Bệnh tật đã cướp đi của Lại Văn Điệp (xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) khả năng đi đứng bình thường khi 10 tháng tuổi. Nhưng tật nguyền cũng chính là động lực để anh vươn lên làm chủ số phận, trở thành Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật với doanh thu hàng tỉ đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho nhiều người đồng cảnh khác.
Tật nguyền không ngăn được ý chí
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xã Vũ Ninh (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Lại Văn Điệp chào đời khỏe mạnh và như những đứa trẻ bình thường khác. Khi được 9 tháng tuổi, sau một trận sốt cao, rồi biến chứng, bị liệt nửa người, đôi chân hoàn toàn không cử động được. Gần 3 năm trời, cha mẹ đưa Điệp đi chạy chữa khắp nơi. Nhưng đi đến đâu, bác sĩ cũng lắc đầu, bó tay.
Đến năm 4 tuổi, Điệp mới có thể ngồi dậy, nhưng bị teo cơ chân tay. May mắn là tay phải vẫn khỏe mạnh bình thường, chân trái bị teo nhưng vẫn cử động được. Năm lên 6 tuổi, Điệp tập đi trên đôi nạng gỗ tự tay bố đẽo đục. Năm 11 tuổi, Điệp bắt đầu đi vững, thấy các bạn cùng trang lứa được đi học, được vui chơi, anh cũng xin bố mẹ cho đi học lớp 1. Trong những bước đi xiêu vẹo ấy, ngày ngày, Điệp vẫn cắp sách đến trường. Lên cấp III, vì điều kiện sức khỏe yếu, trường lại xa nhà, nên Điệp đành phải nghỉ học giữa chừng.
Nghỉ học, Điệp nung nấu ý nghĩ, phải học được cái nghề nào đó, để ít nhất cũng có thể tự nuôi sống bản thân. “Vì rất thích nghệ thuật, nên tôi đã chọn nghề gỗ mỹ nghệ để theo học. Tôi xin học nghề một thầy tại một xưởng ở trong xã. Lúc đầu, thầy không đồng ý, vì làm nghề này người khỏe mạnh đã khó, huống hồ người khuyết tật. Thuyết phục mãi, tôi bảo cho làm thử, nếu được thì thầy nhận cũng không muộn. Thầy đồng ý cho tôi làm thử, rồi thấy tôi cần cù, tỉ mỉ nên đã nhận tôi làm học trò. Người bình thường chỉ học 6 tháng, còn tôi phải học ròng rã một năm trời, học cả ngày lẫn đêm. “Tôi học đến độ các bạn đã ra nghề, kiếm tiền, tôi vẫn xin học tiếp. Tôi tự nhủ, mình là người khuyết tật nên phải cố gắng gấp đôi người bình thường” - Điệp tâm sự.
Thành nghề Lại Văn Điệp tiếp tục xin ở lại làm trong xưởng của thầy mình thêm 3 năm với thu nhập khoảng 300.000 đồng/tháng. Nhưng để tiến được xa hơn trong lĩnh vực đồ mỹ nghệ, anh muốn đi nhiều nơi khác, học thêm cách làm những sản phẩm khác, đi sâu vào những tinh túy của nghề mộc mỹ nghệ truyền thống. Lại Văn Điệp đã đặt những bước chân tập tễnh của mình qua nhiều làng nghề mộc có tiếng từ làng La Xuyên, Ý Yên, Nam Định để học làm đồ thờ, đến Từ Sơn, Bắc Ninh để học làm ghế tràng kỷ, rồi học sản xuất cả đồ thờ lẫn ghế tràng kỷ tại Lê Chân, Hải Phòng.
Làm ông chủ nhưng không quên những người đồng cảnh
Năm 2002, Điệp quyết định mở xưởng sản xuất đồ gỗ ngay tại nhà. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng: không vốn, không máy móc thiết bị, không khách hàng..., bao khó khăn đè nặng lên đôi vai chàng trai khuyết tật. Ước mơ mở xưởng để làm nghề và giúp những người khuyết tật khác thôi thúc anh chạy khắp nơi, vay mượn được số tiền nhỏ và mua sắm một số máy móc, thiết bị cần thiết. Điệp chạy đến các cơ sở chạm khắc lớn, xin nhận lại đơn hàng của họ với cam kết “không đảm bảo chất lượng không lấy tiền”.
Sau giai đoạn đầu khó khăn, dần dần anh đã có những khách hàng riêng của mình. Khi khách hàng tìm đến ngày càng đông hơn cũng là lúc các sản phẩm đồ thờ, đồ gỗ mỹ nghệ do bàn tay anh làm ra đã tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Đến năm 2006, khi có được 40 triệu đồng, anh Điệp mua một mảnh đất cạnh nhà để mở rộng xưởng mộc lên và mở lớp dạy nghề cho 7 người, trong đó có 4 người khuyết tật. Sau khi thành nghề, số học viên này được anh nhận làm thợ chính thức trong cơ sở. Bốn năm sau, anh lại mạnh dạn vay thêm vốn mở rộng xưởng, đầu tư máy móc, thiết bị chuyên dùng và đào tạo thêm 12 thợ, đưa tổng số lao động lên 19 người (trong đó 11 trường hợp là người khuyết tật), tạo việc làm với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng.. Sản phẩm của Công ty không chỉ được tiêu thụ ở Thái Bình mà còn vươn ra các tỉnh thành lân cận như Nam Định, Hải Phòng, đưa vào TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ… Doanh thu của xưởng lúc này đạt khoảng 1,8 tỷ đồng/năm.
Năm 2011, Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật do anh đứng tên được thành lập. Với 18 lao động trong đó có 11 người khuyết tật, Công ty tập trung sản xuất đồ thờ, ghế đi - văng quy mô lớn và khép kín (tự mua gỗ, tự sản xuất, tự tiêu thụ sản phẩm), doanh thu đạt trung bình 2 tỷ/năm. Đến nay, công ty của anh hiện có trên 30 lao động thường xuyên với mức thu nhập trên 7 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ, trong đó, phần lớn lao động là người khuyết tật được anh Điệp tiếp nhận và dạy nghề.
Bên cạnh đó, Điệp còn rất tích cực tham gia công tác xã hội, thường xuyên kết hợp với các tổ chức, cá nhân trao hàng trăm suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vào dịp lễ, Tết. Mỗi năm, anh trao tặng trên 30 chiếc xe lăn cho người khuyết tật, giúp hàng chục hội viên vay vốn khởi nghiệp…
Đúc kết lại những gì mình đã trải qua, đã làm được, Điệp cho biết: “Đó là một quãng đường dài với không ít khó khăn, vất vả. Nhưng trong tôi lúc nào cũng có niềm tin, nếu mình nỗ lực hết sức, thành công sẽ đến cho dù muộn hơn mọi người”.