Thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã triển khai đồng bộ các hoạt động trợ giúp người khuyết tật (NKT), tạo mọi điều kiện để NKT vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Thống kê, tỉnh Thái Bình có khoảng 124.000 NKT (chiếm khoảng 6,8% so dân số), trong đó: 3.661 con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp (trong đó, 1.484 người hưởng trợ cấp mức I; 2177 người hưởng trợ cấp mức II); 70.142 người đã được xác định dạng tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật (trong đó NKT đặc biệt nặng là 12.190 người; khuyết tật nặng là 48.347 người; khuyết tật nhẹ là 9.605 người); thanh niên khuyết tật trong độ tuổi (16 – 30) là 18.788 người (chiếm 26,8%), người cao tuổi khuyết tật 22.644 người (chiếm 32,3%). Chia theo dạng tật, khuyết tật vận động 33.640 người (chiếm 48%), khuyết tật thần kinh tâm thần 11.826 người (chiếm 17%), còn lại là các dạng khuyết tật khác. Có 9.340 NKT thuộc hộ nghèo (chiếm gần 14%).
Người khuyết tật được quan tâm trợ giúp pháp lý
Tỉnh đã tập trung công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách và các chương trình, đề án trợ giúp NKT. Sở Lao động –TBXH đã phối hợp với các sở, ngành, hội đoàn thể tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 2912/QĐ-UBND ngày 13/12/2012 về việc phê duyệt kế hoạch trợ giúp người khuyết tật tỉnh Thái Bình giai đoạn 2013 – 2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng dân cư về bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp người khuyết tật; tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của toàn xã hội đối với công tác chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật; tạo môi trường thân thiện để người khuyết tật có khả năng tiếp cận đến hệ thống chính sách và các dịch vụ; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành và là trách nhiệm của toàn xã hội; hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội. Hằng năm, chỉ đạo việc lồng ghép các chính sách hỗ trợ NKT, người có công, người và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) vào chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời thường xuyên vận động các tổ chức và cá nhân hỗ trợ, chăm sóc cho NKT, người có công với nhiều hình thức phù hợp
Tăng cường hoạt động đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho các hội, đoàn thể, đội ngũ cán bộ các cấp về thái độ, cách ứng xử, làm việc với người khuyết tật và các phương pháp trợ giúp người khuyết tật; tổ chức các hội nghị để các tổ chức, cá nhân và gia đình người khuyết tật chia sẻ kinh nghiệm, chăm sóc và hỗ trợ người khuyết tật. Hàng năm, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho trên 500 đại biểu về chính sách NKT; hướng dẫn UBND cấp xã thực hiện xác định mức độ khuyết tật.
Các sở, ngành, đoàn thể có liên quan bám sát định hướng tuyên truyền giới thiệu các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách  pháp luật của Nhà nước; các kế hoạch, chương trình về NKT. Các hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với NKT, tạo mọi điều kiện cho NKT phấn đấu vươn lên tham gia vào các hoạt động có ích, góp phần xây dựng và phát triển. Từ năm 2016 đến nay đã tổ chức tập huấn cho trên 500 lượt NKT, tổ chức tư vấn, đối thoại chính sách 30 lớp tại cơ sở cho gần 4.000 nhân dân, trong đó có gần 1.750 NKT.
Hàng năm, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đều tổ chức các cuộc kiểm tra giám sát chính sách bảo trợ xã hội nói chung. Từ năm 2016 đến nay, Sở thành lập đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra 55 xã, trực tiếp kiểm tra trên 4.000 đối tượng và yêu cầu các huyện, thành phố, các cơ sở trợ giúp xã hội kiểm tra và tự kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, trong đó trọng tâm là việc thực hiện trợ cấp thường xuyên, hàng tháng, các chính sách khác đối với người khuyết tật.
Trong công tác chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho NKT, 100% người khuyết tật thuộc hộ gia đình nghèo, người khuyết tật đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội tại cộng đồng được cấp thẻ bảo hiểm y tế.  Người khuyết tật được trạm y tế cơ sở thăm khám (khi có nhu cầu), được giới thiệu bệnh viện tuyến cao hơn để được điều trị theo dõi trong trường hợp bệnh diễn biến xấu hơn hoặc NKT có nhu cầu. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện ưu tiên cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài ra, tỉnh luôn tăng cường các hoạt động hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để NKT vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội; giúp đỡ NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau, hỗ trợ trẻ em và NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp. Hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho 4.582 lượt NKT/năm.
Đối với công tác dạy nghề và việc làm cho NKT, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có khoảng 450 NKT được dạy nghề, tạo việc làm. Các khóa học nghề đảm bảo khi tốt nghiệp 70% học viên là NKT được các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc, giới thiệu cho học viên việc làm phù hợp và một số học viên tự tạo việc làm tại nhà, mở cửa hàng…
Ngoài nguồn ngân sách tỉnh, các Hội đoàn thể, UBND các huyện, thành phố còn vận động các nhà tài trợ dạy nghề cho NKT. Các lớp học được tổ chức tại địa phương để NKT dễ tiếp cận, tham gia; thời gian học từ 4-6 tháng, sau khóa học 100% học viên được cấp chứng chỉ nghề, nhiều NKT tìm được việc làm có thu nhập ổn định cuộc sống.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các phiên giao dịch lồng ghép, lưu động hàng năm cho NKT tại Trung tâm và một số huyện, thành phố; tổ chức thực hiện các dự án nhằm mở rộng cơ hội việc làm và thúc đẩy hòa nhập xã hội thông qua việc tăng cường kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho NKT.
Theo báo cáo của Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh; hiện nay có 2 cơ sở dạy nghề thuộc Hội quản lý đào tạo cho đối tượng là nạn nhân của chất độc hóa học. Hội đã tổ chức đào tạo cho hàng ngàn đối tượng này biết ngành, nghề nhiều người đã được tuyển vào các công ty xí nghiệp. Bên cạnh đó hàng năm vào ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam 10/8” và ngày Tết nguyên đán ngoài quà của Nhà nước; Hội còn vận động cá tổ chức, cá nhân đến thăm tặng quà cho hầu hết các cháu bị nhiễm độc. Hội NKT tỉnh từ khi thành lập (tháng 10/2015) đến nay đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan và các địa phương tổ chức 8 cuộc tập huấn với gần 1.000 NKT tham gia tập huấn tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, kỹ năng sống. Tại đây, NKT được trang bị kiến thức, kỹ năng xác định mục tiêu và hướng nghiệp, kỹ năng tư duy tích cực giúp NKT giải quyêt một số vấn đề trong cuộc sống, có thêm bản lĩnh, nghị lực để vượt qua trở ngại vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Trong những năm qua, các chính sách bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời, đúng theo quy định. Tính đến nay, toàn tỉnh có 75.188 NKT đang hưởng trợ cấp thường xuyên hàng tháng với tổng kinh phí gần 280 tỷ đồng/năm (trong đó có 14.491 NKT hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, 8.573 NKT hưởng trợ cấp ưu đãi NCC, 52.124 NKT hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội); 7.814 gia đình, cá nhân, NKT được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng với tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng/năm. Những người khuyết tật đặc biệt nặng có hoàn cảnh khó khăn không có người nuôi dưỡng tại cộng đồng được tiếp nhận nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội trực thuộc tỉnh. Hiện nay, có 288 người khuyết tật được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội. Ngoài ra, nhân các ngày lễ, tết, tỉnh trích ngân sách hỗ trợ cho NKT thông qua các hội và vận động nguồn xã hội hóa hỗ trợ NKT có hoàn cảnh khó khăn, 100% NKT thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đều được tặng quà.
Nhìn chung, thời gian qua, nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực của các ngành, đoàn thể và các địa phương, tỉnh Thái Bình đã thực hiện tốt các chính sách đối với NKT; huy động các nguồn lực từ xã hội trợ giúp chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, giáo dục, bảo trợ xã hội... Việc thực hiện chính sách pháp luật về NKT đã tạo ra những chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của NKT. Cùng với đó, sự thay đổi về nhận thức xã hội đã giúp cho NKT ngày càng tự tin hơn, hòa nhập với đời sống xã hội. Với vai trò chủ đạo của Nhà nước, hoạt động trợ giúp NKT đã thu hút sự quan tâm, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và cộng đồng về mọi mặt của NKT, từng bước giảm dần những rào cản, cải thiện một bước việc đáp ứng các nhu cầu, quyền lợi chính đáng của NKT, tạo động lực để họ phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập, đóng góp cho xã hội./.
Theo laodongxahoi.net

Tin liên quan