Lồng ghép các quyền của người khuyết tật

I. Giới thiệu 1.1. Thúc đẩy, bảo vệ các quyền con người và tự do cơ bản, tăng cường dân chủ, tăng cường các thực tiễn quản trị tốt và tuân thủ theo quy định của pháp luật là những nguyên tắc và mục đích chính của ASEAN1 . Khẳng định lại những nguyên tắc này, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN2 (AHRD) vào năm 2012.

Cùng với Tuyên bố Phnom Penh về việc thông qua AHRD, hai tài liệu này thể hiện cam kết của Chính phủ ASEAN nhằm bảo vệ quyền con người và quyền tự do cơ bản của tất cả mọi người trong ASEAN, kể cả người khuyết tật. Đến năm 2016, tất cả các Quốc gia Thành viên ASEAN đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của Người khuyết tật (CRPD).

1.2. Xuyên suốt nhiều năm, ASEAN đã liên tục ưu tiên xúc tiến và bảo vệ quyền của người khuyết tật. Khung chính sách của ASEAN đối với việc thúc đẩy quyền và phúc lợi của người khuyết tật bắt nguồn từ Tuyên bố Bali về Tăng cường Vai trò và Sự tham gia của Người khuyết tật trong Cộng đồng ASEAN (2011), trong đó kêu gọi hiện thực hóa sự hòa nhập của người khuyết tật thông qua việc phát triển các kế hoạch hành động quốc gia, đa dạng hóa các dịch vụ xã hội, phát triển các chương trình an sinh xã hội cũng như các cơ hội học tập và làm việc có thể tiếp cận được. Bản Tuyên bố cũng đã công bố và giới thiệu Khung hành động của Thập kỷ ASEAN về Người khuyết tật (2011-2020) nhằm thúc đẩy phát triển hòa nhập cho người khuyết tật trong ASEAN. Nguyên tắc hòa nhập, với vai trò là một định hướng chính sách đặc thù của ASEAN, đã thấm nhuần trong tất cả các sáng kiến và chương trình thúc đẩy hiện thực hóa quyền của người khuyết tật trong Cộng đồng ASEAN.

Cam kết của ASEAN đối với một cộng đồng hòa nhập được ghi nhận trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 20253 , một bản lộ trình chiến lược 10 năm của ASEAN, thể hiện khát vọng hiện thực hóa một cộng đồng ASEAN hướng tới con người, tập trung vào con người, “nơi người dân được hưởng quyền con người và tự do cơ bản, chất lượng cuộc sống cao hơn và lợi ích từ việc xây dựng cộng đồng”. Đặc biệt, Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN (ASCC) 2025 vạch ra các biện pháp chiến lược cụ thể nhằm giảm rào cản và đảm bảo khả năng tiếp cận của người khuyết tật, đồng thời quảng bá và bảo vệ nhân quyền của họ.

1.3. Ngoài ra, các công cụ khác của khu vực cũng khẳng định cam kết của ASEAN và minh họa môi trường chính sách mạnh mẽ trong khu vực nhằm tìm cách nâng cao năng lực cho người khuyết tật. Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường Phúc lợi và Phát triển cho Phụ nữ và Trẻ em ASEAN (2010) nhằm mục đích đảm bảo bình đẳng giới trong giáo dục và tuyển sinh cho trẻ em khuyết tật và có nhu cầu đặc biệt. Tuyên bố Kuala Lumpur về một ASEAN hướng tới con người, tập trung vào con người (2015) kêu gọi thúc đẩy và bảo vệ quyền của người khuyết tật cũng như thúc đẩy quyền và phúc lợi của họ tại các chương trình nghị sự trong tương lai của ASEAN.

Tuyên bố ASEAN về tăng cường giáo dục cho trẻ em và thanh niên ngoài trường học (OOSCY) nhận định rằng tiếp cận giáo dục là một ưu tiên nhằm đảm bảo lợi ích tối ưu cho mọi trẻ em và thanh thiếu niên, dù có bị khuyết tật hay không. Tuyên bố về xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em tại ASEAN (2013)nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em khuyết tật khỏi mọi hình thức bạo lực, lạm dụng và bóc lột. Tuyên bố ASEAN về Tăng cường An sinh Xã hội (2013) tuyên bố rằng người khuyết tật có quyền tiếp cận công bằng đối với an sinh xã hội và kêu gọi các Quốc gia Thành viên ASEAN hỗ trợ các chính sách, chiến lược và cơ chế quốc gia để tăng cường triển khai các chương trình bảo trợ xã hội, cũng như các hệ thống nhắm mục tiêu hiệu quả để đảm bảo rằng các dịch vụ an sinh xã hội sẽ đến được những người có nhu cầu cấp thiết nhất.

1.4. Các mốc chính sách ASEAN nhằm thúc đẩy quyền và phúc lợi của người khuyết tật được lấy cảm hứng từ sự phát triển toàn cầu, đồng thời cũng đóng góp tích cực cho sự phát triển toàn cầu. Mốc chính sách quan trọng nhất trong số đó là Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, trong đó chính sách không để ai bị bỏ lại phía sau đã bổ sung cho tầm nhìn của ASEAN về một cộng đồng ASEAN hướng tới con người, tập trung vào con người. Chiến lược Incheon nhằm “Hiện thực hóa quyền” cho người khuyết tật châu Á và Thái Bình Dương kêu gọi khuyến khích sự tham gia của người khuyết tật bằng cách loại bỏ rào cản và tăng cường khả năng tiếp cận, và đảm bảo đáp ứng giới, thông qua các phương thức liên ngành và đa bên.

Khung hành động Sendai về Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai kêu gọi các hành động ứng phó và phục hồi từ thiên tai có sự tham gia của người khuyết tật, hướng tới việc xây dựng khả năng chống chịu thiên tai của người khuyết tật cũng như công nhận vai trò quan trọng của họ trong công tác đánh giá rủi ro và thiết kế chương trình. Chương trình Đô thị Mới kêu gọi “hiện thực hóa quyền được có nhà ở đầy đủ cho tất cả mọi người như là một phần trong quyền được hưởng một mức sống đầy đủ”, bao gồm cả người khuyết tật. Chương trình cũng kêu gọi thúc đẩy “các biện pháp thích hợp ở các thành phố và khu định cư của con người, tạo điều kiện tiếp cận một cách bình đẳng cho người khuyết tật đến môi trường vật chất của thành phố, đặc biệt là không gian công cộng, giao thông công cộng, nhà ở, cơ sở vật chất giáo dục và y tế, thông tin công cộng và cộng đồng (bao gồm cả công nghệ và hệ thống thông tin và truyền thông) cũng như các cơ sở và dịch vụ khác được mở hoặc cung cấp cho người dân, ở cả thành thị và nông thôn”. Cuối cùng, chương trình khuyến khích “sự tham gia và hợp tác hiệu quả giữa tất cả các bên liên quan, kể cả người khuyết tật, nhằm xác định cơ hội phát triển kinh tế đô thị, đồng thời xác định và giải quyết các thách thức hiện hữu và đang nổi lên”. Những phát triển toàn cầu này ảnh hưởng và định hình bối cảnh chính sách tại ASEAN đối với người khuyết tật.

Đà tăng trưởng và phát triển từ khu vực và toàn cầu đã tạo ra cơ hội thúc đẩy hợp tác ở cấp độ ASEAN nhằm thúc đẩy cải cách lập pháp và chính sách nhằm triển khai toàn diện CRPD ở cấp độ quốc gia, qua đó loại bỏ phân biệt đối xử, loại bỏ rào cản và đảm bảo khả năng tiếp cận. Đồng thời, các hành động ở cấp độ quốc gia có thể mở rộng sự hợp tác khu vực bằng cách nêu bật các vấn đề được giải quyết hiệu quả hơn ở cấp độ khu vực. Những vấn đề này bao gồm tác động của quá trình hội nhập cộng đồng ASEAN, đặc biệt là hội nhập kinh tế, đối với việc đảm bảo việc làm và công việc tốt cho người khuyết tật. Quan trọng hơn, để đảm bảo rằng không ai bị bỏ sót lại phía sau, chương trình nghị sự sau 2020 phải có mục đích và kế hoạch toàn diện trong việc tiếp cận với người khuyết tật bao gồm: trẻ em khuyết tật, phụ nữ khuyết tật, thanh niên khuyết tật, người già/người cao tuổi khuyết tật, người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi thiên tai, xung đột và khủng hoảng, người khuyết tật là nạn nhân của bạo lực và mua bán người.

Tin liên quan