Nhằm giúp người khuyết tật (NKT) có nghề nghiệp và thu nhập ổn định để tự nuôi sống bản thân, các cấp hội bảo trợ trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, phù hợp. Qua đó, nhiều NKT có thêm cơ hội tự lập, hòa nhập cộng đồng dễ dàng hơn.

Nghề làm nhang đã mang lại cho gia đình anh Nguyễn Tấn Hiệp nguồn thu nhập ổn định.
Nghề làm nhang đã mang lại cho gia đình anh Nguyễn Tấn Hiệp nguồn thu nhập ổn định.

Anh Nguyễn Tấn Hiệp, Phó Chủ tịch Hội người mù TP.Bà Rịa là một trong những tấm gương điển hình vượt qua số phận. Sau khi được Hội Người mù tỉnh hỗ trợ học nghề, anh đã tự mở 3 cơ sở, gồm: tẩm quất, làm nhang và xâu hạt cườm. Với tinh thần tận tâm vì công việc, bảo đảm chất lượng dịch vụ, hàng hóa, các cơ sở của anh ngày càng được nhiều khách hàng tin tưởng, sử dụng. Nhờ đó, anh đã bảo đảm đủ việc làm, thu nhập cho gia đình và 9 nhân viên, với thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Ông Trần Văn Thìn (SN 1967, KP.Thanh Tân, huyện Đất Đỏ) bị mù 2 mắt từ nhiều năm nay. Dù việc đi lại, học tập, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn nhưng ông đã không ngừng học hỏi, cố gắng để không là gánh nặng mà còn trở thành điểm tựa đáng tin cậy của gia đình. Sau khi được Hội Người mù tỉnh giới thiệu học nghề, ông đã mở cơ sở làm bàn chải chà sàn nước được hơn 5 năm nay. Cuối tuần, ông còn làm thêm nghề tẩm quất. Nhờ chăm chỉ làm ăn, ông có nguồn thu nhập từ 3-5 triệu đồng mỗi tháng, cùng vợ lo cho các con ăn học đầy đủ.

Ông Thìn bộc bạch: “Vượt qua số phận thiệt thòi, nhờ sự hỗ trợ của Hội Người mù tỉnh mà cuộc sống gia đình tôi dần ổn định hơn, con cái được học hành tử tế”.

Đến thăm lớp học nghề sửa xe máy, xe đạp của các em HS khuyết tật ở Nhà Xã hội Long Hải, nếu không được giới thiệu trước, có lẽ ai cũng nghĩ rằng các em đều bình thường như bao trẻ em khác. Những đôi tay linh hoạt vặn từng con ốc, sửa từng bộ phận của xe máy thuần thục như những người thợ bình thường.

Lớp học sửa xe thành lập đã được 10 năm. Năm 2022 có 10 em học nghề, trong đó 1 em thành thạo nghề và đã tự mở được cơ sở riêng, có lượng khách ổn định và có thu nhập để lo cho bản thân và gia đình.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 11.550 NKT, trong đó có trên 10 ngàn người được hưởng chính sách xã hội. Hằng năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin (NNCĐDC) và Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh và các cấp đã phối hợp tổ chức khám sàng lọc, tư vấn sức khỏe cho hơn 7.000 lượt NKT; tặng hàng trăm xe lăn cho NKT. Riêng tại Nhà Xã hội Long Hải, 5 năm qua, Hội đã vận động Hội Vì trẻ em vùng đồng bằng Pháp (APER) hỗ trợ gần 13 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động chăm lo cho 120 em theo học, trong đó có 45 trẻ bị phơi nhiễm chất độc da cam, còn lại là trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ vay vốn bằng quỹ hội cho nạn nhân chất độc da cam, NKT vay tạo sinh kế, với lãi suất ưu đãi. Tính đến nay, đã có 115 nạn nhân chất độc da cam được vay vốn quỹ hội với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Riêng năm 2021 quỹ hội các cấp cho vay với tổng số tiền 342 triệu đồng để hành nghề chăn nuôi, trồng hoa, may mặc, bán vé số, sửa điện thoại, điện tử và kinh doanh sản suất nhỏ...

Ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin và BTXH tỉnh cho biết, dạy nghề, tạo việc làm là giải pháp quan trọng để giúp các đối tượng yếu thế giảm bớt khó khăn, tự lực vươn lên, thoát nghèo bền vững. Bên cạnh các chế độ, chính sách của Nhà nước, vẫn rất cần sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm, tổ chức, DN để giúp NKT cải thiện đời sống.

Theo baobariavungtau.com.vn

Tin liên quan