Một nhóm học sinh Trường THPT Long Thành (H.Long Thành) đã sáng tạo ứng dụng YouLight nhằm hỗ trợ người khiếm thị nhận dạng giá trị tiền tệ. Tại sân chơi Ý tưởng khởi nghiệp - CiC 2021 do Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, nhóm đã lọt vào vòng chung kết bảng học sinh THPT và nằm trong tốp 4, đồng thờ đoạt giải thưởng Dự án được yêu thích nhất.
Nhóm dự án YouLight - ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị nhận dạng giá trị tiền tệ tại vòng chung kết cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp - CiC 2021 |
Các thành viên thực hiện dự án gồm: Bùi Tiến Quốc, Trần Minh Thục Trang, Hồ Vũ Thanh Bình (lớp 12A8) và Đào Đăng Khoa (lớp 12A4).
* Dự án nhân văn
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện dự án, Bùi Tiến Quốc cho biết, YouLight ra đời nhằm giúp người khiếm thị có thể hòa nhập hơn với cộng đồng và có thể dễ dàng sử dụng tiền tệ trong đời sống hằng ngày.
Ứng dụng này có thể hỗ trợ người khiếm thị nhận dạng, tính toán, chuyển đổi giá trị tiền tệ. Trong đó, việc nhận dạng tiền tệ để người dùng biết được mệnh giá tờ tiền thông qua thao tác đơn giản đó là đưa tiền vào và quét. Ứng dụng có thể nhận dạng được 8 mệnh giá tiền tệ của: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu.
Sau khi kết thúc cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2021, Ban tổ chức cuộc thi tiếp tục tổ chức chương trình Gọi vốn đầu tư CiC 2021. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động hỗ trợ ươm tạo, khởi nghiệp sau chung kết của cuộc thi CiC 2021. Tuy nhiên, nhóm đã quyết định dừng lại để tập trung cho việc học bởi đây là năm học rất quan trọng của cả 4 thành viên trong nhóm. |
Ngoài ra, ứng dụng còn có những chức năng khác góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt của người khiếm thị như: SOS, cộng đồng tình nguyện viên, podcast và kết nối giữa các trung tâm khiếm thị.
Về phía tình nguyện viên, YouLight xây dựng một cộng đồng nơi mà các tình nguyện viên có thể kết nối giúp đỡ đến những người khiếm thị. Khi cần hỗ trợ, người dùng sẽ truy cập ứng dụng và thực hiện cuộc gọi, hệ thống sẽ nối máy đến tình nguyện viên gần nhất để trợ giúp. Podcast là thư viện giải trí được tạo ra bởi nhà phát triển và các tình nguyện viên. Đặc biệt, chức năng kết nối giữa những mái ấm, trung tâm khiếm thị đến tình nguyện viên, mạnh thường quân, hoặc phúc lợi xã hội, giúp họ có thể phân phối, mua bán, những sản phẩm do người khiếm thị làm ra.
Nhóm đã sử dụng bộ công cụ lập trình trực truyến Github, MIT App Inventor, Adobe Illustration và Android Studio (AS) để thiết kế giao diện và viết mã lệnh xử lý. Hệ thống được lập trình thông minh để xử lý các thao tác của người khiếm thị khi sử dụng, giúp họ sử dụng các nút bấm chức năng một cách hiệu quả nhất.
* Tích cực tham gia sân chơi sáng tạo
Theo thầy Vũ Đăng Khôi, giáo viên Trường THPT Long Thành (người hướng dẫn kỹ thuật của dự án), trong số 4 thành viên của dự án Youlight, thầy đã hướng dẫn Bùi Tiến Quốc và Trần Minh Thục Trang tham gia các sân chơi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học trong 3 năm liền. Qua những lần làm dự án, các em trưởng thành hơn, có kinh nghiệm nghiên cứu, thực hiện dự án và ý tưởng sáng tạo phong phú, thiết thực.
Các thành viên nhóm dự án YouLight - ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị nhận dạng giá trị tiền tệ. Ảnh: NVCC |
Em Trần Minh Thục Trang kể: “Chúng em chơi chung 1 nhóm, khi nhà trường phát động cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng và Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh, em đã rủ các bạn lập nhóm và làm dự án để thi. Riêng sân chơi Ý tưởng khởi nghiệp - CiC thì Quốc đã theo dõi từ trước và rủ cả nhóm cùng thi. Chúng em đã học tập được rất nhiều điều từ cuộc thi này”.
Nhận xét về tinh thần làm việc của các học trò, thầy Khôi cho biết, cả nhóm đều rất nhiệt huyết, chịu tìm tòi, làm việc nghiêm túc, phối hợp tốt khi làm việc nhóm. Xuyên suốt quá trình tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp - CiC, các thành viên đều làm việc online nhưng đã hoàn thành rất tốt dự án.
Về mặt kỹ thuật, thầy Khôi cho rằng, YouLight không phải là ứng dụng hoàn toàn mới bởi trên thị trường có nhiều ứng dụng nhận tiền tệ tương tự. Tuy nhiên, các ứng dụng này hầu như sử dụng ngôn ngữ nước ngoài nên khó tiếp cận với cộng đồng người khiếm thị Việt Nam.
“Dự án không có nhiều hàm lượng khoa học. Tuy nhiên, nhóm đã làm rất tốt khâu thiết kế giao diện và quảng bá hình ảnh. Đây cũng là thế mạnh của Quốc, trưởng nhóm” - thầy Khôi chia sẻ.
Trong thời gian qua, Tiến Quốc còn tham gia cuộc thi Vô địch thiết kế đồ họa thế giới và hiện đang đợi kết quả.
Khởi xướng thành lập CLB Sáng tạo và xây dựng dự án Với mong muốn tạo sân chơi khoa học, sáng tạo và trải nghiệm cho các bạn học sinh, em Bùi Tiến Quốc đã khởi xướng thành lập CLB Sáng tạo và xây dựng dự án của Trường THPT Long Thành. Em đang là Chủ nhiệm CLB này. Sau hơn 1 năm hoạt động, CLB đã thu hút hơn 3 ngàn lượt học sinh trên địa bàn H.Long Thành tham gia. Từ 9 thành viên chủ chốt ban đầu, hiện CLB có 30 thành viên chủ chốt và khoảng 200 thành viên thường xuyên tham gia tổ chức các sự kiện của CLB. |
Theo baodongnai.com.vn