Trong các ngày từ 19 - 20/6, tại thành phố Đà Nẵng, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2022, triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và tập huấn hướng dẫn công tác điều tra khảo sát về tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật.

ĐN 1

Ông Nguyễn Trọng Đàm - Chủ tịch Trung ương Hội cho biết 6 tháng đầu năm 2022 Trung ương Hội và các cấp Hội thành viên đã triển khai thực hiện 6 chương trình trọng tâm của Hội và trợ giúp cho hơn 1 triệu lượt NKT, TMC, người yếu thế khác với số tiền 247 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, Trung ương Hội và các cấp Hội thành viên đã làm tốt công tác tham mưu chính sách với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong lĩnh vực trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với các Ban, Bộ, Ngành có liên quan để triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động Hội. Hội đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ của các địa phương, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022 - 2027 và Lễ Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội gắn với Chương trình Một trái tim - Một thế giới lần thứ 17. Thông qua đó đã góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh, uy tín của cả hệ thống Hội từ Trung ương đến địa phương, củng cố thêm niềm tin, mối quan hệ chặt chẽ của Hội với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị tài trợ và đối tượng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 20222, ông Nguyễn Trọng Đàm - Chủ tịch Trung ương Hội cho biết, Hội và các cấp Hội thành viên đã chủ trì, vận động nguồn lực bằng tiền và hiện vật quy tiền đạt trên 309 tỷ đồng, hoạt động phối hợp với đơn vị khác là trên 20 tỷ đồng. Một số tỉnh, thành Hội trực tiếp vận động quỹ và kết nối hoạt động đạt mức cao như: Lâm Đồng 41,5 tỷ, An Giang 25 tỷ; Vĩnh Long 22,4 tỷ; Thanh Hóa 13,9 tỷ; Bình Phước 13,7 tỷ; TP.Hồ Chí Minh: 12,3 tỷ; Quảng Trị: 11,7 tỷ; Đồng Tháp 11,5 tỷ; Hà Tĩnh 11 tỷ, Hậu Giang 10,5 tỷ, Tây Ninh: 10,4 tỷ; Cà Mau 9,3 tỷ. Từ nguồn kinh phí vận động, đã tổ chức triển khai thực hiện 6 chương trình trọng tâm của Hội và nhiều hoạt động trợ giúp khác cho hơn 1 triệu lượt người khuyết tật và trẻ mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế khác với số tiền là 247 tỷ đồng.

ĐN 2

Bà Trần Thị Dung - Phó Chủ tịch Trung ương Hội đề xuất chỉ tiêu phấn đấu 6 tháng cuối năm toàn Hội vận động đạt ít nhất 300 tỷ đồng (bằng tiền và hiện vật).

Tham dự Hội nghị sơ kết, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, đánh giá kết quả đạt được 6 tháng đầu năm và đưa ra biện pháp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chương trình hoạt động năm 2022, trong đó quan tâm các hoạt động truyền thông, quảng bá nâng cao vị thế của Hội; chú trọng chuyển hướng sang phương thức trợ giúp theo trường hợp, tìm nhà tài trợ đỡ đầu, giúp đỡ đối tượng dài hơi hơn, bền vững hơn, nhất là đối với trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Trung ương Hội cũng sớm nghiên cứu, triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết Đại hội VI, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các sự kiện tháng 4 vừa qua ; Tích cực đổi mới hình thức, nội dung vận động để tăng hiệu quả công tác vận động nguồn lực xã hội; duy trì khai thác tốt nguồn lực từ các nhà tài trợ truyền thống và mở rộng thêm nhà tài trợ mới nhằm hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2022, phấn đấu 6 tháng cuối năm toàn Hội vận động đạt ít nhất 300 tỷ đồng bao gồm cả hiện vật quy đổi. Tại Hội nghị, Trung ương Hội đã phát động phong trào thi đua "Chia sẻ yêu thương" trong toàn Hội, khuyến khích các Hội thành viên có sự hỗ trợ lẫn nhau, khai thác có hiệu quả các nguồn tài trợ, trợ giúp tốt hơn cho đối tượng.ĐN 3

Giảng viên chia sẻ nội dung về công tác thống kê, báo cáo, hướng dẫn công tác điều tra khảo sát về tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật đến các cấp Hội thành viên trên toàn quốc.

Nhân dịp này, Trung ương Hội đã triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, cũng như hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống…

Qua chương trình Tập huấn về công tác thống kê, báo cáo, hướng dẫn công tác điều tra khảo sát về tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật đến các cấp Hội thành viên trên toàn quốc, Trung ương Hội tin tưởng sẽ giúp cho các cán bộ Hội biết cách nắm bắt thực trạng tiếp cận giáo dục của trẻ khuyết tật trong các cơ sở giáo dục và ngoài cộng đồng một cách cụ thể, chính xác nhất. Trên cơ sở kết quả khảo sát cũng chỉ ra được những khó khăn, hạn chế về cơ chế chính sách, công tác hỗ trợ giáo dục cho trẻ khuyết tật trong các cơ sở giáo dục, cộng đồng, từ đó đề xuất, kiến nghị các chính sách đảm bảo quyền và cơ hội được học tập của trẻ khuyết tật trong cộng đồng.

Phạm Hương

 

Tin liên quan