Theo ước tính, trên thế giới có khoảng 100 triệu người tự kỷ ở các phổ khác nhau, tại Việt Nam có trên dưới 1 triệu người. Số người tự kỷ có xu hướng tăng cao. Tuy nhiên, có tới 80-90% người tự kỷ trong độ tuổi lao động không thể tìm được việc làm. Thực tế, vẫn có rất nhiều người tự kỷ có điểm mạnh về khả năng quan sát, năng khiếu nghệ thuật và sự tập trung cao độ. Việc hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho người tự kỷ không chỉ mang ý nghĩa nhân văn, giúp người tự kỷ có được cuộc sống, công việc trọn vẹn mà còn góp phần không nhỏ giải quyết gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Nhu cầu hướng nghiệp, học nghề của người tự kỷ
Mỗi khi nói đến tự kỷ, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng điều đó chỉ xảy ra ở trẻ em. Thực tế nó tồn tại ở nhiều lứa tuổi khác nhau, thậm chí tồn tại suốt đời. Trẻ tự kỷ thường chậm phát triển, giảm khả năng ngôn ngữ giao tiếp, bất thường về hành vi và cảm xúc, rối loạn cảm giác khác nhau. Chỉ khoảng 20% trẻ tự kỷ có thể giao tiếp được và học được nhưng vẫn gặp khó khăn trong quan hệ xã hội. 80% còn lại tiếp tục trưởng thành và trở thành người lớn mắc tự kỷ.
Tự kỷ có thể vừa được xem là thế mạnh cũng vừa là điểm yếu của cá nhân. Thực tế đã chứng minh, người tự kỷ có một số kỹ năng phù hợp với một số vị trí công việc nhất định, có khả năng hoàn thành công việc tốt và chất lượng cao. Nhiều người bị tự kỷ có những thế mạnh đáng chú ý, thậm chí vượt trội. Ví dụ người tự kỷ có khả năng tập trung rất tốt vào các chi tiết, phù hợp với công việc mang tính tuần tự, có công thức thực hiện rõ ràng và không yêu cầu cao về thời gian hoàn thành. Một đặc điểm khác, người tự kỷ rất đúng giờ và đáng tin cậy. Nhiều người có khả năng nổi bật trong các lĩnh vực âm nhạc, toán học, công nghệ, nghệ thuật và kỹ sư – mặc dù số người thực sự sở hữu bộ não “bác học” khá hiếm. Các chuyên gia nghiên cứu đều cho rằng, người tự kỷ thường thành thật và đáng tin, một phần do họ gặp khó khăn trong việc nhận ra và sử dụng lối nói mỉa mai, tâng bốc hay dối trá.
Thanh thiếu niên tự kỷ cũng có nhu cầu được hướng nghiệp, dạy nghề (ảnh minh họa)
Tuỳ theo năng khiếu của từng người tự kỷ trưởng thành, nhiều người tự kỷ vẫn có thể làm được các công việc phù hợp. Với những người tự kỷ có khả năng tư duy phân tích thực tế hoàn toàn có thể làm được các công việc như thiết kế (đồ hoạ, web..), thủ công, mỹ nghệ, làm bánh, chăm sóc thú cưng. Với những người có năng khiếu có thể tập trung làm nhiếp ảnh, hội hoạ, âm nhạc. Có một số trẻ tự kỷ có năng khiếu về nhiếp ảnh và hội họa nên được gia đình hướng nghiệp rất sớm và đạt được một số thành tựu nhất định. Với các bạn tự kỷ không ngôn ngữ, các bạn vẫn hoàn toàn có thể làm các công việc trong các nhà kho, cửa hàng hoặc các xưởng lắp ráp đồ chơi thủ công…
Dù có khả năng lao động, thậm chí có thể làm tốt một số công việc như vậy, nhưng hiện nay, người tự kỷ vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc học nghề, tìm kiếm việc làm. Nơi nào sẽ đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề cho người tự kỷ? Nơi nào tuyển dụng người tự kỷ?... vẫn là những câu hỏi hiếm lắm mới có lời giải đáp. Có chăng một số cơ sở nuôi dạy trẻ tự kỷ đã tự nghiên cứu, thử nghiệm một số chương trình hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ lớn. Một số dự án cộng đồng đang góp sức mình vào sứ mệnh định hướng nghề nghiệp cho trẻ tự kỷ. Điều này đặt ra vấn đề cần phải có một sự quan tâm đúng mức từ nhà nước, từ xã hội đối với người tự kỷ.
VAPs và dự án việc làm giúp thay đổi cách nhìn về người tự kỷ
Với kỳ vọng người tự kỷ cũng được lao động, được cống hiến và ghi nhận trong cuộc sống, dự án VAPs (Dự án mô hình kinh tế cho người tự kỷ tại Việt Nam) ra đời. Đây được coi là hoạt động tiên phong trong vấn đề đào tạo và huấn luyện người tự kỷ có việc làm đem đến thu nhập ổn định.
Theo ông Nguyễn Đức Trung - Tổng giám đốc VAPs, hiện ở Việt Nam chưa có chương trình giáo dục riêng, thiếu giáo viên có kỹ năng chuyên biệt và thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để phục vụ quá trình giáo dục - đào tạo kỹ năng cho người tự kỷ. Yếu tố đắt giá nhất đối với dự án VAPs là con người, bao gồm người hướng dẫn có kiến thức bài bản, thấu hiểu thế giới của người tự kỷ và cả sự đồng hành cùng gia đình của người tự kỷ. Ngoài việc thấu hiểu, họ - những người dẫn dắt phải có được sự an nhiên về vật chất, tinh thần, để trở thành đồng nghiệp của những người tự kỷ.
Dự án VAPs là chiến lược đòi hỏi sự dài hơi, và thực sự khó khăn, nhưng ông Trung và cộng sự đã tìm được sự an nhiên để quyết tâm thực hiện dự án, xây dựng mô hình lao động chuyên nghiệp cho người tự kỷ ở Việt Nam.
Học sinh tự kỷ học làm bánh tại Trung tâm Sao Mai
Hiện tại, VAPs đang thực hiện một số dự án bao gồm nhà hàng, thư viện và chương trình đào tạo việc làm trong lĩnh vực IT. Thời gian qua, mô hình nhà hàng pizza nơi người tự kỷ thực hiện tất cả các công việc từ đầu đến cuối đang chứng tỏ hiệu quả tốt. Tại đây, mỗi người tự kỷ có thể hoàn thiện các công đoạn của mình như người nướng bánh, người phục vụ, người đón tiễn khách, người dọn dẹp vệ sinh khá thuần thục, mang phong cách chuyên nghiệp. Năm 2020, VAPs dự định mở rộng thêm một số mô hình hoạt động dành cho người tự kỷ, trong đó có cửa hàng bán đồ văn phòng phẩm, siêu thị… Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và hợp tác trong và ngoài nước để các mô hình kinh tế hoạt động mang lại hiệu quả tốt và mở rộng hơn nữa.
Phong Châu