“Chị vô cùng lo lắng cho con gái, tháng nào không thấy con hành kinh là phải dùng que thử thai cho con. Bao giờ tên khốn đó vào tù chị mới yên tâm được, bây giờ khi nào cũng nơm nớp lo sợ.”
Chị Hứa Thị Chinh, Ba Vì, Hà Nội luôn đau đáu suy nghĩ về nguy cơ bị lạm dụng tình dục của con gái mình. Chị có con gái năm nay 19 tuổi, khuyết tật trí tuệ. Theo lời chị kể, trong xóm có tên “yêu râu xanh”, cũng là hàng xóm nhà chị luôn rình rập các gia đình có con bị khuyết tật. Dù rất lo lắng cho con, nhưng chị và gia đình bất lực vì không thể tìm được chứng cứ buộc tội cũng như tìm được giải pháp giúp con thoát khỏi nguy hiểm.
Không còn cách nào khác bảo vệ con, chị bỏ việc ở thành phố về nhà chăn nuôi và tiện chăm nom con. Nhà neo người, mỗi khi đi đâu, chị đều phải gửi con cho hàng xóm xem hộ. Chị cũng không dám kể cùng ai những lo lắng của mình, chỉ âm thầm theo dõi và bảo vệ con.
“Tôi đã thay đổi cách suy nghĩ khi được biết đến dự án. Từ khi được tiếp xúc với các cán bộ dự án, tôi đã được trải lòng”. Từ một người luôn giấu câu chuyện, chị đã chủ động tìm đến các giảng viên, các cán bộ hỗ trợ để chia sẻ và tìm cách giải quyết. Chị Trịnh Thị Lê, cán bộ dự án, cho biết: Lúc đầu, chúng tôi được nghe câu chuyện thông qua lời kể của con gái chị Chinh. Em vô cùng lo lắng và hoảng sợ khi kể về người hàng xóm luôn rình mò em. Tuy nhiên, trong các chuyến đi thăm thực địa, chị Chinh luôn che giấu sự việc. Chỉ khi thực sự tin tưởng và tham gia vào các hoạt động của dự án, chị mới mạnh dạn kể câu chuyện và tìm kiếm sự trợ giúp, tư vấn từ các chuyên gia cũng như thành viên trong dự án.
Chị Chinh kể: khi tham gia tập huấn, họp nhóm do dự án tổ chức, tôi đã có kiến thức hơn về cách bảo vệ con khỏi nguy cơ bị bạo lực tình dục. Tôi cũng đã chủ động liên hệ với chuyên gia để tìm cách giúp con, tìm hiểu hệ thống chính sách pháp luật. Các chuyên gia cũng đã cho tôi các lời khuyên bổ ích, giúp tôi tự tin lên tiếng bảo vệ con mình”.
“Chưa tìm được giải pháp tốt hơn giúp con thoát khỏi mối nguy hiểm, tôi đã ngỏ lời với dự án để được hỗ trợ giúp con có việc làm. Tôi đã rất vui mừng khi được các chị thuộc dự án báo có lớp học nghề miễn phí và sau này tốt nghiệp sẽ có việc. Tôi đã động viên, thuyết phục con đi học. Tuy nhiên, do chưa đủ tự tin và chưa bao giờ xa vòng tay của gia đình, nên cháu ra đến bến xe lại quay về. Tuy vậy, tôi sẽ không bỏ cuộc, tiếp tục đồng hành và giúp con tự tin hơn, độc lập hơn.”
Nguồn: Khi sự im lặng lên tiếng