Ông Sinh chia sẻ: “Cuộc đời tôi có lúc tưởng chừng rơi vào vòng luẩn quẩn, bế tắc không lối thoát nhưng rồi giai đoạn khó khăn cũng qua đi. Tôi luôn tự nhủ tuy bị khiếm khuyết cơ thể nhưng không được để khuyết tật về tâm hồn; muốn bù đắp những gì thua thiệt phải cố gắng nhiều hơn nữa”.
Xã Cam An Nam, Cam Lâm, Khánh Hòa là một xã thuần nông nghiệp, nằm dưới chân núi. Thu nhập chính của người dân nơi đây là từ cây mía nên hầu hết các hộ dân trong xã đều có mức sống trung bình.
Nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên cũng như thời tiết nên cuộc sống của người dân khá vất vả và còn nhiều khó khăn. Chỉ một số ít các hộ có kinh tế khá hơn là nhờ vào việc kinh doanh buôn bán.
Cuộc sống mưu sinh của những người dân bình thường nơi đây đã khó khăn, nên cuộc sống của người khuyết tật ở vùng nông thôn còn khó khăn gấp nhiều lần.
Tôi muốn kể với mọi người một người khuyết tật điển hình về nghị lực vươn lên trong cuộc sống, tấm gương sáng về tinh thần vượt khó. Tuy bị khuyết tật nhưng ông luôn vượt lên chính mình, vẫn ngày ngày âm thầm nỗ lực để sống, làm việc, khẳng định mình và tìm được bến bờ hạnh phúc, nuôi dạy các con ngoan ngoãn, học giỏi… khiến bà con làng xóm ai ai cũng nể phục. Đó là ông Nguyễn Văn Sinh.
Ông Sinh là người thôn Vĩnh Trung, xã Cam An Nam. Ông cho biết khi sinh ra, ông cũng bình thường và khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Nhưng vào cái năm ông lên 5 tuổi, một cơn sốt ác tính khiến đôi chân ông cứ teo dần, co quắp lại, không đi đứng được.
Tuy gia đình chạy vạy khắp nơi để chữa nhưng bệnh của ông vẫn không cải thiện. Suốt những năm tháng đi học, con đường đến trường là cực hình đối với ông. Chân yếu, đi bằng cách lê lết trên những con đường đất đá lởm chởm xen lẫn những con suối chảy qua khiến đầu gối ông luôn bị trầy xước, rướm máu. Tuy nhiên, không vì thế mà ông đầu hàng số phận, hàng ngày ông vẫn đến lớp đều đặn và còn cố gắng phụ bố mẹ làm những việc như quét nhà, nấu cơm...
Cố lắm ông cũng chỉ có thể học được hết cấp 2, lên cấp 3 thì ông không thể tiếp tục đi học được. Thời đó trường cấp 3 ở cách nhà hơn 10 km, đi học phải xuyên núi, vượt suối, sức khỏe lại không đảm bảo dù niềm đam mê con chữ chưa bao giờ tắt nhưng ông đành phải tạm biệt thầy cô bạn bè, cả những ước mơ còn đang ấp ủ...
Nghỉ học rồi chẳng lẽ lại ở nhà ăn bám cha mẹ suốt đời hay sao? Câu hỏi ấy lúc nào cũng văng vẳng trong đầu ông. Thế là năm 16 tuổi, ông Sinh quyết định chọn nghề mộc để học. Ông Sinh bảo lúc đó chọn nghề mộc chỉ vì một lý do duy nhất là vừa không phải đóng học phí lại được thầy nuôi cơm... tại nhà lúc đó nghèo túng quá! Nhờ chịu khó học tập nên chưa đầy một năm, thầy đã cho ông về nhà lập nghiệp.
Tưởng có cái nghề mộc trong tay là cuộc sống ổn cả rồi. Nhưng ông nhận thấy sức khỏe của mình ngày một yếu đi, trong khi nghề mộc cũng là một nghề đòi hỏi phải có sức khỏe. Ông quyết định theo anh trai ra Nha Trang học nghề sửa chữa điện tử vì nhận thấy nghề này không đòi hỏi về sức khỏe như nghề mộc, hơn nữa ở quê lại chưa có tiệm sửa chữa điện tử nào. Ông đã trở thành chủ tiệm sửa chữa điện tử đầu tiên của làng.
Ông cho biết nghề nào cũng phải vừa làm vừa học thì mới mau tiến bộ được, do đó, ngoài việc sửa đồ cho khách ông còn miệt mài đọc sách, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người để nâng dần tay nghề. Từ việc chủ yếu sửa ti vi trắng đen, đến nay, ông đã sửa thành thục hầu hết các thiết bị điện tử như: ti vi thế hệ mới, máy quạt, nồi cơm điện, xe đạp điện…
Ông Sinh chia sẻ: “Cuộc đời tôi có lúc tưởng chừng rơi vào vòng luẩn quẩn, bế tắc không lối thoát nhưng rồi giai đoạn khó khăn cũng qua đi. Tôi luôn tự nhủ tuy bị khiếm khuyết cơ thể nhưng không được để khuyết tật về tâm hồn; muốn bù đắp những gì thua thiệt phải cố gắng nhiều hơn nữa”.
Ông nói dù nghề sửa chữa điện tử mang lại nguồn thu nhập khá ổn định, song ông cũng không dám nghĩ đến việc lập gia đình, bởi đôi chân yếu, đi lại khó khăn. Sức khỏe theo đó mà giảm sút từng ngày. Nhưng ý chí và nghị lực của ông đã khiến bà Cao Thị Phương Thảo đem lòng yêu thương. Khi quyết định tiến tới hôn nhân, ông bà đã gặp không ít rào cản từ phía gia đình, nhưng cuối cùng mọi người cũng nhận ra tình cảm chân thành của họ. Và hạnh phúc đã mỉm cười với ông, giúp ông có thêm động lực để cố gắng.
Và hạnh phúc nhân lên gấp bội khi những đứa con của họ lần lượt chào đời, khỏe mạnh và xinh xắn. Nhưng cũng từ đấy cuộc sống của mưu sinh của ông lại gặp những khó khăn về kinh tế. Nhiều năm gia đình ông Sinh phải sống trong căn nhà tạm bợ, dột nát.
Để có tiền trang trải, lo cho các con, ngoài việc sửa chữa ở nhà, ông còn đến tận nhà sửa chữa điện tử cho nhiều người. Thậm chí ông còn liều mình đu trên cần ăng-ten, leo lên mái nhà để lắp chảo vệ tinh cho người dân khiến mọi người không khỏi xót xa lo lắng. Bà Thảo cũng cùng ông lo kinh tế để có thể chăm lo tốt nhất cho các con. Bà lo chăm sóc 3 sào mì, 6 sào mía của gia đình, rảnh lại đi làm thuê làm mướn cho bà con trong vùng.
Bà Thảo kể: “Cách đây 2 năm, trong một lần đi lắp chảo thuê, chồng tôi không may bị rơi từ mái nhà xuống phải khâu 6 mũi ở đầu, 4 mũi ở tay. Sau lần đó, ổng mới chịu bỏ nghề lắp chảo thuê. Ngoài sửa chữa điện tử, vào mùa, ổng còn phụ tôi ra đồng bấm ngọn mía, bẻ củ mì… Nhờ cần mẫn làm ăn, năm 2013 vợ chồng tôi đã tích góp tiền xây được nhà mới”.
Ông Sinh cho biết cuộc sống khó khăn nên người dân trong xã rất coi trọng việc học của con cái. Bản thân ông cũng ý thức được việc này nên từ nhỏ các con luôn được ông nhắc nhở tầm quan trọng của việc học. Điều đáng mừng là các con ông thương bố mẹ vất vả nên đều chăm ngoan, học giỏi. Con trai đầu của ông là Nguyễn Công Minh hiện là sinh viên năm nhất Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Vừa qua, Minh được Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh khen thưởng học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Các em của Minh cũng đều là học sinh khá, giỏi ở trường... Năm 2016, gia đình ông được Hội Khuyến học tỉnh tặng giấy khen Gia đình học tập xuất sắc tiêu biểu.
Ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND xã Cam An Nam, cho biết: “Ông Nguyễn Văn Sinh là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó. Tuy bị khuyết tật nhưng ông luôn vượt lên chính mình, không bao giờ ỷ lại, lo làm ăn, nuôi dạy các con ngoan ngoãn, học giỏi”.
Theo cand.com.vn