Cứ mỗi tháng, những người mẹ trong nhóm Ong Chăm lại tập trung tại căn nhà trong ngõ nhỏ phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) để cùng thực hiện những nghĩa cử cao đẹp, đó là đan mũ, áo cho các em nhỏ vùng cao.
Ngoài ra, mỗi chuyến hàng ấy còn có những món đồ thiết yếu, gửi gắm yêu thương cho các con, những đứa trẻ được các thành viên trong nhóm nhận nuôi, trợ cấp trong suốt nhiều năm.
1.Câu chuyện của những người mẹ Ong bắt nguồn từ những hành trình đi khắp các vùng miền của bà Phan Vũ Diễm Hằng. Là nữ sinh đầu tiên của Việt Nam đoạt giải 3 tại Kỳ thi Olympic Toán quốc tế IMO, sau đó bà Hằng theo học tại Trường Đại học Quốc gia Moskva và về công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Năm 1996, sau khi nghỉ việc để tham gia công tác tại các dự án phi chính phủ và dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng của Liên hiệp quốc, bà Hằng đã có cơ hội được gặp gỡ và chứng kiến những câu chuyện vô cùng đặc biệt tại các địa phương xa xôi của đất nước.
Những hình ảnh về các cảnh đời éo le với cuộc sống quá đỗi cực nhọc của những đứa trẻ đã ám ảnh người phụ nữ này mỗi đêm. Ánh mắt và nụ cười của các con đã thôi thúc bà Hằng phải làm một điều gì đó, có ích, có ý nghĩa và giúp các con bớt đi một phần nào vất vả trong cuộc sống.
Và từ đó, mỗi khi rảnh rỗi, bà Hằng lại cùng những người bạn thân, những người có trái tim nhân hậu cùng góp một chút sức lực cho hành trình thiện nguyện đầy gian nan vất vả ấy.
Hành trình nào cũng có những bước đầu tiên, với bà Hằng thì đó chính là các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 và Bệnh viện Phong da liễu Văn Môn (tỉnh Thái Bình). Và sau đó, nhóm bạn quyết định hỗ trợ cho các con đang theo học tại các trường nội trú dân tộc ở các bản vùng sâu, vùng xa.
Các thành viên nhóm Ong Chăm. |
Với những hành động và uy tín của của bà Phan Vũ Diễm Hằng, những người theo dõi, ủng hộ bà và các chương trình thiện nguyện ngày một nhiều. Và cũng từ đó, nhóm Ong Chăm – nơi những người cùng chung tay giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn ra đời. Kể từ năm 2015 cho đến nay, nhóm đã có nhiều hoạt động ý nghĩa như quyên góp đồ dùng sinh hoạt, xây trường hay nhận đỡ đầu cho các cháu mồ côi, cơ nhỡ…
“Chúng tôi không tổ chức những buổi từ thiện rầm rộ để lên các điểm trường vùng cao, như vậy sẽ rất tốn kém tiền tổ chức. Sau khi mọi người đóng góp, hàng sẽ được đóng vào các bao tải và nhờ xe khách chuyển đi. Ở trên đó, chính quyền địa phương, các thầy cô sẽ nhận hàng giúp cho các con. Đó cũng là một cách để các thầy cô đóng góp một phần công sức và thể hiện trách nhiệm của mình”, bà Hằng nói.
Và sự khác lạ ấy cũng thể hiện trong những món đồ quyên góp của nhóm Ong Chăm, đơn cử như những chiếc mũ len, áo len được chính các thành viên tự tay đan.
Nhờ các mối quan hệ và từ các nhà hảo tâm, nhóm Ong Chăm đã xin được hơn 4 tấn len, trong đó có cả len từ những chiếc áo đã cũ mà các bà, các cô phải tỉ mẩn gỡ từng mũi đan. Số len ấy được tập trung tại nhà bà Hằng và phân chia cho các thành viên cùng nhau đan ra hàng ngàn chiếc mũ, áo cho các cháu nhỏ vùng cao.
Bà Hằng kể, có những lúc nhà bà tràn ngập len, mối bên trong len xông lên đồ đạc nên sau khi hoàn thành hết những sản phẩm cho các con, gia đình bà lại phải thay một loạt đồ. Sau khi số lượng mũ, áo len đã đủ, nhóm Ong Chăm lại tạm dừng sản phẩm này để chuẩn bị cho những kế hoạch mới.
Giơ những sản phẩm đặc biệt, khác lạ ấy cho chúng tôi xem, một thành viên Ong Chăm hào hứng nói, đây là sáng tạo của bà Hằng bởi bà luôn tính toán bằng cách nào để các cháu có thể sử dụng tốt nhất những sản phẩm các mẹ Ong gửi tặng.
Với bà Phan Vũ Diễm Hằng hạnh phúc là được chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. |
2. Hoạt động từ thiện của nhóm Ong Chăm luôn lấy hiệu quả và tính bền vững lên trên hết. Thay vì phải tốn tiền, tốn công sức thị sát từng vùng, bà Hằng đã có một mạng lưới kết nối từ những người bạn để có thể tìm đến những nơi khó khăn, cần thiết nhất trên những bản vùng cao.
Trong những lần từ thiện, bằng một cách nào đó, nhóm Ong Chăm luôn có cách thúc đẩy chính quyền địa phương, gia đình các em nhỏ cùng tham gia vào các hoạt động xây trường, xây lớp.
Đó là cách thể hiện trách nhiệm và bớt đi sự ỉ lại vào sự giúp đỡ của người khác, trong việc chăm sóc, bảo vệ con em của mình. Căn nhà bán trú tại xã Nậm Khòa (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) cũng được xây dựng lên như thế.
Kể về hành trình xây dựng căn nhà đầu tiên cho các con, những người mẹ Ong cho biết bắt nguồn từ một lần đi thăm và trao quà cho các cháu nhỏ tại Nậm Khòa. Thấy hoàn cảnh sống của các con quá thiếu thốn, bà Hằng liền đồng ý giúp các thầy cô của trường tiểu học xây cho các con một căn nhà lưu trú khang trang, sạch đẹp.
“Ký túc xá ở một số điểm trường vùng cao vô cùng sập xệ, các con phải chen chúc trên các giường tầng trong một căn phòng cấp 4 chỉ rộng gần 20m² đã xuống cấp, thiếu không khí và ánh sáng. Vì thế, chúng tôi đã quyết định xây một số nhà lưu trú kiên cố, 2 tầng, mỗi tầng rộng từ 180m² – 240m² cho các cháu, đúng theo mô hình phù hợp với bản sắc dân tộc của địa phương.
Qua trao đổi với các thầy cô thì nhóm Ong Chăm quyết định góp 200 triệu, trường sẽ huy động đóng góp 200 triệu còn lại để xây nhà cho các con. Nhưng điều đáng nói là trong túi chúng tôi lúc đó không có tiền…”, bà Hằng kể.
Không có tiền, nhưng lời hứa của những mẹ Ong đã nói thì sẽ làm. Số tiền ấy được bà Hằng giao khoán cho các thành viên trong nhóm Ong Chăm, mỗi người sẽ đóng góp và vận động bạn bè. Và chẳng bao lâu sau, số tiền để xây nhà cũng được góp đủ. Khi đã có tiền, nhóm Ong Chăm cùng các thầy cô, chính quyền địa phương và phụ huynh các em nhỏ cùng bắt tay vào làm, người thì góp sức, người thì góp gạch, góp gỗ.
Trong lần xây nhà đầu tiên, đó là kinh nghiệm cho các cán bộ địa phương trong việc kêu gọi và cùng nhau đoàn kết xây nhà cho các con. Từ căn nhà đó, cho đến nay riêng Hoàng Su Phì đã có hơn chục căn nhà nội trú khang trang, được các cán bộ kêu gọi xây dựng thành công.
Đó cũng là một điều đặc biệt của nhóm Ong Chăm khi đi xây nhà cho các con sau này, đó là cách “chọn mặt gửi vàng”, chỉ giúp đỡ một phần cho những cán bộ, thầy cô có tâm huyết và thực sự có trách nhiệm. Từ đó ươm lên ngọn lửa nhiệt huyết và lan rộng nó đi khắp các bản làng. Còn với nhóm Ong Chăm, cho đến nay các thành viên đã quyên góp xây được 8 căn nhà bán trú cho các điểm trường vùng cao của tỉnh Hà Giang…
Những bao quần áo từ thiện của nhóm Ong Chăm chuẩn bị được gửi tới cho trẻ em khó khăn. |
3. Chia sẻ về hoạt động tới đây của nhóm Ong Chăm, bà Phan Vũ Diễm Hằng cho hay, ngoài những dự án đã làm, nhóm còn có chương trình chung tay với bộ đội biên phòng bằng việc cung cấp các sản phẩm của mình như mũ đa năng, áo ấm… để chuyển đến các đồn biên phòng cho các chiến sĩ làm công tác dân vận bảo vệ biên cương.
Ngoài ra trong năm 2020, các thành viên của Ong Chăm cũng tiếp tục nỗ lực mở chương trình để giúp đỡ các cháu mồ côi có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai để các em không bị lỡ bước đến trường.
Nhóm cũng bắt đầu triển khai mô hình ký túc xá cho thầy cô giáo mà trước mắt là xây 1 khu nhà 2 tầng với diện tích mỗi tầng khoảng 200m² cho giáo viên trường liên cấp 1-2 ở Vần Chải (Đồng Văn, Hà Giang).
Và đó cũng là những dấu ấn trên hành trình hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa của những người mẹ Ong, của nhóm Ong Chăm. Những dấu ấn này sẽ còn mãi và tiếp tục được mở rộng với việc, ngày càng có nhiều người muốn tham gia, đóng góp cho những chương trình từ thiện ươm mầm yêu thương của bà Hằng
Theo cand.com.vn