Ở Trung tâm Kết nối Nâng cao vị thế kinh tế cho người yếu thế (D.hub), người khuyết tật sẽ được hướng nghiệp, đào tạo về chuyên môn, kỹ năng và tham gia vào hệ sinh thái việc làm...

dhub_mfva

Bà Võ Thị Hoàng Yến (bìa trái), Trung tâm nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật, giới thiệu không gian của D.Hub.

Nhằm giảm thiểu những khó khăn của người khuyết tật trong việc tiếp cận thị trường lao động, có việc làm và ổn định cuộc sống, ngày 18.3, Trung tâm nghiên cứu và phát triển năng lực NKT (DRD) kết hợp Trường Cao đẳng GTVT TP.HCM, trung tâm Swiss Post Solutions Vietnam thành lập D.hub - Trung tâm Kết nối Nâng cao vị thế kinh tế cho người yếu thế.
Tại D.Hub, NKT sẽ được hướng nghiệp, đào tạo về chuyên môn, kỹ năng và tham gia vào hệ sinh thái việc làm. Công tác đào tạo chuyện môn sẽ xoay quanh các ngành nghề thuộc nhóm dịch vụ thuê ngoài như kế toán, thiết kế toán, quản lý khai thác vận tải đường bộ... được đánh giá phù hợp với NKT. Nhóm kỹ năng là nơi thực hành các kỹ năng tin học văn phòng và kỹ năng nghề nghiệp. Và hệ sinh thái việc làm sẽ tìm đầu ra cho NKT sau khi được đào tạo.

dhub_1_wzhd

Toàn cảnh buổi ra mắt

Giới thiệu chương trình liên kết giữa Trung tâm DRD và Trường Cao đẳng GTVT TP.HCM, ThS. Phan Huy Đức, giảng viên Khoa Kinh tế, cho biết ngành nghề kế toán doanh nghiệp và ngành khai thác vận tải đường bộ có rất nhiều vị trí phù hợp với NKT như kế toán thanh toán, thủ kho, thủ quỹ, nhân viên viên tiếp nhận hàng hóa, nhân viên giám sát vận tải…

Về cách tuyển sinh, ông Nguyễn Văn Cử, Phó Giám đốc Trung tâm DRD cho biết đối với các chương trình kỹ năng học tại DRD, người học sẽ được đào tạo hoàn toàn miễn phí. Hiện có 17 NKT tại TP.HCM và các tỉnh ghi danh các lớp tại D.Hub.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Cử, các lớp kỹ năng tại có thể vận hành ngay. Với các lớp chuyên môn giảng dạy kế toán, SEO, website, khai thác vận tải sẽ tiếp tục tuyển sinh cho đến khi đủ học viên. Dự kiến mỗi lớp có quy mô 7 - 8 học viên.

Ông Cử chia sẻ thêm: “Chúng tôi là người khuyết tật và chúng tôi hiểu người khuyết tật cần gì và cố gắng giúp họ vượt cải thiện đời sống của mình”.

Theo tổng cục thống kê năm 2016, Việt Nam có 1,6 triệu người khuyết tật (NKT) có khả năng lao động. Trong đó, có 68,3% NKT trên 15 tuổi không có việc làm, 92,7% NKT không được đào tạo nghề và 99,9% NKT không tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Ngoài ra, theo khảo sát nhanh của UNDP (Chương trình phát triển của Liên hợp quốc) năm 2020, 30% số người khuyết tật tại Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ đang thất nghiệp do đại dịch Covid-19, 49% người khác bị giảm thời gian làm việc.

Nguồn: Thanhnien

Tin liên quan