Tôi bị dị tật bẩm sinh, mất hai chân và gần như trọn tay phải. Vì vậy, nhiều người vẫn gọi tôi là Lợi "cụt". Tôi thích cách gọi này bởi nó nghe rất gần gũi.

Bơi lội đã giúp Hồng Lợi thành người có ích - Ảnh: NVCC


Cộng đồng thể thao khuyết tật TP.HCM không ai lại không biết đến cái tên Nguyễn Hồng Lợi hay Lợi 'cụt'. Không chỉ mạnh mẽ trên đường đua xanh, anh còn là một người tháo vát, đa tài trong cuộc sống.

Tôi không thấy mặc cảm gì vì từ bé vẫn được mẹ ẵm đi bán vé số, có lẽ nhờ vậy mà tôi quen với chuyện mọi người nhìn mình. Năm 4 tuổi, tôi được gửi vào làng trẻ em khuyết tật Hòa Bình. Đây là mái nhà thứ hai của tôi. Tại đây tôi được học tập văn hóa, vui chơi, học nghề...


Nhưng hồi ấy, cơ thể tôi vẫn khá ốm yếu. Rất nhiều việc tôi không thể làm được vì thiếu sức khỏe, vì vậy tôi quyết định tập thể thao. Tôi muốn học bơi lội vì từ nhỏ tôi rất thích đùa giỡn với nước. Năm 16 tuổi, tôi đi xe đến hồ bơi Lam Sơn và xin đăng ký học bơi. Người tiếp tôi là HLV Nguyễn Huệ.

Ấn tượng đầu tiên của tôi là thầy rất cao to và tôi hơi e ngại không biết thầy có nhận mình hay không với một cơ thể khiếm khuyết như thế này.

Nhưng trái với sự rụt rè của tôi, thầy vui vẻ nhận và tin rằng tôi sẽ bơi được. Thầy chỉ nói một câu: "Thầy chỉ cần con siêng năng, cố gắng luyện tập là con sẽ bơi được". Thế là từ đó tôi biết bơi.

Tôi học bơi rất nhanh do đây đúng là sở trường của tôi. Cánh tay duy nhất của tôi ngày càng có cơ bắp, thân hình cũng nảy nở, phần chân và tay cụt chịu lực tốt hơn. Thế rồi tôi trở thành một VĐV bơi lội và được chọn vào đội tuyển bơi khuyết tật VN.

Cuộc đời tôi sang trang từ đó. Nhờ thể thao mà tôi có được sức khỏe và sự tự tin. Tôi đã đạt nhiều thành tích trong nước và 1 HCĐ ASEAN Para Games.

Hồng Lợi cõng một em nhỏ của làng Hòa Bình đi học - Ảnh: NVCC


Khoản tiền thưởng đầu tiên mà tôi nhận được, tôi đưa phần lớn cho mẹ để phụ giúp gia đình. Rồi tôi đi dạy bơi cho các em khuyết tật lẫn người bình thường.

Nhờ một cơ duyên, tôi được làm quen với nhà thiết kế Sỹ Hoàng. Từ đó tôi được thầy Sỹ Hoàng dạy nghề vẽ áo dài và trở thành con đường lập nghiệp của tôi.



Sau khi học nghề thành thạo, tôi cùng một người bạn cũng là nhà thiết kế bắt tay mở tiệm may áo dài Le Gecko. Mới mở nên còn ít mối, nhưng dần dà tôi đầu tư nhiều thời gian hơn và mong rằng tiệm sẽ được nhiều người biết đến. Đó sẽ là nghề để tôi sinh sống sau này.

Có công việc ổn định nhưng hiện nay tôi vẫn đang sống trong làng Hòa Bình - nơi mà tôi xem là ngôi nhà thứ hai bởi ở đây tôi đã đón nhận tình yêu thương của bệnh viện, các cô chú bác sĩ.

Rồi sẽ đến một ngày tôi rời khỏi đây để lo cho gia đình riêng của mình, nhưng lúc này nơi đó vẫn là đại gia đình của tôi, là nơi mà tôi cần trả nghĩa.

Hồng Lợi vẽ áo dài - Ảnh: NVCC


Ngày xưa, tôi từng được các thầy cô, các anh chị lớn dạy nhiều điều bổ ích tại đây. Do đó, tôi đang trả ơn bằng cách hằng ngày đưa đón các em trong làng đi học, dạy bơi cho các em, nói chuyện để chia sẻ và truyền lửa cho các em.

Trong số các em khuyết tật ở làng Hòa Bình từng được tôi dạy có Đặng Minh Bằng là xuất sắc hơn cả và cũng trở thành một VĐV khuyết tật như tôi.

Ngoài bơi lội, tôi có thể làm mọi việc trong làng, chỉ cần có sức khỏe, cố gắng và nhiệt tâm là được.

Thể thao là thứ đã giúp tôi trở nên như vậy. Vốn là người lạc quan, ít mặc cảm, tuy không buồn vì thân thể khiếm khuyết của mình, nhưng trước đây, tôi vẫn thường trăn trở, làm cách nào để mình thành người sống có ích đây?

Tôi không muốn đóng vai người được thương hại, được giúp đỡ mãi. Và để là người có ích cho đời, tôi phải có sức khỏe, phải tập luyện không ngừng.

Cộng đồng thể thao khuyết tật TP.HCM không ai lại không biết đến cái tên Nguyễn Hồng Lợi hay Lợi "cụt". Không chỉ mạnh mẽ trên đường đua xanh, anh còn là một người tháo vát, đa tài trong cuộc sống.

Tin liên quan