Trung tâm Bảo trợ và Công tác Xã hội (BT&CTXH) tỉnh Thái Nguyên được thành lập ngày 12/9/2018, trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trung tâm CTXH. Trung tâm có nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi (NCT) cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ em mồ côi, trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS; trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học; trẻ em khuyết tật nặng, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa đang sống trong cộng đồng, trẻ bị bỏ rơi có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB).
Thực hiện tốt nhiệm vụ an sinh xã hội
Sau gần một năm rưỡi sáp nhập, với 48 cán bộ công nhân viên, Trung tâm đã đảm nhiệm chăm sóc và nuôi dưỡng tổng số 87 lượt người trong năm 2019. Hiện 72 đối tượng đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm, chủ yếu là người cao tuổi (NCT) cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật đặc biệt nặng và trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi có HCĐB của tỉnh Thái Nguyên. Ở Trung tâm, NCT được chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến lúc cuối đời, trẻ có HCĐB được nuôi dưỡng và đi học, đến tuổi trưởng thành, các cháu được học nghề, giới thiệu việc làm và hòa nhập cộng đồng.
Tại Trung tâm, công tác tiếp nhận, quản lý đối tượng đảm bảo theo quy định; chú trọng duy trì đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý và phù hợp với yêu cầu sức khỏe của từng đối tượng. Phát hiện sớm các nguy cơ về vấn đề sức khỏe và bệnh tật; nhóm trẻ HIV/AIDS luôn được duy trì kiểm tra và khám sức khỏe định kỳ, góp phần đảm bảo công tác chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng ngày một tốt hơn. Trung tâm cũng hết sức chú trọng công tác vệ sinh môi trường; chế độ phòng chống dịch bệnh theo mùa cho đối tượng, không để dịch bệnh phát sinh. Trong thời điển dịch Covid 19 đang có những diễn biến phức tạp, Trung tâm đã chủ động tham gia, thực hiện công tác phòng chống dịch như: phát khẩu trang cho cán bộ và đối tượng được nuôi dưỡng tại Trung tâm, tuyên truyền cách phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, vệ sinh sạch sẽ khuôn viên cơ quan, đặc biệt là khu nuôi dưỡng đối tượng, phun thuốc phòng dịch.
Trung tâm cũng thường xuyên nâng cao kỹ năng công tác xã hội trong quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng; thường xuyên thăm hỏi, động viên, chia sẻ, tham vấn, tư vấn, trợ giúp pháp lý và nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho đối tượng. Trẻ tốt nghiệp cấp THCS được giới thiệu, tư vấn, hỗ trợ về nghề nghiệp và việc làm, các em có thể tự lựa chọn các ngành nghề phù hợp với bản thân hoặc tiếp tục thi lên cấp THPT; hướng dẫn trẻ em khuyết tật thực hiện các công việc thông thường như: vệ sinh cá nhân, quét nhà, gấp quần áo, chăn màn, nhặt rau...
Trung tâm cũng quản lý, đôn đốc trẻ học văn hóa; thường xuyên giữ mối liên hệ với nhà trường, với người giám hộ của trẻ để phối hợp quản lý giáo dục trẻ em trong học tập cũng như ý thức chấp hành tổ chức kỷ luật; tổ chức họp trẻ em 01 lần/tuần để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của trẻ. Nhờ đó, việc rèn luyện, học tập của các em đang được nuôi dưỡng tại trung tâm đạt kết quả tốt, 100% trẻ học văn hóa được lên lớp, hiện có 8 em đang theo học các cấp học phổ thông, trường nghề và Đại học trên địa bàn tỉnh.
Tích cực kết nối và điều phối nhiệm vụ phát triển cộng đồng
Năm 2019, Trung tâm BT&CTXH tỉnh Thái Nguyên cũng đã triển khai có hiệu quả các dịch vụ công tác xã hội trên địa bàn toàn tỉnh thông qua các hoạt động cung cấp, kết nối và điều phối các dịch vụ xã hội trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng yếu thế tại Trung tâm và cộng đồng. Đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu và tăng cường chức năng xã hội, thúc đẩy môi trường xã hội về chính sách, nguồn lực và dịch vụ nhằm trợ giúp cá nhân, gia đình, cộng đồng giải quyết, phòng ngừa các vấn đề xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Hoạt động can thiệp - hỗ trợ khẩn cấp: Trung tâm đã tiếp nhận, can thiệp hỗ trợ khẩn cấp cho 10 trường hợp bị hoặc có dấu hiệu bị xâm hại tình dục, bạo hành, thực hiện tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho đối tượng và gia đình ngay khi tiếp nhận thông tin; đồng thời kết nối với cơ quan chức năng hỗ trợ và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho đối tượng và gia đình.
Hoạt động tư vấn: Tư vấn trực tiếp tại Trung tâm cho 27 ca với trên 70 lượt tư vấn cho các đối tượng đang nuôi dưỡng tại Trung tâm và người dân trên địa bàn. Tư vấn tại cộng đồng cho 181 ca với các nội dung về tâm lý, hỗ trợ trầm cảm, phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ em, chế độ chính sách, thủ tục pháp lý.... Tư vấn qua tổng đài tư vấn miễn phí 1800 8080, tiếp nhận 7.937 cuộc gọi đến, trong đó có 786 ca tư vấn. Qua các cuộc tư vấn đã hỗ trợ đối tượng giải quyết được vấn đề và đáp ứng tốt nhu cầu của đối tượng.
Hoạt động quản lý trường hợp tại cộng đồng: Cán bộ Trung tâm cũng chủ động tiếp cận địa bàn, xác minh thông tin từng trường hợp cụ thể, đánh giá nhu cầu toàn diện, giúp các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống. Năm 2019, Trung tâm quản lý 98 ca, đến hết năm đã đóng 71 ca, hiện đang tiếp tục theo dõi, quản lý 27 ca.
Hoạt động mô hình: “Mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng” đã triển khai thực hiện 08 ngày đánh giá, sàng lọc, tư vấn, hỗ trợ, trị liệu trầm cảm tại 04 xã/phường tại TP. Sông Công và huyện Đồng Hỷ; sàng lọc, phát hiện 13 bệnh nhân bị trầm cảm; phát sách hướng dẫn kiểm soát trầm cảm và trị liệu tâm lý cho 06 bệnh nhân. “Mô hình cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực gia đình trên cơ sở giới” đã thiết kế, in ấn và thực hiện cấp phát tờ rơi, áp phích treo pano tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; tổ chức 10 lớp tập huấn, tuyên truyền về kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới.
Hoạt động truyền thông, đào tạo, tập huấn: Trung tâm đã hoàn thiện nội dung, phát sóng trên 200 lượt clip quảng cáo tổng đài tư vấn miễn phí và các dịch vụ hỗ trợ đối tượng; In ấn và cấp phát 34.555 tờ rơi, 500 áp phích, 20 panô truyền thông, tuyên truyền quảng bá về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; phối hợp với các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương tuyên truyền về hoạt động của đơn vị; tổ chức 27 buổi truyền thông kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ; Luật trẻ em, phòng chống ma túy học đường, kỹ năng phòng chống lạm dụng trẻ em cho trên 9.400 học sinh THCS; 41 lớp tập huấn, với các nội dung về công tác trợ giúp xã hội; 24 buổi hoạt động nhóm cho đối tượng người cao tuổi, trẻ em có HCĐBKK tại Trung tâm nhằm nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi và tăng khả năng tương tác, phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ em tại Trung tâm.