Sáng ngày 30/12, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Nguyễn Văn Hồi chủ trì hội nghị
Tham dự có ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; cùng một số ủy viên Ủy ban, đại diện các bộ, ngành, đoàn thể, hội của người khuyết tật...
Báo cáo tại Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam cho biết: Hiện nay, cả nước có khoảng 6,2 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em; gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2020, đã có gần 3 triệu NKT được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị
Năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid - 19 và thiên tai bão lũ xảy ra, nhưng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam đã nỗ lực cố gắng thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 04 Quyết định phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW; Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030; Chương trình trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rỗi nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030; nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các Bộ, ngành ban hành 03 thông tư, 07 quyết định và 07 công văn để cụ thể hóa, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác NKT trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo nghề, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, xây dựng, giao thông, trợ giúp pháp lý... Tại địa phương, căn cứ tình hình thực tế, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành các nghị quyết, quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW và Kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030, điều chỉnh chính sách trợ giúp xã hội đối với NKT như: chính sách trợ cấp xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm, miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông...
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi báo cáo tại Hội nghị
Năm 2020, ngân sách nhà nước đã bố trí cho địa phương 17.696 tỷ đồng thực hiện trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội và 374 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật. Đến nay, cả nước có gần 1,1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, khoảng 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và hàng triệu NKT, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.
Các tổ chức của NKT đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt mọi mặt của NKT, điển hình như: Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam vận động được trị giá 585 tỷ đồng; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và các hội thành viên vận động tài trợ được gần 370 tỷ đồng; Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam vận động được trên 12 tỷ đồng; Hội Người mù Việt Nam vận động tổng trị giá 102 tỷ đồng cho người mù nghèo.
Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam trình bày tham luận tại Hội nghị
Bộ Y tế tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định về Phục hồi chức năng và Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; Sửa đổi Luật Bảo hiểm Y tế trong đó có mục tiêu tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả Bảo hiểm y tế cho người khuyết tật. Trong năm 2020, cả nước đã cấp thẻ BHYT cho 186.816 NKT. Trong công tác giáo dục, tập trung hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tổng kết Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020”, trong đó người khuyết tật là đối tượng ưu tiên. Hướng dẫn, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương mở rộng tuyển sinh tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, cao đẳng, trung cấp; sơ cấp theo hình thức vừa làm vừa học; đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo từ xa, tự học. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ từ các Bộ, ngành, địa phương, trong năm 2020 có khoảng 3.000 người khuyết tật được hỗ trợ học nghề.
Triển khai Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện Chương trình tín dụng cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật. Năm 2020 đã hỗ trợ cho 2.422 NKT vay vốn để tạo, duy trì và mở rộng việc làm khoảng 6.047 NKT. Riêng Hội Người mù Việt Nam được giao hơn 51 tỷ nguồn vốn trung ương và 40 tỷ từ nguồn địa phương triển khai tại 51 tỉnh, thành phố cho gần 10.000 hộ người mù tạo việc làm ổn định cho trên 13.000 lao động là NKT.
Cùng với đó, các lĩnh vực giáo dục đào tạo, giao thông tiếp cận, văn hóa thể thao, du lịch đối với NKT cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đó từng bước gỡ bỏ các rào cản xã hội, quyền của
người khuyết tật ngày càng được hiện thực hóa và đảm bảo.
Ông Nguyễn Đức Hoán, Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trình bày tham luận tại Hội nghị
Cũng theo Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, trên cơ sở kết quả đạt được, trong năm 2021, Ủy ban tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục Tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đền NKT để kịp thời sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập cho phù hợp với thực tế của đất nước và với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT; Nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến NKT trong quá trình chuẩn bị, trình Quốc hội các dự án, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), chú trọng tham vấn ý kiến NKT và các tổ chức của NKT để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn; Tiếp tục đổi mới công tác truyền thông và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Công ước quốc tế về quyền của NKT, chính sách, pháp luật về NKT bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với những đối tượng khác nhau; Tiếp tục xây dựng và triển khai mô hình sinh kế cho NKT, mô hình khởi nghiệp, mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất...
Ông Trần Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam trình bày tham luận tại Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam khẳng định: Đảng, Chính phủ, các cấp lãnh đạo vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho người khuyết tật. Điều đó được thể hiện bằng việc ban hành các chính sách, văn bản pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật, đặc biệt là việc ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Chấp hành TƯ Đảng. Trong năm 2020, nhiều hoạt động thiết thực, các công tác phục hồi chức năng, giáo dục, y tế,… đối với người khuyết tật được triển khai hiệu quả.
Để thực hiện tốt các kế hoạch năm 2021, Thứ trưởng nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh hợp lý về trợ cấp dành cho người khuyết tật; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, các tổ chức xã hội khi thực hiện các hoạt động liên quan đến người khuyết tật để quyền và lợi ích của người khuyết tật được bảo đảm trên thực tế, hòa nhập bình đẳng và đầy đủ vào cộng động xã hội./.
Theo laodongxahoi.net