Dáng người nhỏ bé do bị vẹo cột sống nhưng chị Tô Lan Phương vẫn luôn nhiệt huyết, vượt lên chính mình để tham gia các hoạt động xã hội, lan tỏa, truyền cảm hứng, ươm mầm tri thức Việt.
Chị Tô Lan Phương quê Tiền Hải, Thái Bình sinh ra là một đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng năm lên 8 tuổi thì chị bị vẹo cột sống. Mặc dù đã được gia đình đưa đi chữa chạy khắp nơi nhưng việc chữa trị không hiệu quả và cuộc sống của chị mang theo nhiều gợn sóng từ đó. Mặc cảm với ngoại hình của bản thân, chị không dám giao lưu vui chơi, vô tư hồn nhiên như bạn bè cùng trang lứa. Ngày đó cộng đồng, xã hội chưa có cái nhìn bình đẳng nên người khuyết tật vẫn bị phân biệt đối xử vì cho rằng: học chẳng để làm gì, có học cũng không nơi nào nhận người khuyết tật như chị vào làm. Bên cạnh đó lĩnh vực giáo dục chưa có các chính sách ưu tiên, tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận giáo dục nên chị phải dừng lại con đường học tập khi học hết cấp II. Tuy không được đến trường nhưng niềm đam mê đọc sách và tiếp cận đến tri thức vẫn luôn nhen nhóm trong chị. Chị Phương vẫn thường xuyên mượn, sưu tầm sách, báo, tờ lịch để có thể học hỏi, tìm những câu danh ngôn sống tích cực như “con người ta sinh ra chỉ có một lần ở trong đời. Vì vậy phải sống sao cho khỏi phải xót xa vì những năm tháng sống hoài, sống phí”. Chị tâm sự: “Tuổi thơ của mình lớn lên với bao khó khăn, thiếu thốn và phải dừng lại con đường tới trường, sau cánh cửa khi mình trở thành Người khuyết tật. Cũng từ đó sách đã luôn đồng hành cùng với mình. Sách trở thành người bạn, người thầy và là “kim chỉ nam” cho mình trong cuộc sống. Nhờ đọc và học những điều hay từ trong sách mà mình đã có thêm nghị lực, sống tự tin, lạc quan và có ước mơ lý tưởng sống.”
Từ đó khát khao được là chính mình, được khẳng định bản thân, được cống hiến cho xã hội đã thôi thúc chị Phương tiếp tục học tập để tự tin bước ra khỏi luỹ tre làng. Chị bắt đầu đi học may, vừa học vừa làm rồi cũng có thể tự mình mở một cửa hàng may tại nhà để có thể tự tạo thu nhập cho bản thân, giúp đỡ gia đình. Năm 2006, tại Hội thi tay nghề giỏi cho Người khuyết tật, chị vinh dự là 1 trong 6 người đoạt giải khuyến khích hội thi "Bàn tay vàng nghề may" của tỉnh Thái Bình do Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi và Hội Phụ nữ tỉnh Thái Bình tổ chức.
Năm 2007, chị được mời tham gia dạy nghề may tại Trung tâm dạy nghề Nam Thái, Kiến Xương. Sau 3 năm tham gia dạy nghề tại trung tâm do điều kiện sức khỏe không phù hợp, chị đã liên kết với trung tâm để mở cơ sở dạy nghề Nam Thái số 2 tại địa phương. Trung tâm dạy nghề may công nghiệp của chị không chỉ dạy nghề cho người khuyết tật mà còn dạy nghề cho thanh niên nông thôn, sinh viên ra trường chưa có việc làm và cho người dân trên địa bàn. Trong công việc chị luôn cố gắng học hỏi nâng cao tay nghề, chị luôn tự vươn lên bằng chính năng lực của mình.
Kể từ đó, chị bứt phá bản thân, thay đổi môi trường tích cực, năng động và nhiệt huyết. Chị tham gia các hoạt động xã hội và là hội viên của Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh Thái Bình. Trải qua 14 năm hoạt động công tác xã hội với các vị trí và vai trò khác nhau, chị luôn tích cực tham gia các hoạt động vận động, hỗ trợ kết nối. Hơn thế, chị mong muốn cùng chung tay tạo nên mái nhà chung là nơi để người khuyết tật tham gia sinh hoạt, giao lưu chia sẻ, xóa bỏ mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Chị Tô Lan Phương tham gia các hoạt động xã hội
Bên cạnh công tác chú trọng phát triển tổ chức, chị luôn tích cực trau dồi, học hỏi nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý, lãnh đạo, công tác xã hội, giảng dạy, truyền cảm hứng và kỹ năng sống cho người khuyết tật. Không những tham gia các hoạt động trong tỉnh mà chị còn hợp tác với các tổ chức phi Chính phủ như: Viện nghiên cứu và phát triển cộng đồng (ACDC), CBM, làm việc cùng chuyên gia Ngôi Nhà Bình Yên của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam tham gia giảng dạy, trợ giảng cho các lớp tập huấn về kĩ năng sống, Luật người khuyết tật, Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, bình đẳng giới, phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại Nam Định, Ninh Bình, Cao Bằng.
Năm 2016, chị Phương được CBM cử làm đại diện Việt Nam tham gia Hội nghị sức khỏe Người khuyết tật tại Thái Lan. Với sự nhiệt huyết và cống hiến của bản thân sau nhiều năm công tác, chị vinh dự được hội viên tin tưởng và tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật và Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Thái Bình. Đúng là “khi ta thay đổi, cả thế giới sẽ thay đổi”, vượt ra khỏi dáng hình nhỏ bé và làm những điều phi thường. Tháng 12/2020 chị được tôn vinh là tấm gương tiêu biểu trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.
Chị Tô Lan Phương vinh dự là tấm gương tiêu biểu trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”
Có cơ hội giao lưu, chia sẻ học hỏi chị nhận ra chỉ kiến thức và sự hiểu biết mới có thể mang lại cho chúng ta cuộc sống tốt đẹp hơn. Chị luôn trăn trở làm thế nào để có thể thay đổi được đổi nhận thức xã hội để người khuyết tật và mọi người đều có cơ hội tham gia đầy đủ, bình đẳng vào cuộc sống? Và rồi trăn trở ấy cũng là cơ duyên để cách đây hơn 2 năm, trong một buổi giao lưu của CLB Thanh niên khuyết tật tỉnh Thái Bình, được nghe chia sẻ của anh Đỗ Hà Cừ - Chủ nhiệm CLB Không gian Đọc Hy Vọng về việc anh đã thành lập được các thư viện miễn phí, chị Phương dành thời gian để tìm hiểu và thấy đây là một mô hình hay, là một sân chơi bổ ích, phù hợp với nhu cầu của các bạn thanh thiếu nhi trên địa bàn huyện. Sau 2-3 tháng vận hành trải nghiệm, nhận thấy các con rất hào hứng, tích cực chọn, đọc sách và Không gian đọc Lan Phương đã chính thức được ra đời vào ngày 30/12/2019. Với sự hỗ trợ của đại sứ đọc Đỗ Hà Cừ, chị không ngừng vận động và kết nối các nguồn sách từ khắp mọi miền của đất nước để tủ sách thêm phong phú và không gian lành mạnh cho các bạn trau dồi tri thức, kĩ năng và phát triển bản thân, hạn chế chơi game, điện tử và được sự đồng tình và ủng hộ của rất nhiều phụ huynh.
Không gian đọc Lan Phương là điểm đến lý tưởng của con trẻ
Đến nay, sau 2 năm đi vào hoạt động, KGĐ Lan Phương đã có 2 tủ sách với khoảng 800 đầu sách gồm các thể loại: truyện tranh, truyện thiếu nhi, văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, các gương vĩ nhân, anh hùng dân tộc, sách kĩ năng sống ... thu hút hàng nghìn lượt bạn đọc tham gia. Mặt khác, chị Phương tham gia các khóa học nền tảng văn hóa đọc, luyện đọc hiểu và yêu tiếng Việt để hỗ trợ, định hướng và chia sẻ cho bạn đọc hiểu sâu những giá trị cốt lõi của sách để vận dụng, chuyển hóa vào thực tế cuộc sống.
Chị Phương tự nhận thấy cần có giải pháp để tủ sách luôn đổi mới, đa dạng đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, chị đã tham gia thành lập và vận hành dự án “Sách 2k Việt Nam”. Dự án “Sách 2k Việt Nam” được thành lập với mục đích hỗ trợ các đại sứ, kết nối các nguồn lực cho các không gian đọc, lan tỏa đam mê đọc sách tới nhiều bạn đọc, xây dựng thói quen đọc sách "Giờ đọc hành phúc". Đồng thời dự án hướng tới sẽ có những chương trình chia sẻ, đào tạo kĩ năng miễn phí, kết nối với cộng đồng trí tuệ Việt Nam với các diễn giả là các thầy cô luôn quan tâm, trăn trở về giáo dục.