Trong dịp gặp mặt Đoàn đại biểu dự Hội nghị tuyên dương Người làm báo tiêu biểu toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2020), Chủ tịch Quốc hội khoá XIV Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh, báo chí là cầu nối quan trọng để Quốc hội gần gũi, gắn bó mật thiết với cử tri và Nhân dân. Bà nhấn mạnh: "nếu như một kỳ họp của Quốc hội, một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay các cuộc tiếp xúc cử tri mà không có báo chí, thì làm sao thông tin kịp thời, đầy đủ đến Nhân dân".

Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Với chủ trương đó, trong suốt quá trình hoạt động của Quốc hội, báo chí đã luôn đồng hành với các hoạt động của Quốc hội. Ngay từ những kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khoá I, các báo như Cứu Quốc, Sự Thật, Dân Chủ, Đồng Minh, Độc Lập… đã có nhiều bài báo phản ánh rất kịp thời, đầy đủ diễn biến của các phiên họp của Quốc hội đến với người dân. Những thông tin đó giờ đây đã trở thành tư liệu quý về tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Phát huy truyền thống này, trong những nhiệm kỳ gần đây, hoạt động báo chí tại các kỳ họp Quốc hội ngày càng được chú trọng và sôi nổi hơn. Tại mỗi kỳ họp Quốc hội, có khoảng hơn 500 phóng viên báo chí của gần 100 cơ quan thông tấn báo chí tham dự, đưa tin. Qua đó, thông tin về hoạt động của Quốc hội đã luôn được chuyển tải kịp thời đến với cử tri và các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Đồng thời, các cơ quan báo chí cũng là một trong những nguồn thông tin quan trọng để giúp các đại biểu Quốc hội nắm bắt được thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tâm tư, nguyện vọng của các cử tri. Đã có nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội tại nghị trường được căn cứ trên các thông tin được các cơ quan báo chí cung cấp.

Hoà cùng với dòng chảy của báo chí nghị trường, trong những nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, tạp chí Người bảo trợ đã trở thành một trong những địa chỉ quan trọng để các đại biểu Quốc hội tìm hiểu về các thông tin liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Với tính chất là cơ quan của Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, những thông tin chủ yếu mà tạp chí Người bảo trợ cung cấp đến các đại biểu Quốc hội là về cuộc sống của người khuyết tật và trẻ mồ côi trên cả nước. Những thông tin đó đã giúp cho các đại biểu Quốc hội hiểu một cách sâu sắc về tâm tư, nguyện vọng của những người khuyết tật và trẻ mồ côi, về những khó khăn, thách thức trong cuộc sống hàng ngày mà người khuyết tật và trẻ mồ côi phải đối mặt. Qua những thông tin được tạp chí cung cấp, các đại biểu Quốc hội đã góp ý, xây dựng những chính sách quan trọng để bảo vệ quyền của người khuyết tật cũng như bảo đảm sự nuôi dưỡng, chăm sóc đầy đủ, kịp thời đối với trẻ mồ côi. Ngoài các nội dung được quy định tập trung trong Luật Người khuyết tật, Luật Trẻ em, các đại biểu Quốc hội cũng rất chú ý đến việc bảo vệ quyền của người khuyết tật, trẻ mồ côi trong các dự án luật khác có liên quan. Chẳng hạn, trong quá trình xem xét, thảo luận, thông qua dự án Luật Xây dựng, nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến về yêu cầu đối với thiết kế xây dựng, bảo đảm điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em sử dụng các công trình xây dựng. Cũng ít người biết bản thân công trình Nhà Quốc hội cũng được đánh giá là một trong những công trình thân thiện với người khuyết tật. Vào năm 2017, hơn 200 đại biểu tham dự Đại hội Hội bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã vào tham quan Nhà Quốc hội, ngôi nhà chung của các dân tộc Việt Nam, trong đó bao gồm cả người khuyết tật và trẻ mồ côi. Các đại biểu đã được tham quan nơi làm việc, nơi thảo luận và ban hành những quyết sách quan trọng của đất nước và được tìm hiểu về lịch sử, truyền thống của Quốc hội. Qua đó, đã góp phần để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trở nên gần gũi hơn đối với những người khuyết tật và trẻ mồ côi.

Trong hoạt động giám sát, những thông tin được Tạp chí cung cấp cũng là nguồn thông tin quan trọng để các đại biểu sử dụng trong các hoạt động khảo sát, giám sát, giải trình và chất vấn, trả lời chất vấn. Chẳng hạn, trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, Uỷ ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức một số cuộc khảo sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật tại một số địa phương; tổ chức phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách pháp luật trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật. Những nội dung về chính sách cho người khuyết tật, trẻ mồ côi cũng thường xuyên được các đại biểu Quốc hội đặt ra trong các phiên chất vấn. Qua đó, những vấn đề như việc bảo đảm quyền tiếp cận với các công trình công cộng của người khuyết tật, nạn bạo lực xâm hại tình dục, bạo lực gia đình đối với người khuyết tật, giáo dục đối với trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi v.v… đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm, chú ý, yêu cầu các thành viên của Chính phủ giải trình, làm rõ.

Tạp chí Người bảo trợ cũng là nơi các đại biểu Quốc hội chuyển tải những tình cảm của mình đến với người khuyết tật và trẻ mồ côi, những đối tượng yếu thế trong xã hội. Nhiều đại biểu Quốc hội các khoá là những thành viên tích cực tham gia các hoạt động của Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam và có nhiều bài viết sâu sắc trên tạp chí Người bảo trợ. Các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội các khoá cũng đã dành nhiều thời gian để gặp gỡ, động viên kịp thời đối với những người khuyết tật và trẻ mồ côi. Trong buổi gặp mặt học sinh mồ côi, khuyết tật của tỉnh Thái Nguyên nhân dịp Trung thu năm 2020, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khoá XIV Tòng Thị Phóng đã xúc động trước những tấm gương vượt lên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trẻ mồ côi và khuyết tật để đạt được những thành tích cao trong học tập. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã đề nghị các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương rà soát, nắm chắc tình hình của các nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn để xây dựng kế hoạch trợ giúp phù hợp; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của các em, giúp các em hòa nhập cộng đồng, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, có đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Bên cạnh những thông tin phản ánh đời sống thực tế của người khuyết tật và trẻ mồ côi, tạp chí Người bảo trợ còn có những bài viết mang tính lý luận, tổng kết thực tiễn cao, có giá trị phục vụ công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chính sách đối với người khuyết tật và trẻ mồ côi nói riêng. Đặc biệt, loạt bài viết về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã góp phần làm rõ những chủ trương, chính sách cơ bản của Đảng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc bảo vệ quyền của người khuyết tật, trẻ mồ côi.

Với sự đồng hành không ngừng nghỉ với hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua, tạp chí Người bảo trợ đã có những đóng góp không nhỏ vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm thi hành có hiệu lực, hiệu quả các chính sách về phát triển con người ở Việt Nam, bảo đảm quyền lợi của những đối tượng yếu thế. Thực tế cho thấy trong những năm vừa qua, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã tăng liên tiếp trong bảng đánh giá của Liên Hợp quốc. Vào năm 2020, Việt Nam đã được xếp vào nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người ở mức cao trên thế giới với mức tăng liên tục từ năm 1990 đến năm 2019.

Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV của Quốc hội đang bước vào những kỳ họp đầu tiên. Trong bài phát biểu nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội trong nhiệm kỳ này là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ để kiến tạo phát triển bền vững đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Để thực hiện nhiệm vụ này, báo chí luôn đóng một vai trò quan trọng để đưa “hơi thở của cuộc sống vào nghị trường”. Phát huy tinh thần đó, các đại biểu Quốc hội mong muốn tạp chí Người bảo trợ tiếp tục phát huy vị trí, vai trò quan trọng của mình để cùng đồng hành với Quốc hội, cung cấp những thông tin kịp thời, sát thực và có tính lý luận, thực tiễn cao để góp phần hoàn thiện các chính sách về người khuyết tật và trẻ mồ côi và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách này trên thực tế./.

Hoàng Minh Hiếu 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

 

Tin liên quan