Thực hiện Quyết định 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030, đến nay, cả nước đã có 45 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trong đó có 27 cơ sở chăm sóc chuyên biệt, 19 cơ sở tổng hợp.

Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng mô hình tốt về lao động trị liệu và PHCN luân phiên cho người tâm thần nặng như Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La, Thừa Thiên Huế, Hải Dương, Thái Nguyên; Trung tâm điều dưỡng và PHCN người tâm thần Việt Trì. Các trung tâm bước đầu thực hiện mô hình kết hợp tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ công tác xã hội với điều trị y tế để phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí. Sửa chữa, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và xây dựng mô hình cơ sở phòng cho các cơ sở trợ giúp xã hội.
Việc cung cấp các dịch vụ về công tác xã hội đối với người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí được các cơ sở bảo trợ xã hội quan tâm thực hiện
Các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc, phục hồi chức năng người tâm thần và các Trung tâm Công tác xã hội đã tổ chức cung cấp dịch vụ về công tác xã hội đối với người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; tổ chức quản lý trường hợp đối với 60.000 đối tượng là người tâm thần tại cộng đồng. Các trung tâm này cung cấp dịch vụ công tác xã hội như: (i) tư vấn (hotline) cho người tâm thần và gia đình; (ii) đánh giá nhu cầu về khía cạnh xã hội của đối tượng để cung cấp những hỗ trợ tâm lý xã hội và các dịch vụ chăm sóc; quản lý trường hợp; (iii) trị liệu tâm lý cho đối tượng; hỗ trợ tiếp cận dịch vụ xã hội theo quy định của pháp luật; (iv) vận động xã hội hỗ trợ đối tượng; (v) hỗ trợ chăm sóc đối tượng tại gia đình, cộng đồng; nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức và cộng tác viên công tác xã hội về lĩnh vực chăm sóc, phục hồi chức năng cho đối tượng; (vi) cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cho đối tượng; (vii) cung cấp các hỗ trợ khẩn cấp liên quan đến rối loạn tâm lý, khủng hoảng tâm lý.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ, một số địa phương đã xây dựng mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí. Các mô hình tổ chức lao động sản xuất, phục hồi chức năng cho đối tượng. Phần lớn các cơ sở liên kết với tiểu thương, tổ chức, cá nhân, tổ chức lao động sản xuất, hướng nghiệp và dạy nghề, tạo việc làm cho người tâm thần thông qua các nghề như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng nấm, sản xuất hương, vàng mã, giấy bản, trồng cây cảnh… tạo thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng đời sống và tinh thần cho đối tượng như Trung tâm Điều dưỡng và phục hồi chức năng tâm thần tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Sơn La, Việt Trì, Ninh Bình, Hà Nội và Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An… Một số trung tâm đã tự bảo đảm thực phẩm hàng ngày cho đối tượng và còn cung cấp thực phẩm, sản phẩm ra ngoài thị trường.
Trong năm 2021, Cục Bảo trợ  xã hội đã trình Lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định số 1069/QĐ-LĐTBXH ngày 27/9/2021 ban hành Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2021-2030 và các văn bản gửi một số Bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1929/QĐ-TTg. Đến nay, các tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình trợ giúp xã hội đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với Viện dân số Sức khỏe và phát triển thuộc Hội Liên hiệp khoa học Việt Nam tiếp tục triển khai mô hình kiểm soát trầm cảm tại cộng đồng tại 8 tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bến Tre, Đà Nẵng, Khanh Hòa, Vĩnh Long, Long An, Thanh Hóa, Hậu Giang…; phối hợp với Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng Thông tư hướng dẫn quản lý kinh phí thực hiện Quyết định 112/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 ban hành chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 – 2030 và Quyết định 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 về việc phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 – 2030, dự kiến ban hành Quý 1 năm 2022. Tổ chức hội thảo triển khai Dự án trợ giúp xã hội đối với bệnh nhân lao/lao kháng thuốc tại cộng đồng do Quỹ toàn cầu phòng chống lao hỗ trợ tại hai tỉnh Thanh Hóa và Vĩnh Long vào tháng 4/2021; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên về lĩnh vực lao phổi tại Thanh Hóa, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Khánh Hòa... tháng 7/2021 xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn nghiệp vụ đối với lĩnh vực phòng chống lao tại Khánh Hòa, Hòa Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Long, Đà Nẵng; phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (VTV1) truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề lao/lao kháng thuốc; kể cả tình hình dịch covid 19 (sự cần thiết phải thực hiện trợ giúp xã hội đối với người bị bệnh lao phổi đang sống tại cộng đồng, tuyên truyền về các phương pháp phòng tránh lây lan trong gia đình và trong cộng đồng dân cư, phương pháp hỗ trợ, chăm sóc đối với người bị bệnh lao cho gia đình người bệnh; cách phòng tránh covid 19; thực hiện 5k...)./.
Theo laodongxahoi.net

Tin liên quan