Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, Điều 25 quy định: Các quốc gia thành viên công nhận rằng người khuyết tật có quyền hưởng tiêu chuẩn y tế cao nhất đã đạt được mà không có sự phân biệt nào trên cơ sở sự khuyết tật. Các quốc gia thành viên tiến hành mọi biện pháp thích hợp để bảo đảm cho người khuyết tật được tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp với lứa tuổi, trong đó có phục hồi về y tế. Tiếp cận y tế cũng là một trong những hành động ưu tiên trong Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 về lồng ghép quyền của người khuyết tật (thể hiện trong cả 3 trụ cột: An ninh – Chính trị; Kinh tế và Văn hoá – xã hội (APSC13, AEC17, ASCC3, 6, 15).
Đại diện người Điếc Hà Nội chia sẻ về những khó khăn khi đi khám, chữa bệnh
Tại Việt Nam, nhìn chung, hệ thống chính sách về khám bệnh, chữa bệnh về cơ bản đã đảm bảo quyền khám bệnh, chữa bệnh của người khuyết tật (gồm cả người khuyết tật nghe nói) trên cơ sở tinh thần của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và Hiến pháp Việt Nam. Chính sách đảm bảo quyền của người khuyết tật ngày càng được bổ sung, hoàn thiện thông qua nội dung dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh lần 3 (ngày 7/5/2022), trong đó đã dành riêng Điều 69 quy định về phục hồi chức năng.
Theo “Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam” năm 2016 của Bộ Y tế (Quyết định 6858/QĐ-BYT), một bệnh viện được đánh giá chất lượng rất tốt (mức 5) phải “Có nhân viên phiên dịch cho người khiếm thính hoặc có phương án hợp tác ký hợp đồng với người phiên dịch trong trường hợp có người bệnh khiếm thính đến khám, chữa bệnh. Bảo đảm đáp ứng được người phiên dịch cho người bệnh khiếm thính trong vòng 90 phút khi được yêu cầu” – Điều này thể hiện động thái chủ động của Bộ Y tế trong tổ chức triển khai các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến người khuyết tật, nhằm đảm bảo từng bước quyền của người khuyết tật nghe, nói trong khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, vẫn còn khoảng trống trong chính sách hiện nay: Ở tầm Luật: Ngôn ngữ ký hiệu chưa được công nhận như là một trong những ngôn ngữ được sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh ở Việt Nam (Điều 23 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 chỉ quy định việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Điều 24 của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần 3 (ngày 7/5/2022) tiếp tục khẳng định nội dung trên mà chưa đề cập đến vấn đề sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong khám bệnh, chữa bệnh. Điều này chưa tương thích với định nghĩa “ngôn ngữ” tại Điều 2 của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (ngôn ngữ bao gồm ngôn ngữ nói và ngôn ngữ ký hiệu và các dạng giao tiếp phi ngôn ngữ khác).
Cả nước có 933.896 người khuyết tật nghe và 836.247 người có vấn đề về giao tiếp (tính đến cuối năm 2016, đầu năm 2017). Người khuyết tật nghe nói gặp không ít khó khăn trong khám bệnh, chữa bệnh do rào cản về ngôn ngữ: Một số người khuyết tật nghe, nói không biết chữ hoặc không thể viết, khi khám bệnh, chữa bệnh chỉ có một mình, không có người thân hoặc người thân không thể phiên dịch. Thiếu trầm trọng đội ngũ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (ngay cả bệnh viện tuyến Trung ương và các thành phố lớn). Thiếu nhân viên y tế biết ngôn ngữ ký hiệu, các y, bác sĩ chịu áp lực về số lượng bệnh nhân đông và đa dạng thành phần, họ không biết sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong khám bệnh, chữa bệnh….
Hoạt động khám chữa bệnh cho người khuyết tật tại cộng đồng do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hồ Chí Minh thực hiện
Để đảm bảo quyền của người khuyết tật nghe, nói trong khám bệnh, chữa bệnh, mong muốn của cộng đồng người khuyết tật nói chung, người khuyết tật nghe, nói nói riêng: Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần khẳng định ngôn ngữ ký hiệu là một trong những ngôn ngữ được sử dụng trong hoạt động khám, chữa bệnh; Cần khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh bố trí nhân viên ngôn ngữ ký hiệu, cộng tác viên khác hỗ trợ trong khám chữa bệnh cho người điếc, khuyến khích xã hội hoá trong phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho người khuyết tật trong khám, chữa bệnh.
Bộ Y tế cần chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quy chuẩn phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (tiêu chuẩn cơ bản), tăng cường nâng cao nhận thức về việc đảm bảo hỗ trợ người khuyết tật nghe, nói trong khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức ngôn ngữ ký hiệu cho đội ngũ người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và liên quan (đảm bảo tính chuyên môn và khách quan).
Hoàng Dung
(Theo tài liệu của Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng ACDC)