, nguyên vật liệu từ những đối tượng ít có cơ hội bán hàng ra thị trường, và nhất là tạo công ăn việc làm cho đối tượng người thiếu may mắn. Hoặc là, họ góp phần tạo cân bằng xã hội, tác động vào khu vực xa xôi, hẻo lánh. Họ cũng góp phần giảm thiểu tác hại tới môi trường sống…

Tại Việt Nam, từ giữa những năm 1990, một số DNXH thực thụ đã bắt đầu xuất hiện như Trường Hoa Sữa, Nhà hàng KOTO tại Hà Nội, Mai Handicrafts tại TP.HCM. Tuy nhiên, mô hình này chỉ mới phát triển ở mức độ đơn lẻ, quy mô nhỏ. Từ năm 2008 đến nay, các DNXH phát triển trong sự liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành một cộng đồng, nhận được sự hỗ trợ, vốn đầu tư và sự định hướng từ nhiều tổ chức như Hội Đồng Anh, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc (ESCAP)...

Doanh nghiep xa hoi1

Hiện nay, ở nước ta có khoảng 200 tổ chức được xem là có đầy đủ các đặc điểm của DNXH. DNXH tồn tại dưới nhiều hình thức tổ chức và địa vị pháp lý khác nhau như tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức từ thiện, hợp tác xã, và hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, thủ công mỹ nghệ, truyền thông cộng đồng, nông nghiệp, bảo vệ môi trường…Bên cạnh đó, có hàng chục nghìn tổ chức và DN có những đặc điểm của DNXH.

Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, 68% số DNXH có hoạt động hướng tới xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập cho nhóm người yếu thế thông qua giáo dục đào tạo nghề, tăng cường kỹ năng và kiến thức. Lĩnh vực phổ biến nhất mà các doanh nghiệp xã hội Việt Nam hoạt động là nông nghiệp, chiếm 35%. Tiếp theo là y tế (9%), giáo dục (9%) và môi trường (7%). Các DNXH cũng hoạt động khá hiệu quả trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng nghề cho con em gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật..., tạo cho họ việc làm ổn định, có thu nhập tương đối cao trong điều kiện chung của xã hội. Qua đó đã góp phần hỗ trợ Chính phủ trong giải quyết các vấn đề xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ và nâng cao năng lực cho các nhóm yếu thế, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.



Tin liên quan