10 năm qua, hình ảnh cụ ông hàng ngày phát rẫy, làm nương kiếm từng củ mì nuôi 3 đứa cháu mồ côi không còn xa lạ với người dân trong vùng. Ông bảo, "tôi gắng sống để cháu gái đỡ bơ vơ, tội nghiệp".

 

Bố mẹ bị tai nạn qua đời, 4 ông cháu nương náu nhờ sào nương rẫy

Đầu năm 2021, những căn bệnh vốn mang sẵn trong người khiến ông Phạm Văn Đạt (SN 1944) mấy lần đi viện cấp cứu. Những tưởng bị bệnh viện trả về vì không thể cứu chữa, nhưng ông lại cầm cự được đến ngày hôm nay. Ông bảo, "tôi phải cố sống để cháu gái đỡ bơ vơ, tội nghiệp". Có lẽ, vì thương các cháu mồ côi không còn chỗ dựa như là động lực giúp ông vượt qua cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh.

Người cháu mà ông Đạt nhắc đến là cô gái Phạm Thị Thu Hà, năm nay học lớp 12, trường THPT Lương Thế Vinh, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Cô bé mồ côi cha mẹ từ khi mới 6 tuổi, gần 11 năm nay, Hà lớn lên bằng tình thương, sự chăm sóc của ông Đạt.

Hai ông cháu sống trong một căn nhà xiêu vẹo nằm giữa thôn Thuận Hòa, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song. Cửa nhà luôn đóng im lìm, chỉ có tiếng ho hục hặc của ông lão 77 tuổi.

Cuối giờ chiều, Hà chưa đi học về nên nhà cửa, bếp núc vẫn nguội lạnh. Một mình ông Đạt nằm trên giường, thở những tiếng khó nhọc của người mang trong mình đủ thứ bệnh tật.

 

Hoàn cảnh éo le của cụ ông nuôi ba cháu mồ côi trong căn nhà xiêu vẹo - 2

Đầu năm 2021, ông Đạt bị tai biến, tưởng chừng không qua khỏi khi bị bệnh viện trả về.

Chậm rãi kể về cuộc đời mình, ông Đạt như trút hết nỗi lòng của người gần đất xa trời. Ông  là cựu chiến binh, từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1965. Trở về từ cuộc chiến, ông bị ảnh hưởng từ chất độc da cam, khiến di chứng vẫn còn hiện hữu đến bây giờ.

Trận hỏa hoạn ở quê đã thiêu rụi toàn bộ giấy tờ nên năm 1985, ông đưa cả nhà từ Ninh Bình vào Đắk Nông lập nghiệp. Người con út sau khi lập gia đình thì ở với ông tại căn nhà gỗ lụp xụp này.

 

Hoàn cảnh éo le của cụ ông nuôi ba cháu mồ côi trong căn nhà xiêu vẹo - 3

Năm 2011, vợ chồng người con trai qua đời, ông Đạt một mình nuôi ba cháu nội.

Đưa đôi tay gầy rộc chỉ về phía hai tấm di ảnh treo trên vách gỗ, ông lão rơm rớm nước mắt: "Năm 2011, vợ chồng nó đang đi làm về thì bị chiếc xe ô tô tông phải rồi qua đời, để lại cho tôi 3 đứa cháu mồ côi. Đứa lớn nhất khi ấy mới 12 tuổi, còn bé Hà ngày đó mới vào lớp 1".

Ngày vợ chồng con trai mất, ông Đạt đã hơn 60 tuổi nhưng vẫn làm thuê khắp nơi để nuôi 3 cháu ăn học. Cả 4 người, ngoài đồng tiền làm công của ông lão, chỉ có hơn 4 sào đất rẫy nằm ngay cạnh nhà. Đói no từng bữa là chuyện không thể tránh khỏi, nhưng ông Đạt nhất định không để các cháu dang dở chuyện đến trường.

"Các cháu thương tôi già yếu, cũng muốn nghỉ học để đi làm, nhưng tôi còn sống ngày nào thì còn cho các cháu đến trường ngày đó. Đời ông bà, bố mẹ nghèo khó, không được đi học nên tôi tâm niệm, có đi học các cháu mới thoát khỏi đói nghèo", ông Đạt tâm sự.

 

"Tôi còn sống, còn cho các cháu đến trường"

Lần lượt 2 người chị của Thu Hà học xong THPT rồi học tiếp lên bậc đại học. Những tháng ngày lao lực lo miếng cơm, tiền học phí cho các cháu, đồng nghĩa sức khỏe của ông Đạt càng suy yếu. Di chứng của chiến tranh cùng với lần tai biến đầu năm khiến ông Đạt đi viện cấp cứu mấy lần.

Những tưởng ông Đạt không qua khỏi, bị bệnh viện trả về do căn bệnh đã trở nặng, thế nhưng ông lão gần 80 tuổi vẫn cầm cự gần nửa năm nay.

"Ai mà không sợ chết, nhất là ở cái tuổi gần 80 này. Nhưng tôi nhắm mắt sao được khi để cháu Hà bơ vơ một mình", ông lão giọng run run, đưa ánh mắt nhìn về phía cháu gái đang tất tả lo bữa cơm chiều.

Ông Đạt tiếp tục câu chuyện cùng với những tiếng thở khó nhọc, đứt quãng.  Ông lão 77 tuổi nghẹn giọng: "Bây giờ chỉ còn tôi và cháu Hà ở trong căn nhà này nhưng ván trên tường đã mục hết. Cuối năm vừa rồi, gió thốc từng cơn vào nhà. Thương hai ông cháu, bà con, anh em họ hàng, mỗi người góp một ít mua mấy tấm bạt về quây quanh nhà. Không biết, nó còn trụ vững đến ngày tôi nhắm mắt xuôi tay không ?".

 

Hoàn cảnh éo le của cụ ông nuôi ba cháu mồ côi trong căn nhà xiêu vẹo - 7

Mỗi khi ở nhà, Hà thường dìu ông để ông tập đi lại.

Về phần mình, thấy ông ngày một già yếu nên mỗi khi đi học về, Hà lại vào bóp tay, chân và dìu ông tập đi. Dù nghèo khó, dù vất vả nhưng ông vẫn dành cho Hà những điều tốt đẹp nhất, nên cô bé luôn dành một tình cảm đặc biệt nhất đối với ông nội của mình.

"Ông là điểm tựa tinh thần, giúp em có động lực sống bao nhiêu năm nay. Trong thâm tâm, em chỉ ước mong có ngày đền đáp được công ơn của ông. Trước mắt, em sẽ cố gắng học thật tốt để hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học như ông mong mỏi, kỳ vọng", Hà nói và cầm chặt đôi tay gầy guộc của ông nội.

 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Ông Phạm Văn Đạt

Địa chỉ: Thôn Thuận Hòa, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông

Cháu: Phạm Thị Thu Hà, cháu nội ông Đạt

SĐT: 0373.762.374

Tin liên quan