Mất đi hoàn toàn ánh sáng của đôi mắt từ khi lên 5 tuổi, thế giới của Lưu Sùng Chu (xã Linh Thông, huyện Định Hoá, Thái Nguyên) không vì thế mà trở nên u tối. Ngược lại, với sự năng động của tuổi trẻ, ý thức tự lập từ nhỏ, chàng trai ấy không ngừng phát triển bản thân mình, khám phá xung quanh và luôn mong muốn được góp sức mình cho sự phát triển của quê hương, xã hội, của cộng đồng người khiếm thị.
Từ nhỏ đã “thích kiếm tiền”
Lưu Sùng Chu sinh năm 1991, trong một gia đình thuần nông. Nhà Chu có 3 anh chị em nhưng chỉ có mình em mang khiếm khuyết do một trận sốt cao khi lên 5 tuổi. Đến tuổi đi học, một mình Chu khăn gói xa nhà đi học tại Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh Thái Nguyên.
Nói đến chuyện học hành, Chu tự nhận mình khá “lận đận”. Đang học dở cấp III tại Thái Nguyên, cậu quyết định nghỉ học xuống Hà Nội kiếm việc làm và đăng ký học tiếp. Tốt nghiệp phổ thông, thi đậu cùng lúc 2 trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Nhưng theo học trường Đại học Luật được một thời gian rồi cũng bỏ vì “tốn nhiều thời gian” và “không có kinh phí”. Mãi 2 năm sau Chu mới đăng ký thi vào Viện Đại học Mở Hà Nội, khoa Luật Kinh tế hệ tại chức để có thể vừa học, vừa kiếm tiền trang trải học hành, thoả mãn đam mê.
Khi được hỏi, đam mê của bạn là gì? Chu khá thẳng thắn: Là kiếm tiền. Từ khi mới học Trung học cơ sở Chu đã biết sử dụng năng khiếu về thanh nhạc và những kiến thức mình học được trong trường để kiếm tiền bằng việc đi biểu diễn tại các phòng trà, quán cà phê. Lên cấp III, cậu đã bạo gan mở cơ sở mát xa của riêng mình. Cậu bé Chu lúc ấy mới 16-17 tuổi đã là “ông chủ” của 2, 3 nhân viên. Chu chia sẻ “Lúc đấy việc mở cửa hàng của em cũng thuận lợi do chi phí thuê mặt bằng thấp hơn những chỗ khác, dịch vụ mát xa của người khiếm thị ở Thái Nguyên chưa bị cạnh tranh nhiều như hiện nay nên thu nhập cũng khá. Nhưng sau sự cố để mất xe của khách, rồi chủ nhà đòi mặt bằng, rồi được bạn bè khích lệ, em quyết định đóng cửa hàng, nghỉ học ở Thái Nguyên và cùng với một người bạn khiếm thị khác bắt xe xuống Hà Nội thuê phòng trọ, đăng ký học tiếp tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố và kiếm việc làm thêm, tích luỹ vốn”.
Nói là làm thêm nhưng tính ra, trong thời gian học đại học Chu đã có 3 năm làm việc trong môi trường chuyên nghiệp của một Spa chuyên phục vụ khách nước ngoài. Công việc tốt, lương cao (trên dưới 10 triệu đồng/tháng), ổn định, có bảo hiểm. Nhưng tất cả điều đó không thoả mãn ham muốn kiếm tiền, làm chủ của Lưu Sùng Chu.
Ông chủ đa tài
Tốt nghiệp đại học cũng là lúc Chu tích luỹ được một ít vốn, cậu quyết định mua lại một cơ sở mát xa trên đường Thành Công Hà Nội và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình. Theo Chu, để có thể thu hút khách hàng ổn định, ngoài việc đầu tư vào đội ngũ nhân viên có tay nghề, chất lượng phục vụ tận tình, chu đáo, cần có một chiến lược PR hiệu quả. Cơ sở của Chu không chạy quảng cáo, không truyền thông rầm rộ mà tận dụng sự hỗ trợ của mạng xã hội, công cụ tìm kiếm google và hình thức truyền miệng. Nghĩa là khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ tại cơ sở, bằng sự hài lòng của mình sẽ giới thiệu cho những người khác. Dù chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn nhưng cách làm này đã giúp cơ sở của Chu có một lượng khách ổn định, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho 6 bạn khiếm thị với mức lương trung bình trên 5 triệu đồng/người/tháng và miễn phí ăn ở. Mới đây, Chu đã mở cơ sở thứ 2 trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội. Hiện cơ sở đang bắt đầu đi vào ổn định.
Không chỉ đam mê với việc kinh doanh, chàng trai khiếm thị Lưu Sùng Chu còn là một tuyển thủ của đội cờ vua người khuyết tật tỉnh Thái Nguyên, một diễn viên người khuyết tật luôn góp mặt trong đoàn Thái Nguyên tại các chương trình, hội thi văn nghệ, tiếng hát người khuyết tật của khu vực và toàn quốc. Mặc dù học tập và làm việc tại Hà Nội, nhưng hàng năm, Chu đều dành thời gian về Thái Nguyên luyện tập và thi đấu cho các giải thể thao người khuyết tật với vai trò là thành viên chính thức của đoàn Thái Nguyên. Lưu Sùng Chu chia sẻ “Em sinh hoạt tại Hội người mù quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Nếu đăng ký theo đoàn Hà Nội có thể em sẽ được nhận lương, nhưng em vẫn muốn về Thái Nguyên để có thể đóng góp sức mình cho quê hương. Dù trong suốt quá trình tập luyện, thi đấu từ năm 2005 đến nay, tỉnh không đặt chỉ tiêu bắt buộc nhưng em vẫn luôn cố gắng hết mình và cũng gặt hái được thành tích nho nhỏ, năm nào cũng có huy chương”.
Chọn mát xa để kinh doanh, mong muốn lớn hơn của Lưu Sùng Chu là có thể đưa nghề này lên một tầm cao mới. Theo Chu, đây không chỉ là thế mạnh của người khiếm thị mà còn có thể giúp ích cho những người có bệnh về xương khớp, đau mỏi vai gáy. “Em luôn mong muốn có thể phát triển nghề mát xa của người khiếm thị trở nên chuyên nghiệp, chất lượng như các Spa để xã hội ghi nhận đóng góp của người mù, khách hàng đánh giá xứng đáng hơn về nghề mát xa. Đây không chỉ là một dịch vụ thư giãn mà giống như được trị liệu. Nhân viên mát xa giống như các bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân của mình. Có như vậy, người khiếm thị mới cạnh tranh được với người lành và em có thể mang lại cơ hội làm việc, hoà nhập nhiều hơn cho những người đồng cảnh”.
Hoàng Dung