Đã có những giọt nước mắt, nụ cười hạnh phúc trong đám cưới “giấc mơ có thật” của 65 cặp cô dâu, chú rể khuyết tật...

Đó là những trái tim đồng cảm tự nguyện đến với nhau khi họ cảm nhận “chỉ có sự chia sẻ chân thành mới chạm tới xúc cảm chân thành”.

Phía sau mỗi bức ảnh của mỗi đôi là một câu chuyện ấm áp, đầy cảm động về những con người với nghị lực phi thường. Tình yêu mãnh liệt của họ… đã thực sự chạm tới trái tim người không khuyết tật.

Nghị lực của phóng viên khuyết tật

Mặc chiếc váy cưới trắng tinh khôi, chị Nguyễn Hồng Hạnh (37 tuổi, Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) cùng chồng, mẹ và 2 con trai hòa chung không khí hạnh phúc trong ngày cưới của 65 cặp cùng hoàn cảnh. Lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên đôi má hồng, chị Hạnh chia sẻ: 4 tháng tuổi, di chứng của bệnh bại liệt đã khiến chị sống trong tình trạng tay co quắp, chân lết từng bước…

Trải qua những năm tháng gian nan, cùng nghị lực phi thường, chị Hạnh nỗ lực vượt qua những khiếm khuyết của mình, cố gắng học bằng bạn bằng bè… Giờ đây, chị đã thực sự trưởng thành và tự tin là phóng viên của một tờ báo nổi tiếng.

Nụ cười hạnh phúc trong đám cưới ''giấc mơ có thật'' của 65 cặp cô dâu, chú rể khuyết tật.


Còn chồng chị là anh Nguyễn Trọng Bằng (40 tuổi, Thường Tín, Hà Nội) làm nghề tự do, anh luôn thấu hiểu và chia sẻ với vợ mình. “Vợ chồng tôi biết nhau qua giao lưu bạn bè. Ngay từ lần đầu tiên gặp Hạnh, tôi đã cảm nhận được ý chí và nghị lực của vợ mình.

Khi yêu, tôi luôn đặt mình vào hoàn cảnh và thế giới của những người khuyết tật và thấy cảm thông, chia sẻ hơn. Người bình thường làm một công việc gì có khi chỉ mất một, hai lần thì với những người khuyết tật phải làm tới 10 lần và hơn nhiều nữa...

Hạnh là một người vợ lại bị khuyết tật nhưng không hề thua kém gì về vị trí, công việc và cả làm kinh tế. Xã hội bây giờ nam nữ bình quyền và gia đình tôi cũng vậy, cả hai đều rất bình đẳng” - anh Bằng chia sẻ.

Cho đến bây giờ, anh Bằng, chị Hạnh vẫn không thể quên những ngày cơ cực nhất mà cũng hạnh phúc nhất cuộc đời của mình. Đó là cái ngày anh chị đến với nhau và sinh con trai đầu lòng bị sự ngăn cấm từ phía gia đình nhà chồng.

Trải qua những sóng gió trong cuộc sống gia đình, chị Hạnh đã minh chứng cho bố mẹ chồng cũng như cộng đồng thấy, người khuyết tật vẫn sống tốt, làm tốt công tác xã hội, sinh ra những đứa con hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh.

Vượt hơn 300km để được mặc váy cưới

Dù chưa bao giờ nhìn thấy nhau vì bị khiếm thị bẩm sinh, nhưng anh Lường Văn Quý (40 tuổi, trú tại Hà Giang) và chị Hoàng Thị Luyến (36 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) đến với nhau qua mỗi câu chuyện và nảy sinh tình yêu. Anh Quý chia sẻ, từ nhỏ hai mắt anh đã không thể nhìn thấy gì. Còn chị Luyến, vợ anh ảnh hưởng chất độc da cam từ người thân nên cùng chung số phận như anh.

Chia sẻ về đám cưới đáng nhớ, chị Luyến cho biết, dù lấy nhau đã lâu và có hai người con trai nhưng cuộc sống khó khăn, anh chị chưa có dịp để làm đám cưới. Nghe tin được tổ chức đám cưới, vợ chồng anh chị mừng và hạnh phúc lắm! Do nhà cách Hà Nội hơn 300km nên anh chị cùng các con và người thân đã xuống Hà Nội từ đêm trước.

Đặc biệt, với cô dâu Luyến, chưa bao giờ chị được khoác lên mình bộ váy cô dâu. “Giờ được diện chiếc váy cưới đẹp nhất của đời người con gái, tôi thấy hãnh diện vô cùng. Thực sự đây là một đám cưới đầy màu nhiệm với tôi” - chị Luyến xúc động nói.

Vẹn tròn hạnh phúc

Nhưng có lẽ, thu hút nhiều “view” cảm xúc hơn cả trong cộng đồng vẫn là cặp anh Trần Văn Tưởng (32 tuổi, Thường Tín, Hà Nội) và chị An Thị Kim Tiền (29 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) bởi sự chênh lệch về hình dáng của “chàng và nàng”. Sinh ra kém may mắn hơn người khác, mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh, nên giờ đây, dù đã 32 tuổi, nhưng anh Tưởng mãi trong hình hài một đứa trẻ, với chiều cao khiêm tốn - 1 mét và nặng 28kg.

Căn bệnh quái ác đã khiến cuộc sống của anh gặp nhiều khó khăn, vất vả, bị đảo lộn. Lớn lên, anh được vào làm trung tâm dạy nghề ở quê, tại đây, anh gặp và đem lòng yêu mến chị Tiền. Còn với chị Tiền, từ nhỏ, đôi chân đã không lành lặn, một bên chân của chị khuyết tật, đi lại rất khó khăn. Hiểu và thông cảm hoàn cảnh của nhau, cả hai đã về chung một nhà, vun vén tổ ấm cho mình.

Hơn 10 năm về chung một nhà, cả hai đã gặp và trải qua biết bao khó khăn vất vả. Cho đến nay, tài sản lớn nhất và cũng là niềm động viên, an ủi lớn nhất của anh chị là hai người con xinh xắn, kháu khỉnh và đáng yêu. Cũng từng ấy thời gian về với nhau, chưa bao giờ anh chị nghĩ đến việc sẽ được mang váy cưới, chụp ảnh cưới và tổ chức được một đám cưới như bao người khác.

Chứng kiến hạnh phúc giản dị của những đôi khuyết tật tại đám cưới tập thể “Giấc mơ có thật”, nhiều người khâm phục ý chí, nghị lực vươn lên của họ. Không chỉ yêu thương, đồng cảm, sẻ chia, họ còn dũng cảm vượt qua khó khăn, cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc để kết nối yêu thương, vẹn tròn hạnh phúc lứa đôi.

Tin liên quan