“Mình có cơm thì mọi người cùng ăn cơm, mình có cháo thì cùng ăn cháo. Miễn sao giúp được nhiều người là vui rồi!”, cả đôi vợ chồng mù đều nói như thế về chuyện cưu mang hàng trăm người vô gia cư, hàng trăm hoàn cảnh khốn cùng khi họ tìm đến nhờ giúp đỡ.
Bến đỗ của yêu thương không toan tính
Căn nhà đó là nơi ngày ngày những cảnh đời éo le nhất nương nhờ. Dẫu căn nhà còn nhỏ bé, dột trước dột sau của nhưng nơi này lại được gọi bằng cái tên rất thân thương “địa chỉ đỏ của người mù”. Bản thân chủ nhân của ngôi nhà ấy cũng là người khiếm thị, nội chuyện vun vén cho gia đình riêng thôi cũng đã chẳng dễ dàng gì. Thế nhưng, vợ chồng họ còn dám “đèo bồng”, cưu mang thêm nhiều người đồng cảnh ngộ. Không phải chỉ cưu mang một vài ngày, không phải chỉ cưu mang một vài người, mà mấy chục năm qua, cả trăm cảnh đời khốn khó đã được đôi vợ chồng mù ấy giúp đỡ.
Trong căn nhà cấp bốn rợp bóng cây xanh, êm đềm nghe tiếng chim ca ngày ngày này, có một đôi vợ chồng đã ở cái tuổi bóng xế là ông Bùi Xuân Hồng (79 tuổi) và bà Trương Thị Dưỡng (71 tuổi, phường Sơn Phong, TP.Hội An) vẫn coi việc đùm bọc, cưu mang những mảnh đời khốn khó không nơi nương tựa, hay những người đồng cảnh mù lòa với mình là niềm vui sống mỗi ngày. Nở nụ cười hiền đón khách khi trên tay, ông Hồng vẫn đang tỉ mẩn bện từng sợi dây làm chiếc quạt tre để mang ra chợ bán, còn bà đang dán từng tờ giấy làm thành chiếc quạt nhỏ xing. Tạm gác lại công việc đang dở dang, ông bà đến bên chiếc bàn để ở trước sân nhà rót nước mời khách rồi chậm rãi kể về câu chuyện của cuộc đời mình.
Vợ chồng ông Hồng |
Đúng ngày đất nước thống nhất, ông và bà gặp nhau và bén duyên khi sinh hoạt tại Trung tâm Khuyết tật TP.Đà Nẵng. Cả hai vợ chồng đều khiếm thị, cuộc sống đã ghép họ thành đôi với nhau. Hai vợ chồng ông bà sống ở đà nẵng được mấy năm thì quyết định chuyển về Tp Hội An mưu sinh. Với đôi bàn tay trắng, hai vợ chồng làm lụng chắt chiu và cất căn nhà lá ở vùng ngoại ô. Thời gian cứ thế trôi đi, cả hai vợ chồng mù nhưng giàu lòng nhân ái ấy cứ tần tảo kiếm cơm bằng nghề đan quạt tre, rồi nhờ chắt bóp mà sau nhiều năm dành dụm hai ông bà cũng dựng được căn nhà cấp 4 đủ để che nắng, trú mưa.
Nhiều người dân địa phương vẫn biết đến ngôi nhà nhỏ này là một địa chỉ đỏ cho những phận đời lầm lỡ tìm đến nương nhờ. Nhiều năm nay, trong ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong một con hẻm trên đường Lý Thường Kiệt ấy, người dân phố cổ đã quen với hình ảnh của đôi vợ chồng mù ngày ngày mò mẫm dán từng chiếc quạt tre rồi lọ mọ chống gậy mang ra chợ bán đổi gạo mưu sinh. Và trong tổ ấm đơn sơ ấy, người ta cũng không còn lạ với các buổi đi sớm về khuya của vô số mảnh đời bất hạnh, được ông Hồng, bà Dưỡng cưu mang như người thân ruột thịt trong nhà.
“Vì vợ chồng tui cũng là người khiếm thị nên mình đồng cảm với họ. Tui hiểu được những nổi khổ của họ nên việc giúp đỡ họ là lẽ thường tình!”, ông Hồng trả lời thật đơn giản. Còn bà Loan thì bộc bạch: “Ngày xưa vợ chồng tui cũng lang thang kiếm sống, nhưng đi mướn nhà khắp nơi mà không ai cho, phải ngủ ở sạp chợ, đình miếu. Người ta sợ cho người khiếm thị ở thì xui. Vậy nên vợ chồng tui cũng ráng làm một căn nhà, cho thật nhiều người khiếm thị ở xem thử có xui không!”. Và “thật nhiều người khiếm thị ấy”, với mỗi mảnh đời neo lại chốn này đều mang nhiều nghịch cảnh.
“Sống là để cho đi”
Hai ông bà năm nay đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hy không tài nào nhớ nổi có bao nhiêu người từng trú ngụ nhà mình. Bởi ngoài ông Định (quê Duy Xuyên) và ông Nguyễn Thức (quê ở Quế Sơn) “đóng đô” mấy chục năm nay thì những người khác từ khắp mọi miền đất nước tìm đến đất Hội An mưu sinh rồi xin ở nhờ được đôi ba năm lại khăn gói về quê. Cái chõng tre trước nhà là chỗ ăn ngủ của ông Thức. Ông Thức ngày mới về đây từng bị xơ gan, tay chân phù nề, bụng trướng to, lại thêm chứng bệnh thấp khớp khiến ông cả ngày chỉ ngồi thừ một chỗ, không tự chủ được cả chuyện ăn uống, vệ sinh. Trước khi vào sống với gia đình này, ông Thức sống lang thang. Khi về đây nương tựa, ông Thức rất yếu, nhiều lúc tưởng không qua được. Sau một thời gian được vợ chồng ông Hồng chăm sóc, cho uống thuốc nam, ông Thức đã khá lên trông thấy.
Ông Hồng bảo, giúp người cũng có cái duyên. “Trong một lần ra chợ bán quạt, tôi vô tình gặp chú Định, hỏi han đôi ba câu thì mới hay chú không nơi nương tựa, thế là hai vợ chồng quyết định cho chú về ở chung”, ông Hồng nhớ lại. Từ đó tiếng lành lan truyền, vậy là không ít người khuyết tật hành nghề bán dạo ở Hội An đã tìm đến “địa chỉ từ thiện” và hai vợ chồng có tấm lòng thơm thảo này luôn sẵn sàng mở cửa chào đón họ như người thân trong nhà. “Tôi được hai bác lo cho miếng ăn, chỗ ở ngót 20 năm rồi. Ơn đức của họ thật tình tôi không tài nào đền đáp hết. Không chỉ tôi mà còn nhiều người khuyết tật khác xem đây là ngôi nhà thứ 2 của mình và có thể về tá túc bất cứ lúc nào!”, ông Định xúc động.
Ông Nguyễn Văn Đại, hàng xóm với đôi vợ chồng giàu lòng nhân ái này cho biết: " Chuyện vợ chồng ông bà ấy cưu mang những người bất hạnh thì ở đây ai cũng biết cả. Vợ chồng ông Thành, bà Thịnh quả là hiếm gặp, ông bà ấy là những người mẫu mực, có tấm lòng nhân ái với mọi người. Chúng tôi luôn coi ông bà ấy là tấm gương sáng để học tập noi theo!”. Từ những việc làm giản dị nhưng rất giàu tình thương, nhân ái của ông bà khiến cho vùng quê nghèo như được “thơm lây” mỗi khi có ai đó nhắc đến đôi vợ chồng đặc biệt này. Những việc họ làm khiến nhiều người ban đầu cứ thấy “không bình thường”, lâu dần mà cảm phục tấm lòng bao dung đến mức khó tưởng tượng. Sự “khác người” của ông bà không chỉ ở đó, mà còn là sự cưu mang những phận đời cơ nhỡ, đói khổ, không nơi nương tựa, mặc dù gia đình mình cũng chẳng khá hơn họ là bao.
Được người dân kể cho nghe những câu chuyện "khó tin nhưng có thật" từ các việc làm của ông bà, tôi đã nghĩ: Cuộc sống, không có điều gì là không thể. Và điều mà chúng tôi nhận thấy sau tất cả những hành động “không giống ai” của đôi vợ chồng nghèo đó chính là “tiếng nói chung” trong cái tâm của cả hai người. “Thuận vợ, thuận chồng” đã giúp họ làm nên được nhiều điều kỳ diệu cứ ngỡ không có trong cuộc đời. Chúng tôi thầm nghĩ, biết đâu ngày mai khi nắng lên, ngôi nhà nghèo khó này lại rước về thêm một người cơ nhỡ nào đó. Mặc dù bây giờ, khó khăn vẫn chồng chất, nhưng đôi vợ chồng mù vẫn luôn sẵn sàng đón nhận thêm những mảnh đời bất hạnh. Với họ, chỉ một điều đơn giản: “Sống là để cho đi”.