Hỗ trợ người khuyết tật (NKT) phát huy khả năng để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để NKT vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội là mục tiêu mà Đề án trợ giúp NKT tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2013-2020 đặt ra. Nhằm cụ thể hóa Đề án này, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương, tổ chức hội trên địa bàn tỉnh đã từng bước khắc phục khó khăn, có nhiều cách làm sáng tạo nhằm trợ giúp NKT vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Khơi dậy khả năng 

Cảm nhận của chúng tôi khi đến thăm Trung tâm trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh đặt tại huyện Đoan Hùng là sự yên tĩnh, gọn gàng và trật tự. Ở đây hiện nuôi dưỡng 170 đối tượng đa dạng về tuổi tác, mức độ khuyết tật và bệnh lý, chủ yếu là NKT thần kinh tâm thần. Trung tâm đã có cách thức quản lý người tâm thần hiệu quả là lao động trị liệu phục hồi chức năng với những việc làm phù hợp. Các lớp dạy nghề đan chiếu trúc lần lượt mở ra không vì mục tiêu kinh tế mà quan trọng là ý nghĩa trị liệu, giúp NKT thần kinh tâm thần phục hồi tư duy, từ đó giảm công quản lý.

Ông Hoàng Dương Chiến - Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Mặc dù biết dạy nghề và hướng dẫn việc làm cho người tâm thần rất khó khăn vì họ thường không tỉnh táo, sẵn sàng tấn công cán bộ, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì đồng hành với họ nhằm giúp họ ổn định tinh thần, nâng cao hiệu quả lao động trị liệu”. Ngoài nghề đan chiếu trúc, NKT ở đây còn có thể phơi ván bóc, trồng rau, chăm sóc vườn cây dược liệu. Cho dù khiếm khuyết, thể chất không được như những người khỏe mạnh, nhưng một bộ phận NKT vẫn giàu nghị lực, ý chí vươn lên với khát khao được cống hiến sức mình cho xã hội. 

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có khoảng 30.000 gia đình có NKT thuộc hộ nghèo cần được giúp đỡ. Những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm tới công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tích cực giải quyết các chế độ, chính sách, tạo điều kiện cho NKT tham gia học văn hóa, học nghề, tạo việc làm phù hợp, giúp NKT giảm tự ti, mặc cảm, có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, phối hợp với các địa phương tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có đối tượng là NKT. Tính riêng năm 2018 đã có 76 NKT tham gia các lớp học nghề, tạo cơ hội để họ tìm việc làm, có thu nhập.

Năm qua, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đã tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động bảo trợ cho hàng nghìn lượt NKT, trẻ mồ côi, người nghèo trị giá gần 7 tỷ đồng để giúp các đối tượng cải thiện nhà ở, sinh hoạt, có phương tiện đi lại, góp phần đẩy lùi đói nghèo. Hội còn phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp) in và phát hành 30.000 tờ rơi có nội dung liên quan đến Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, một số chính sách về NKT… và nhiều buổi tuyên truyền trực tiếp. Từ năm 2017 đến nay, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh còn vận động các tổ chức trao tặng 16 con bò cái sinh sản cho NKT hoàn cảnh khó khăn ở huyện Cẩm Khê, Yên Lập. Thông qua những hoạt động này đã giúp NKT khơi dậy khả năng của mình, sống có ích cho gia đình và xã hội.


xahoi-1-1555888644
Bà Bùi Thị Chấp ở khu Tân Lập, xã Điêu Lương, huyện Cẩm Khê là người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh tặng bò giống, tạo thêm điều kiện để vươn lên trong cuộc sống.

Còn nhiều trở ngại

Nhìn chung, việc triển khai hiệu quả công tác chăm sóc NKT trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng đồng trong việc thực hiện luật pháp, chính sách đối với người khuyết tật; khơi dậy và phát huy truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc. Đời sống vật chất và tinh thần của NKT được cải thiện đáng kể; nhiều rào cản về môi trường cũng như xã hội đối với NKT đang từng bước được gỡ bỏ, tạo cơ hội bình đẳng cho họ trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng của mình, tự lực trong cuộc sống.

Tuy nhiên, công tác này những năm qua còn gặp phải một số khó khăn và hạn chế. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng còn thiếu chặt chẽ; việc lồng ghép các nguồn lực để thực hiện công tác trợ giúp NKT chưa nhiều và hiệu quả chưa cao; cơ sở hạ tầng của tỉnh, đặc biệt là về giao thông, y tế, giáo dục còn chưa đáp ứng phù hợp khiến cho việc tiếp cận các dịch vụ này của NKT còn gặp khó khăn. Phần lớn những NKT việc làm không ổn định, chủ yếu là tự tạo việc làm, làm việc trong các tổ chức cơ sở mang tính nhân đạo từ thiện, ít người tìm được việc làm và làm việc ổn định trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Thực tế cho thấy nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt nên khiến cho, phía doanh nghiệp đang e ngại nhận NKT vào làm việc.

Đề án trợ giúp NKT tỉnh giai đoạn 2013-2020 đặt ra mục tiêu trung bình mỗi năm có khoảng hơn 100 NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp, song từ năm 2017 đến nay không mở thêm lớp dạy nghề nào cho NKT. Hiện, nguồn kinh phí mở lớp dạy nghề cho NKT hạn chế mà chủ yếu giao về các huyện, thành, thị lồng ghép vào các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Với đặc thù NKT đa dạng độ tuổi, hình thức và mức độ khuyết tật, nhận thức không đều, để tham gia học tập cần có sự hỗ trợ của người thân, nên việc mở được lớp đào tạo nghề tại địa phương rất khó thực hiện.  

Theo bà Trần Thị Na - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh để NKT được hòa nhập với cộng đồng thì không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc phục hồi chức năng mà phải tiến tới xóa bỏ các rào cản đối với NKT để họ được tham gia một cách bình đẳng vào hoạt động của xã hội. Các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh cần tổ chức các chương trình giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách trợ giúp NKT để có sự điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả hơn... 

Theo Baophutho.vn

Tin liên quan