Trở về từ chiến trường, thương binh Thái Khắc Hoàng (TP. Vinh, Nghệ An) lại đồng hành với nhiều số phận kém may mắn trong vai trò là Chủ tịch Hội người khuyết tật TP. Vinh.
Thầy Thái Khắc Hoàng (Tp Vinh, Nghệ An) - tấm gương sáng trong thời chiến cũng như thời bình, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Năm 1960, khi vừa tròn 20 tuổi, người thanh niên trẻ Thái Khắc Hoàng đáp lại lời kêu gọi của đất nước, lên đường nhập ngũ để bảo vệ quê hương trước sự đánh phá của đế quốc Mỹ.
Sau mấy tháng huấn luyện, Thái Khắc Hoàng được điều động vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 138, Trung đoàn phòng không 280 đóng tại Núi Quyết, trực tiếp bảo vệ TP. Vinh.
Trong ký ức xa xôi của người lính phòng không này, trận đánh trưa ngày 5/8/1964 vẫn như còn chưa kết thúc. Khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát với 3 vết thương vẫn chỉ huy các chiến sĩ chiến đấu, tiếng hô “bắn” át cả tiếng bom, những đợt bom rải thảm, những đồng đội liên tiếp ngã xuống,….
Khi máy bay giặc rút đi, cả khẩu đội có 7 người chỉ còn 2 người còn sống. Riêng ông Hoàng thì mất 1 đốt ngón tay và bị 3 vết cắt ở cánh tay phải.
Đến năm 1968, để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công Mậu Thân, ông Hoàng được lệnh đi B. Ông được biên chế vào đoàn 559 Trường Sơn, đóng quân tại A- Tô-Pư. Tại chiến trường mới này, ông và đồng đội đã trải qua nhiều trận đánh ác liệt, trực tiếp viết nên trang sử hào hùng cho bộ đội Trường Sơn.
Đến tháng năm 1972, trong một trận đánh bảo vệ ngầm Sesu, trận địa pháo cao xạ của đơn vị ông bị trúng rocket thiệt hại nặng nề. Nhiều đồng đội của ông bị hy sinh, riêng ông bị mất cánh tay trái và nhiều vết thương khác trên cơ thể.
Vết thương quá nặng buộc ông phải ra quân với mức giám định thương tật hạng 2/4, và được nhà nước nuôi dưỡng tại Trại điều dưỡng Thương binh số 1 (huyện Yên Thành, Nghệ An).
Tưởng chừng ông sẽ yên ổn với sự nuôi dưỡng của nhà nước. Thế nhưng, “chất lính” trong ông luôn thúc đẩy ông tìm cách để “tàn nhưng không phế”.
Thầy Hoàng cùng với những người khuyết tật
Vốn sinh ra từ mảnh đất hiếu học, thời gian dưỡng thương cũng là lúc ông ôn luyện lại kiến thức phổ thông để làm bàn đạp cho những kỳ vọng sau này.
Năm 1973, ông cùng 17 thương binh Nghệ An ra Hà Nội dự thi đại học. Kết quả có mười hai người đậu đại học và ông là một trong năm người có điểm thi cao nhất.
Sau 4 năm học đại học sư phạm, ông trở về làm thầy giáo dạy văn ở trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng (TP. Vinh, Nghệ An). Chắc hẳn, nhiều thế hệ học sinh của “trường Huỳnh” vẫn không thể quên được hình ảnh người thầy với ống tay áo bạc màu, lủng lẳng lên lớp đều đặn để truyền lại con chữ cho học trò.
Năm 2000, thầy Hoàng về nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia vào các hội khuyến học và hội chữ thập đỏ địa phương, làm cầu nối giúp các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Tưởng chừng như sau 10 năm chiến trường, 25 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, thầy Thái Khắc Hoàng có thể yên tâm làm công việc nhàn rỗi nhưng có ích cho xã hội. Nhưng một lần nữa chất lính “Cụ Hồ” lại thôi thúc thầy Hoàng thành lập Hội người khuyết tật TP. Vinh.
Hội người khuyết tật TP. Vinh là tập hợp những người có số phận và cơ thể kém may mắn, mà phần lớn là những thương binh hoặc thế hệ sau của người lính bước ra từ cuộc chiến tranh trường kỳ.
Cơ sở may thời trang Lưu Ngọc Hà (phường Vinh Tân, TP. Vinh) là một trong chín hiệu may của người khuyết tật trong thành phố. Chủ hiệu may và bốn thợ tại đây đều là thành viên của hội. Từ những bộ quần áo thời trang được trao cho khách, như minh chứng cho sự tự tin của những người thợ kém may mắn nay. Họ đã hoàn toàn vượt lên trên số phận kém may mắn của mình, vững bước trên con đường hòa nhập.
Đó là những gì mà người Chủ tịch hội Thái Khắc Hoàng luôn tâm niệm phải truyền được cho các hội viên của mình: “Chất lính” cụ Hồ luôn tự tin vững bước vào cuộc sống.