Sau hơn 20 năm chèo lái “Con thuyền Ân Điển” doanh nhân Nguyễn Thị Kim Liên giờ đây mong muốn giao quyền quản lý công ty cho các cộng sự để có nhiều thời gian dành cho các hoạt động thiện nguyện.

Bởi với bà, mỗi một hạt thiện gieo đi, một cánh tay giơ ra đúng lúc sẽ giúp thêm được những mảnh đời kém may mắn, giúp đỡ họ có nghị lực vượt lên.

- Thưa bà, được biết trở thành một doanh nhân trong hoàn cảnh đặc biệt, chắc hẳn “vạn sự khởi đầu nan”?

Như bạn biết, lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Ân Điển là kinh doanh các mặt hàng dành cho ô tô như: săm lốp ô tô, bình điện, mâm xe, dầu nhớt, đồ chơi và tiện ích dành cho xe ô tô... một lĩnh vực tưởng chừng như quá sức với phái yếu như chúng tôi. Theo ngành giáo dục, đang là hậu phương của chồng bỗng chuyển thành “tiền phương”, cũng nhiều nước mắt. Có thời điểm, cầm báo cáo thuế trên tay và tôi đã òa khóc vì bất lực, cảm thấy mình không đủ sức để đảm đương vị trí của chồng. Thế nhưng, bao đêm trăn trở, tôi nghĩ rằng cả Ân Điển và nhân viên cùng gia đình của họ đang chờ, mình không có cách nào khác ngoài việc phải vượt lên.

- Bà đã vượt qua giai đoạn đó như thế nào?

Sau những đêm thức ròng, cạn tâm suy nghĩ trong nước mắt, tôi đã tìm ra lời giải cho bài toán số phận đời mình, đó chính là "học, phải học từng việc một!". Tôi học kinh doanh, tự mày mò học hỏi qua đồng nghiệp, bạn bè, người thân trong gia đình và cả chính những đối thủ trên thương trường. Tôi cũng đăng ký tham dự tất cả các khóa học ngắn hạn, ngoài giờ về quản trị doanh nghiệp, về công tác kế toán, kinh doanh...rồi tham gia vào các hiệp hội để học hỏi.

Tôi cũng theo học lớp của chuyên gia nước ngoài, có điều kiện sang Mỹ học và tìm hiểu về quản trị, kinh doanh và tiếp thị sản phẩm của nước bạn tôi vỡ ra được nhiều điều. Những nguyên tắc cốt lõi trong kinh doanh, hoạch định chiến lược phát triển cho Ân Điển cũng như cách mở rộng thị trường được hình thành từ sự “học” đó.

- Với những dấu ấn mà Ân Điển đạt được trong thời gian qua, điều gì khiến bà tâm đắc nhất?

Ân Điển đã trở thành bạn đồng hành của nhiều thương hiệu lớn trên toàn thế giới và trở thành một trong những doanh nghiệp mạnh của Đà Nẵng nói riêng cũng như cả nước nói chung; trở thành đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực phân phối các mặt hàng săm lốp ô-tô, bình điện, mâm xe, thiết bị văn phòng, dịch vụ chăm sóc ô-tô… với thị trường tiêu thụ trải rộng trên toàn quốc. Doanh thu hằng năm của Công ty không ngừng tăng trưởng khoảng 30% so với năm trước.

- Được biết, Ân Điển là mái nhà của khá nhiều người khuyết tật, lý do bà “chiêu mộ” họ là gì?

Có đi qua những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc đời mới hiểu được giá trị của sự sẻ chia là đáng quý như thế nào. Tôi mong muốn được san sẻ nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh trong xã hội và việc tuyển dụng người khuyết tật còn là cách làm từ thiện của tôi. Thay vì cho tiền, cho quà, tôi giúp họ "cần câu cơm", tạo công ăn việc làm để họ tự lao động nuôi sống bản thân, trở thành người công dân có ích cho xã hội.

Bà Liên trao quà cho người khuyết tật.

Ổn định cuộc sống vốn đã là chuyện khó đối với người bình thường, nay càng khó khăn gấp bội đối với những người khuyết tật. Để đào tạo một người mất 3 đến 6 tháng để thạo việc nhưng với người khuyến tật có khi mất cả năm. Với quyết tâm giúp những số phận kém may mắn này đi giữa xã hội trên chính đôi chân, bằng bàn tay và khối óc của chính họ, tôi đã rất kiên nhẫn đi với họ, đến nay những nỗ lực đó của tôi đã “nở hoa” khi nhiều lao động khuyết tật của công ty đã lập gia đình, sinh con đẻ cái và có cuộc sống ổn định”.

- Hành trình sắp tới của bà là gì?

Tôi đã mua một mảnh đất có phong cảnh rất hữu tình rộng hơn 9000m với mong muốn sẽ là nơi mình dưỡng già nhưng nay tôi muốn dành mảnh đất đó để xây dựng một trung tâm đào tạo nghề cho thanh niên khuyết tất, những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội nhằm giúp họ tự tin hoà nhập cộng đồng. Bất cứ ở đâu, bất kỳ nơi nào, chỉ cần có những mảnh đời bất hạnh cần được cưu mang, hỗ trợ là tôi lại cố gắng tìm đến.

- Xin cảm ơn bà!

Theo diendandoanhnghiep.vn

Tin liên quan