Phải biết đau với nỗi đau của những người bất hạnh

2018-11-21 10:31:05

Sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Công tác Xã hội, tôi đã chạy xin việc ở nhiều nơi, nhưng tấm bằng Đại học chuyên ngành này lại rất xa lạ đối với những nơi tôi đến nộp hồ sơ xin việc. Một dịp tình cờ đã cho tôi gặp các cô chú trong Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng khi Hội đến cứu trợ đồng bào nghèo tại xã Phú Hội. Và tôi thử đi tìm vận may bằng cách nộp hồ sơ xin vào làm việc tại Văn phòng Hội Bảo trợ Lâm Đồng để có thể đem kiến thức đã học ở trường Đại học áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Rất may mắn khi tôi được chấp nhận.

80 tuổi nhưng bà Lê Thị Kim Liên vẫn đảm nhận đứng đầu Chi hội Bảo trợ thành phố Bảo Lộc. 5 năm qua bà đã vận động các doanh nghiệp và các mạnh thường quân tài thành phố Bảo Lộc hỗ trợ 52 tấn gạo, 700 mền len, 300 bộ đồng phục thể thao và vận động xây dựng 16 căn nhà tình thương cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn Bảo Lộc

Bốn năm, một khoảng thời gian đủ để tôi hiểu rằng làm công tác xã hội không chỉ là lý thuyết trong sách vở mà phải thấu hiểu hoàn cảnh của từng bệnh nhân nghèo, cảm thông với sự mất mát của từng trẻ mồ côi và thấu hiểu nỗi thiệt thòi của người khuyết tật. Được rèn luyện trong môi trường nhân ái, được sự dìu dắt của Chú Chủ tịch Hội và các cô, chú Hội viên, tôi nhận ra một điều: Mình đã chọn đúng công việc, chọn đúng môi trường để học hỏi và trưởng thành.

4 năm cùng làm việc trong căn phòng hẹp về diện tích nhưng rất rộng lớn tình nhân ái, lòng yêu thương giữa con người với con người. Mỗi ngày nghe tin một cháu bé được ra phòng hồi sức sau ca mổ tim, nhận điện thoại báo tin một trẻ khuyết tật đã lành lặn sau ca phẫu thuật cơ xương khớp, niềm vui, niềm tin trong tôi và các bạn đồng nghiệp như được nhân lên. Cũng không ít lần chúng tôi lo lắng, thật sự lo khi chú Chủ tịch Hội phải lên bàn mổ, lại mổ ở tận Singapore, rồi mổ ở bệnh viện Tokyo, những nơi mà anh chị em Hội viên không thể chăm lo cho chú. Vậy mà khi trở về, không một ngày dưỡng bệnh, Chú lại đi đưa các cháu bé nghèo đi mổ tim, đưa trẻ dị tật đi phẫu thuật chỉnh hình rồi đi lo mổ mắt cho người già, lo học bổng cho trẻ mồ côi. Tôi không ca ngợi cá nhân chủ tịch Hội, tôi chỉ muốn nói rằng tấm gương quên mình vì sự sống, vì nhịp đập trái tim bệnh nhân nghèo, vì tương lai những đứa trẻ mồ côi và vì ánh sáng trên đôi mắt người cao tuổi đã thôi thúc chúng tôi làm việc nhiều hơn, chấp nhận làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật để đem hơi ấm tình người đến với bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi trong tỉnh.

Tôi cũng thường xuyên đi công tác chung với các Hội viên cao tuổi, với các Chi hội trưởng là doanh nhân, chủ khách sạn, giám đốc các công ty kinh doanh, những người không chỉ chung tay với Hội trong các hoạt động nhân đạo mà còn vận động nhiều người gia nhập và đóng góp cho các chương trình từ thiện của Hội. Đó là Bà Lê Thị Kim Liên, gần 80 tuổi với hơn nửa cuộc đời hoạt động nhân đạo từ thiện. Ngay sau khi xin thành lập Chi hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo – Người tàn tật và Trẻ mồ côi Bảo Lộc, bà Lê Thị Kim Liên đã vận động các doanh nghiệp và các Mạnh thường quân tại thành phố Bảo Lộc hỗ trợ 52 tấn gạo, 700 mền len, 300 bộ đồng phục thể thao và vận động xây dựng 16 căn nhà tình thương cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố Bảo Lộc.

Đó là Bà Nguyễn Thị Thu không chỉ là người tiên phong thành lập Chi hội Bảo trợ Ái Tâm mà dù đã 70 tuổi nhưng không quản ngại khó khăn, ngày ngày đi gặp gỡ anh chị em Hội viên để vận động đóng góp hỗ trợ cho chương trình “Quỹ Hiểu về trái tim”, đóng góp để tổ chức các bữa ăn dinh dưỡng tại các trung tâm nuôi dưỡng người già, trẻ em mồ côi và đặc biệt là thu đầy đủ Hội phí theo quy định của Điều lệ Hội Bảo trợ Lâm Đồng.

Tháng 6/2016, Bà Nguyễn Thị Diệu Hương được Tỉnh Hội phân công vận động thành lập Chi hội Bảo trợ Nhân Tâm Đà Lạt thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo – Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng. Sau hơn một năm, chi hội Nhân Tâm đã tập hợp được nhiều doanh nhân, nhiều chị em tiểu thương và chủ doanh nghiệp gia nhập Hội, đó chính là nguyên nhân thành công của chi hội trong việc vận động gây quỹ để hoạt động. Đại hội vừa qua, Bà Nguyễn Thị Thu và Bà Nguyễn Thị Diệu Hương được bầu làm phó chủ tịch Hội Bảo trợ Lâm Đồng. 

Chị Nguyễn Thị Thu Liên - Chi hội trưởng Chi hội Văn phòng Hội và chị Văn Thị Kim Hoa - Chi hội trưởng Chi Hội Cát Tường Đà Lạt trao tài trợ xây nhà tình thương cho gia đình nghèo ở huyện Di Linh, Lâm Đồng

Nhà báo Kiều Minh Mạnh thì đến với Hội và trở thành Chi hội trưởng ở vùng đất Đơn Dương từ hình ảnh của người Thầy khi chị là sinh viên khoa Ngữ văn – Báo chí ở trường Đại học Đà Lạt. Chị nói rằng Thầy Trần Lực không những  dạy chị viết báo mà còn là tấm gương về lòng nhân ái, chính vì vậy mà chị xin thành lập chi Hội Nhân ái, một tổ chức nhân đạo trực thuộc Hội Bảo trợ Lâm Đồng. Và ngay sau khi thành lập, chi Hội Nhân Ái đã có nhiều hoạt động rất hiệu quả trên địa bàn huyện Đơn Dương.

Góp mặt trong danh sách các “Nữ thủ lĩnh” của Hội Bảo trợ Lâm Đồng còn có hai doanh nhân là chủ khách sạn. Đó là chị Nguyễn Thị Thu Liên, chi Hội trưởng chi hội Văn Phòng và chị Văn Thị Kim Hoa, chi Hội trưởng chi hội Cát Tường Đà Lạt. Dù bận bịu công việc kinh doanh các khách sạn ở Đà Lạt và các căn hộ du lịch ở Nha Trang, chị Kim Hoa và chị Thu Liên vẫn dành thời gian tham gia tất cả các hoạt động nhân đạo và vận đồng nhiều nguồn đóng góp cho các chương trình từ thiện của Hội. Không chỉ là các cô, các chị, Hội Bảo trợ Lâm Đồng có rất nhiều Hội viên hết lòng với bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ em mồ côi.

 “Làm nhân đạo là phải đến những nơi cần chúng ta giúp, phải biết đau với nổi đau của những người bất hạnh, phải lo với nổi lo của người bệnh hiểm nghèo. Không có cảm xúc đó thì các cháu chỉ là công chức nhân đạo. Hội không cần công chức nhân đạo, Hội chỉ cần những trái tim nhân ái” Tôi nhớ mãi và sẽ mãi ghi nhớ lời dặn này của chú Trần Lực khi chúng tôi xin vào làm việc ở văn phòng Hội Bảo trợ Lâm Đồng./.

Đinh Hồng Thắm

 

 

 


Tin liên quan