Nước ta hiện có hơn 6,2 triệu người khuyết tật, bằng 7,06% tổng dân số từ 2 tuổi trở lên. Những năm vừa qua, sự chung tay chăm sóc người khuyết tật từ các cơ quan chức năng, gia đình, cộng đồng đã góp phần tạo động lực giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, để người khuyết tật tự tin xây đắp tương lai dựa trên khả năng của bản thân họ, thì các chính sách trợ giúp người khuyết tật cần thiết thực, khả thi hơn.

Một tiết mục trình diễn của người khiếm thị tại cuộc thi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách”. Ảnh: Minh Thu

Chắp cánh cho những ước mơ

Vào năm 2014, sau một tai nạn, bà Lương Thị Minh Nguyệt ở thôn Ninh Cầm, xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) trở thành người khuyết tật vận động. Vượt lên hoàn cảnh, bà Nguyệt mạnh dạn tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để thành lập Hợp tác xã Sức sống xanh vào tháng 10-2018. Hoạt động theo mô hình sản xuất và thương mại với nhiều ngành, nghề, Hợp tác xã Sức sống xanh đang có “sức sống” mạnh mẽ với hơn 50 lao động là người khuyết tật có thu nhập trung bình từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/tháng.

Theo bà Lương Thị Minh Nguyệt: “Niềm tin vào bản thân, sự động viên từ gia đình, cộng đồng cùng các chính sách quan tâm dành cho người khuyết tật là động lực để người khuyết tật ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng”.

Cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của gia đình và cộng đồng, nên dù đôi mắt không nhìn thấy, đôi bàn tay không còn, Phó Chủ tịch Hội Người mù quận Cầu Giấy Nguyễn Văn Đức đã vượt lên hoàn cảnh, tích cực tham gia công tác xã hội. Chia sẻ về đồng nghiệp, Chủ tịch Hội Người mù quận Cầu Giấy Nguyễn Viết An nói: “Tinh thần lạc quan vui sống, luôn nỗ lực cống hiến hết mình của ông Nguyễn Văn Đức là tấm gương sáng để người khuyết tật noi theo”.

Ngoài những dẫn chứng nêu trên, theo Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội Dương Thị Vân, trên địa bàn thành phố hiện có gần 100.000 người khuyết tật, bằng khoảng 1,3% dân số của Thủ đô. Trong những năm vừa qua, 100% người khuyết tật nhận được sự quan tâm, chăm sóc về nhiều mặt. Nổi bật là các chính sách trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng; ưu tiên vay vốn ưu đãi để tạo việc làm, hỗ trợ tư vấn, trợ giúp pháp lý... Đến nay, Hà Nội cơ bản không còn gia đình có thành viên là người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo.

Tương tự Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác đã, đang trợ giúp người khuyết tật bằng nhiều giải pháp, góp phần chắp cánh ước mơ vươn lên cho nhiều mảnh đời kém may mắn. Điều đáng mừng, 100% người khuyết tật đủ điều kiện đều được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội.

Cần những giải pháp trợ giúp hiệu quả hơn

Những kết quả đạt được trong công tác chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, một số chính sách, hoạt động trợ giúp cần được triển khai linh hoạt hơn.

Theo Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam Lương Phan Cừ, giải pháp quan trọng nhất để người khuyết tật chủ động vươn lên là giúp họ có việc làm, thu nhập. Thế nhưng, số lao động là người khuyết tật có việc làm, thu nhập mới đạt hơn 30% do một bộ phận người khuyết tật và gia đình họ còn mặc cảm, tự ti; nguồn kinh phí hỗ trợ cho các dự án đào tạo nghề, tạo việc làm còn hạn chế; người khuyết tật vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để tạo việc làm… Từ thực tế này, ông Lương Phan Cừ kiến nghị, các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi hơn để người khuyết tật tiếp cận với cơ hội học nghề, việc làm phù hợp.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái, các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho người khuyết tật của các đơn vị liên quan hiện nay chưa phong phú, khiến người khuyết tật thiếu những sân chơi để giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Khắc phục việc này, Hà Nội khuyến khích các địa phương, cơ sở của người khuyết tật tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hữu ích. Do đó, trong những năm qua, các cấp hội người mù thành phố đã tạo ra nhiều sân chơi hấp dẫn. Đặc biệt, đầu tháng 4 này, cuộc thi khiêu vũ thể thao do Hội Người mù thành phố Hà Nội tổ chức với tên gọi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách” đã thu hút gần 50 người khiếm thị tham gia, để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả.

Liên quan đến công tác chăm sóc người khuyết tật, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, ngoài các chính sách đã triển khai, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 theo hướng từ hỗ trợ trực tiếp sang tạo động lực vươn lên cho họ, đồng thời giúp nhiều người được vay vốn tạo việc làm. Ngoài ra, từ ngày 1-7-2021, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng sẽ được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. 

“Bộ cũng khuyến khích các đơn vị, địa phương tổ chức những hoạt động ý nghĩa để cộng đồng hiểu hơn về người khuyết tật, nhất là vào dịp kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4) hằng năm”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng thông tin thêm.

Theo hanoimoi.vn

Tin liên quan