Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, kỷ niệm 10 năm ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 phê duyệt Đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020, kỷ niệm ngày Quốc tế NKT 3/12/2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Ban Dân vận Trung ương, các Bộ, ngành Trung ương và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng và đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Chương trình nhằm động viên, khích lệ những tấm gương tiêu biểu, tạo ra sự lan tỏa tới toàn xã hội, nhân rộng các điển hình, góp phần xây dựng, giữ gìn và nâng cao đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.
Hội tụ những câu chuyện cổ tích giữa đời thường
Chương trình có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội; ông Nông Đức Mạnh, nguyên TBT BCH Trung ương Đảng, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội Chính Trung ương, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, PCT Nước CHXH Chủ nghĩa Việt Nam, ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng 400 tấm gương tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho cộng đồng trong các lĩnh vực an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, giảm nghèo, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội, y tế…
Phát biểu tại chương trình, ông Đào Ngọc Dung Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định: Mặc dù còn nhiều khó khăn, song Đảng, nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm cho các đối tượng yếu thế. Tỷ lệ ngân sách đảm bảo các chính sách an sinh xã hội ngày càng tăng, hiện đã tới hơn trên 35.000 tỷ đồng (năm 2019). Thực hiện lời kêu gọi cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau, các chương trình, phong trào vận động đã được phát động sôi nổi trong cả nước, huy động cả xã hội chung tay chăm sóc những người yếu thế. Công tác an sinh xã hội các chính sách xã hội đã đạt được những kết quả tích cực, hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống người dân.
Lần đầu tiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức gặp mặt quy mô toàn quốc “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”. Trong số 400 đại biểu về dự lễ tuyên dương có 197 đại biểu là nữ, 8 đại biểu từ 70 tuổi trở lên, 4 đại biểu là người dân tộc thiểu số, 50 đại biểu là người khuyết tật, 20 đại biểu là các cá nhân, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng xã hội, 100 đại biểu là người làm việc trong lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc các đối tượng tại các Trung tâm, cơ sở điều trị cho người yếu thế, 300 đại biểu là những người dân không giữ một chức vụ lãnh đạo nào đang sinh sống và làm việc trên khắp mọi miền đất nước.
Ông Nguyễn Trung Chắt cùng “đàn con” chia sẻ câu chuyện của mình
Cuộc gặp mặt là dịp hội tụ của hàng trăm câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Đó là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Hồng, 15 năm qua đã dành toàn bộ tiền của của gia đình, xây một cơ sở chăm sóc 76 cụ già neo đơn, trong đó có 37 cụ nhiều năm nằm liệt giường. Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân, hơn 30 năm sống và phục vụ bệnh nhân phong. Ngoài công việc chuyên môn, bác sĩ còn nấu cơm, giặt đồ, hỗ trợ sinh hoạt cá nhân cho bệnh nhân không nề hà. Chị Đoàn Thị Khuyên, bị nhiễm HIV từ chồng khi mang bầu, khiến em bé sinh ra cũng bị nhiễm HIV. 20 năm qua, bằng sự nỗ lực, kiên trì của mình chị đã làm thay đổi nhận thức của cộng đồng xã hội. Xưởng may mà chị thành lập đã góp phần duy trì và nâng cao đời sống cho hơn 20 chị em nhiễm HIV. Ông Bùi Công Hiệp, Tp. Hồ Chí Minh - cựu chiến binh hơn 10 năm qua tình nguyện nuôi hơn 100 trẻ mồ côi, và quyết định tặng toàn bộ tài sản trên 100 tỷ đồng của mình cho các em bằng cách ghi tên các em vào sổ hộ khẩu của gia đình.
Những câu chuyện xúc động về lòng nhân ái
Với trên 1.300 tỷ đồng ủng hộ các chương trình xã hội từ thiện, tấm gương của ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành Đồng Nai được người dân ưu ái gọi tên là “Sứ giả của lòng nhân ái”. Anh Đỗ Hà Cừ người bị di chứng chất độc da cam rất nặng, hơn 30 năm qua, dù chỉ nằm một chỗ nhưng anh đã thành lập một không gian đọc mang tên “Hy vọng” ngay tại nhà mình với hơn 4.000 cuốn sách, góp phần lan tỏa tình yêu thương, sẻ chia của cộng đồng và mở ra cơ hội việc làm cho nhiều NKT. Bà Lê Thị Thanh Thủy ở Bà Rịa Vũng Tàu vẫn đang duy trì việc nuôi dưỡng 68 trẻ em khuyết tật và nạn nhân da cam. Ông Hồ Văn Thương, 24 năm qua đã tận tâm, tận tụy chăm lo 4.000 phần mộ liệt sĩ tại nghĩa trang Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Long An….
Tại chương trình, những con số rất ý nghĩa về an sinh xã hội hơn nửa năm qua được điểm lại, đó là hơn 7.000 tấn gạo đã được cấp phát, 24 triệu thẻ bảo hiểm y tế được chuyển tới tay người nghèo, hơn 12.500 tỷ đồng được giải ngân để hỗ trợ người khó khăn trong đại dịch Covid-19… Cùng với đó, là câu chuyện xúc động của cha con ông Nguyễn Trung Chắt ở Lạng Sơn. Là một cựu chiến binh, ông Chắt đã dành toàn bộ tâm sức, tài sản của mình để nuôi dạy 292 trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Cuộc hội ngộ của người cha và những đứa con trưởng thành từ mái ấm Hy vọng của ông Chắt ngay tại sân khấu của chương trình đã đem đến niềm xúc động nghẹn ngào về tình thương yêu ông dành cho những đứa trẻ không cùng huyết thống cũng như lòng biết ơn, trân trọng của các em nhỏ mồ côi đã lớn lên, trưởng thành từ sự bao bọc, yêu thương ấy.
Đoàn đại biểu Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng các đại biểu
tham gia viếng lăng Bác
Dù không được điểm mặt, chỉ tên tại Hội nghị, nhưng câu chuyện và những đóng góp thầm lặng của các đại biểu đoàn Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã góp phần không nhỏ cùng nhà nước đảm bảo đời sống cho hàng triệu người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nghèo trên khắp cả nước. Đó là Thượng tọa Thích Định Tánh - Trụ trì chùa Cẩm Phong, tỉnh Tây Ninh, người đã thành lập Mái ấm Mây Ngàn chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 200 cụ già neo đơn, khuyết tật, hàng năm vận động các phật tử tổ chức các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ sinh kế cho hàng ngàn lượt NKT, TMC người nghèo khắp cả nước trị giá hàng tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Lực - Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng, người mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn miệt mài đủ 30 ngày mỗi tháng đi vận động tài trợ NKT, TMC, BNN trong và ngoài tỉnh. Bà Xuân Thị Lan, Phó trưởng ban Vận động quỹ Trung ương Hội, ở tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn không cho phép mình nghỉ ngơi khi còn có NKT, TMC cần trợ giúp. Là anh Lê Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Hội, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Babeeni Việt Nam dù bận rộn công việc kinh doanh vẫn luôn dành tình cảm, nguồn lực hàng tỷ đồng mỗi năm tổ chức dạy nghề, tạo việc làm, thăm hỏi tặng quà NKT, TMC cứu trợ đồng bào lũ lụt. Là chàng trai trẻ Đỗ Đình Điện đã dành cả thanh xuân để kêu gọi, giúp đỡ người yếu thế. Đặc biệt, ông Lương Phan Cừ - Chủ tịch Trung ương Hội - người luôn “lao tâm” cùng với Hội xây dựng và triển khai các chương trình trợ giúp với tâm thế “Làm sao hỗ trợ NKT, TMC được hiệu quả nhất, mang lại cho họ cuộc sống công bằng, bình đẳng, tốt đẹp nhất”.
Cùng với 394 đại biểu tham dự chương trình, các đại biểu của đoàn Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã góp phần làm nên biểu tượng của đức hy sinh, lòng bao dung, tình nhân ái, là mạch nguồn nuôi dưỡng, ngọn lửa thuần khiết sưởi ấm và giúp hiện thực hóa ước mơ của những mảnh đời bất hạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung
Tại Chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho tập thể Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam Vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 2009 đến năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cũng được trao cho ông Lê Văn Kiểm - Ủy viên Ban thường vụ Hội Cựu chiến binh Việt Nam và bà Trần Cẩm Nhung - Ủy viên Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 2009 đến năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp mặt với 50 đại diện tiêu biểu cho Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng tại Phủ Thủ tướng. Thủ tướng khẳng định: Đảng, nhà nước ta luôn nỗ lực chăm lo, quan tâm người có công, người nghèo, người khuyết tật, người bị thiên tai trong xã hội. Tuy nhiên, nguồn lực còn hạn chế nên chưa bao phủ hết được đến mọi người dân, vẫn còn nhiều người gặp khó khăn trong cuộc sống. Do đó, những tấm lòng nhân ái hỗ trợ cho cộng đồng là vốn quý của xã hội. Đảng, nhà nước và nhân dân luôn trân trọng những tấm gương đã hy sinh quyền lợi của cá nhân mình để chăm lo cho cộng đồng, xã hội. Đó chính là tình cảm cách mạng, hun đúc tình cảm tốt đẹp của con người Việt Nam. Theo Thủ tướng, sự giúp đỡ của người dân, cộng đồng là hết sức quan trọng, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước. Những tấm gương sáng thầm lặng đã tạo ra những năng lượng tích cực trong xã hội, lan tỏa tình yêu thương. Chính vì vậy, việc xã hội hóa nguồn lực, công tác cứu trợ xã hội cần được nhân lên rộng rãi. Thủ tướng giao ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần có đề án phát triển nghề công tác xã hội, đảm bảo chính trị, xã hội phát triển sâu hơn, rộng hơn, trong lĩnh vực y tế, tư pháp, an sinh xã hội. Tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ công tác xã hội. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về bảo hiểm xã hội, các cơ chế, chính sách để chăm lo, hỗ trợ người có công, người neo đơn. Tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 50 tấm gương tiêu biểu thầm lặng vì cộng đồng. |
Hoàng Dung