Hoạt động trong điều kiện nguồn lực ngày càng khó khăn mà nhu cầu của người khuyết tật, trẻ mồ côi ngày càng đa dạng, để cải thiện đời sống cho đối tượng của mình, phương pháp hoạt động của Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Tây Ninh không ngừng được đổi mới. Trong đó, việc thành lập, đi vào hoạt động của Quỹ hỗ trợ sinh kế là một cách làm đang dần cho thấy tính hiệu quả thiết thực và bền vững.

Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Tây Ninh vốn được biết đến là một trong những tỉnh Hội tiêu biểu của cả nước thực hiện thành công mô hình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi tại xã xây dựng nông thôn mới với hình thức hỗ trợ bò giống sinh sản. Qua gần 10 năm triển khai, đến nay đã có hàng trăm gia đình người khuyết tật, trẻ mồ côi được hưởng lợi từ chương trình này của tỉnh Hội.

Dù được đánh giá là có tính bền vững cao, tuy nhiên, theo sự phát triển của xã hội, mô hình hỗ trợ bò giống sinh sản vẫn bộc lộ một số hạn chế như: Chỉ tập trung với gia đình người khuyết tật tại nông thôn, nguồn đầu tư ban đầu tương đối lớn (từ 15-20 triệu đồng/hộ gia đình) nên số người được hỗ trợ còn ít... . Để giải quyết những hạn chế của mô hình này đồng thời trợ giúp cho nhiều người khuyết tật hơn có cơ hội được vươn lên khẳng định mình, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Tây Ninh đã phối hợp cùng các bên liên quan, xây dựng và đưa vào hoạt động Quỹ hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật.

Ông Nguyễn Văn Quá, Chủ tịch tỉnh Hội cho biết: Nếu mô hình hỗ trợ bò sinh sản tập trung vào người khuyết tật sống tại gia đình ở nông thôn thì mô hình Quỹ sinh kế hỗ trợ trực tiếp cho người khuyết tật là thành viên của các tổ chức tự lực. Thông qua việc thành lập các câu lạc bộ người khuyết tật tại các xã, phường trong toàn tỉnh, Quỹ sinh kế sẽ hỗ trợ trực tiếp để người khuyết tật chủ động trong phát triển sinh kế, sinh hoạt thông qua hình thức hỗ trợ vốn không tính lãi, có hoàn lại.

Để triển khai mô hình này, tỉnh Hội đã thống nhất với địa phương, thành lập các câu lạc bộ người khuyết tật trên địa bàn xã. Đối với người khuyết tật những xã lân cận nếu chưa thành lập được thì có thể đăng ký tham gia tại xã có câu lạc bộ. Tính đến nay, trong tổng số 9 huyện, thị xã, thành phố của Tây Ninh, tỉnh Hội đã thành lập được 10 câu lạc bộ người khuyết tật ở 7 huyện, thị xã.

Quỹ sinh kế cho NKT hoạt động theo mô hình hỗ trợ vốn không hoàn lại, xoay vòng nguồn vốn để nhiều người khuyết tật có cơ hội tăng thu nhập. Quỹ được điều hành, phối hợp bởi 4 bên bao gồm: Hội bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Tây Ninh – Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), Phòng Lao động Thương binh và Xã hội – Câu lạc bộ người khuyết tật tại địa phương. Khi người khuyết tật tham gia hoạt động của quỹ sinh kế, họ sẽ được tập huấn về cách quản lý tài chính, được hướng dẫn một số mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Tùy theo nhu cầu của từng người mà lựa chọn cách sử dụng nguồn hỗ trợ khác nhau. Tuy nhiên, trước khi được hỗ trợ, họ phải có cam kết với ban quản lý quỹ (gồm tổ chức Hội, chính quyền địa phương, ban lãnh đạo câu lạc bộ…) về phương hướng sử dụng vốn. Mỗi cá nhân được hỗ trợ đều có sự chứng kiến, cam kết trách nhiệm của các bên liên quan.

Đây là nguồn quỹ vận động trực tiếp, không trích từ nguồn quỹ hàng năm của Hội. Tính đến nay, Quỹ hỗ trợ sinh kế đã cấp 3 đợt vốn cho 96 người khuyết tật trong tỉnh với kinh phí trên 800 triệu đồng. Theo đó, từ năm 2018, một mạnh thường quân ở thành phố Hồ Chí Minh thông qua chi Hội chùa Cẩm Phong đã hỗ trợ 150 triệu đồng. Số tiền này được phân bổ cho 3 Câu lạc bộ người khuyết tật với tổng 30 thành viên, mỗi người 5 triệu đồng. Từ năm 2019-2020, tỉnh Hội phát triển thêm 7 câu lạc bộ người khuyết tật mới với 58 thành viên đồng thời, vận động nguồn từ Quỹ Bảo trợ xã hội của tỉnh, hỗ trợ mỗi người 10 triệu đồng. Trong đó xã Đồng Khởi (huyện Châu Thành) có 05 xuất; phường Long Thành Bắc (thị xã Hòa Thành) có 13 suất; phường Ninh Sơn (Thành phố Tây Ninh) có 14 suất;  xã Tân Phong (huyện Tân Biên) có 04 suất, xã Tân Phong (huyện Tân Châu) có 06 suất và xã Tân Phong (huyện Tân Biên) có 16 suất. Cuối tháng 9 vừa qua, Hội tiếp tục hỗ trợ 8 người khuyết tật của 1 câu lạc bộ, mỗi người 10 triệu đồng từ nguồn vận động của các mạnh thường quân thông qua DRD.

Theo đánh giá của tỉnh Hội Tây Ninh, người khuyết tật khi tham gia hoạt động của Quỹ hỗ trợ sinh kế họ rất phấn khởi. Trước đây, vì sinh hoạt tự do, làm ăn tự phát nên họ không lường được hết những rủi ro, chưa phát huy hết khả năng của mình nên không dám vay mượn để đầu tư. Khi sinh hoạt trong các câu lạc bộ người khuyết tật, họ được tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý nguồn vốn, xây dựng kế hoạch sử dụng vốn, được tham khảo nhiều mô hình khởi nghiệp, phát triển kinh tế, được trang bị kiến thức trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh... Nhờ đó, họ đã mạnh dạn, tự tin hơn. Được hỗ trợ vốn để sản xuất họ đã biết lựa chọn những công việc phù hợp với sức khỏe, nguồn vốn và nhu cầu của thị trường như: may gia công, chăn nuôi gà vịt, buôn bán nhỏ, kinh doanh, sửa xe, bán vé số…

Việc hỗ trợ vốn sản xuất cho người khuyết tật thông qua các câu lạc bộ tại địa phương cũng có nhiều thuận lợi cho Hội khi có sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin thường xuyên. Cùng với đó là sự cam kết theo dõi, giám sát việc sử dụng vốn của chính quyền địa phương thông qua một bản hợp đồng trách nhiệm đơn giản giữa tổ chức Hội - UBND xã - Câu lạc bộ người khuyết tật - người khuyết tật. Từ nay đến hết năm 2020, tỉnh Hội phấn đấu sẽ thành lập Câu lạc bộ người khuyết tật để ít nhất mỗi huyện/thị trong tỉnh sẽ có 1 Câu lạc bộ.

Có thể khẳng định, với mô hình Quỹ hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, Hội Bảo trợ người khuyết tật  và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Tây Ninh đã góp phần hỗ trợ người khuyết tật tự chủ về tài chính lâu dài, ổn định cuộc sống và tự tin hòa nhập xã hội. Đây sẽ là hướng trợ giúp thoát nghèo cải thiện chất lượng cuộc sống hiệu quả cho người khuyết tật đồng thời góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức của cộng đồng trong hoạt động trợ giúp người khuyết tật.

Dung Nhi

Tin liên quan