Giảng đường đại học trôi xa dần với chàng trai mồ côi dù đã nhận giấy báo trúng tuyển
Thời hạn nhập học đã trôi qua vài ngày, cầm giấy báo trúng tuyển trên tay mà chàng trai mồ côi Phùng Xuân Hoàng rưng rưng nước mắt khi con đường đến giảng đường đại học ngày một trôi xa vì hoàn cảnh gia đình...không tiền.
Tiếp nhận thông tin về trường hợp của em Phùng Xuân Hoàng (SN 2001, ở thôn An Du Nam 3, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), dù trúng tuyển đại học nhưng không có kinh phí nhập trường, chúng tôi lập tức vượt hàng chục cây số để gặp em, với mong muốn tìm cho em một cơ hội bước chân vào giảng đường đại học.
Dẫn chúng tôi về nhà riêng, Hoàng nghẹn ngào nói rằng, hiện ngôi nhà chỉ có mình em ở. Chị gái em đang đi làm công nhân ở tận Đồng Nai, đến cuối năm mới về.
Căn nhà từng là mái ấm hạnh phúc của cả gia đình Hoàng, nhưng từ ngày cha, mẹ em mất cũng trở nên lạnh lẽo đến lạ thường. Mỗi ngày, thấy bóng dáng của cậu học trò nhỏ đi về sớm khuya một mình, bà con lối xóm ai cũng xót xa.
Mỗi khi nhắc đến cha, mẹ của mình, Hoàng đều rơi nước mắt, nghẹn ngào không nói nên lời. Bảy năm trước, mẹ em đột ngột qua đời vì căn bệnh ung thư. Ba năm sau, chị em Hoàng cũng đón nhận nỗi đau đớn tột cùng khi cha em cũng bị bệnh tai biến rồi cũng theo mẹ về với “miền đất lạnh”. Dẫu còn nhỏ, đang tuổi cắp sách đến trường nhưng hai chị em Hoàng sớm rơi vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Em Hoàng ngậm ngùi kể: “Sau hơn 1 năm điều trị tại các bệnh viện, mẹ em là Hoàng Thị Ái Nghĩa (SN 1970) đột ngột ra đi vì căn bệnh ung thư gan. Mẹ mất, cha rơi vào cảnh “gà trống nuôi con”, còn 2 chị em cũng lớn lên thiếu tình thương, sự chăm sóc ân cần của mẹ hiền.
Dù rất đau đớn nhưng cha cũng gượng dậy, đi làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình và chăm sóc cho hai chị em. Cũng vì thương cha một mình vất vả sớm hôm nuôi 2 người con, chị em là Phùng Thị Hương Giang (SN 1996) phải từ bỏ giấc mơ, rời cánh cổng trường đi làm công nhân. Cha em thì đi làm thợ xây ở quanh vùng để nuôi em đi học. Dẫu khó khăn nhưng 3 cha con vẫn cố gắng lao động, yêu thương nhau để sống”.
Thế nhưng, nỗi đau đớn, sự bất hạnh tột cùng vẫn chưa dừng lại. Hai chị em Hoàng tiếp tục mất đi người cha thân yêu, luôn chở che, bảo vệ con trước sóng gió cuộc đời. Chị em Hoàng bỗng suy sụp khi cả cha lẫn mẹ đều rời bỏ hai em ra đi.
Trong khi những đứa trẻ khác nhận được sự chăm sóc chở che của cha, mẹ, hai em sớm rơi vào cảnh mồ côi, bơ vơ. Cũng vì quá đau buồn nên Hoàng sa sút việc học, từ một cậu học sinh ngoan hiền, học khá giỏi giờ chỉ đạt kết quả trung bình.
Em Hoàng nói trong niềm xúc động nghẹn ngào: “Ngày mẹ em mất, những tưởng nỗi đau ấy là quá đủ với chúng em. Nhưng 4 năm sau, cha em là Phùng Linh (SN 1964), cũng đột ngột rời xa chúng em vì tai biến. Lúc ấy, hai chị em cũng không biết phải sống ra sao nữa.
Tại sao nỗi đắng cay, bất hạnh lại dồn xuống gia đình em bất ngờ đến thế? Lúc mẹ mất thì em mới vào lớp 6, còn khi cha mất em cũng mới chỉ vào lớp 10, chưa biết làm gì để sống. Hai chị em cũng chưa nhận thức được những khó khăn đang chờ mình ở phía trước”.
Khi không còn cha, mẹ ở bên, chị em Hoàng chỉ biết bấu víu vào những người thân. Nhờ sự cưu mang của chú, Hoàng được chú đưa về chăm sóc, ở với chú và người bà đã qua 70 tuổi. Em Hoàng được chú và bà nuôi dưỡng cho tiếp tục học phổ thông, còn chị em lại lên xe vào phía Nam làm công nhân.
Gạt đi nỗi đau và nước mắt, Hoàng tiếp tục cắp sách đến trường. “Hai chị em cũng tự động viên nhau cố gắng. Chị em ngoài việc đảm bảo cuộc sống cho cá nhân thì gom góp hỗ trợ thêm cho em học. Bản thân em được bà và chú chăm sóc nên cũng đỡ đi phần nào”, Hoàng tâm sự.
Hoàng nổi tiếng là cậu học trò chăm ngoan, hiền lành nên 9 năm học trung học em luôn đạt thành tích khá, giỏi. Những năm sau, do biến cố gia đình nên kết quả có phần sa sút. Nhưng, vượt qua hoàn cảnh, em luôn nỗ lực cố gắng trong học tập. Ngoài giờ học, em giúp chú làm việc, tối đến lại trở về căn nhà của mình để khói hương cho cha, mẹ.
Năm lớp 12 em đạt được thành tích khá để bước vào kỳ thi THPT Quốc gia với sự phấn chấn, quyết tâm, nỗ lực thay đổi cuộc sống trong tương lai.
Với khát khao cháy bỏng, tinh thần vượt khó trong học tập, Hoàng đã nộp nguyện vọng vào trường Đại học Luật Huế và trường Đại học Đà Lạt.
Khi có điểm thi, Hoàng đủ điều kiện vào tất cả các trường nói trên. Niềm vui trúng tuyển đại học khiến Hoàng vui mừng khôn xiết, vì em đã chạm đến một phần ước mơ là được bước chân vào trường Đại học.
Thế nhưng, ngày nhận được giấy báo trúng tuyển vào trường ĐH Đà Lạt, cũng là lúc Hoàng phải ngưng lại suy nghĩ. Không còn cha mẹ ở bên, không còn ai để nương tựa, trước mắt em là viễn cảnh đầy khó khăn.
Nghĩ đến sự éo le của chính mình, Hoàng chỉ biết ngậm khóc một mình. Bước qua tuổi 18, em phải đắn đo, lựa chọn con đường đi đến tương lai. Chị em là công nhân, nguồn thu nhập chưa đủ trang trải cuộc sống cá nhân.
Chính vì thế, với khoản hỗ trợ vài trăm ngàn đồng mỗi tháng chị giúp sẽ không đủ để lo sinh hoạt trong những tháng ngày đi học. Trong khi đó, chú em phải một mình nuôi bà và 2 đứa con nên không thể chu cấp nổi cho em học đại học.
Nghĩ đến điều ấy khiến Hoàng bất lực, chấp nhận tạm gác lại giấc mơ nhập học để đi làm. Dẫu vậy, niềm khát khao được bước chân vào giảng đường Đại học vẫn níu kéo suy nghĩ của Hoàng.
Thời hạn nhập học ghi trong giấy báo trúng tuyển đã trôi qua vài ngày, các bạn em cũng đã khăn gói nhập trường. Nhưng riêng Hoàng, em cầm trên tay giấy báo gọi học, nhìn vào mức học phí hơn 4,5 triệu đồng mà cay cay trên khóe mắt.
Em nhẩm tính, số tiền đóng học phí cho 4 năm học đại học có thể đến gần 50 triệu đồng, chưa kể các khoản đóng góp và phí sinh hoạt khác. Hoàng không dám làm hồ sơ để lên đường nhập học, bởi cha, mẹ em đều đã mất, Hoàng không có ai để nương tựa, chu cấp cho em đi học.
Gặp chúng tôi tại nhà của em, Hoàng bày tỏ nỗi niềm khát khao được đến giảng đường Đại học. Thắp nén nhang lên bàn thờ trong hai hàng nước mắt, Hoàng khẩn cầu cha, mẹ phù hộ cho em sức khoẻ, sự may mắn.
“Em rất muốn trở thành sinh viên, được đến trường như các bạn. Nhưng cha mẹ em đều đã mất, chị thì đang làm công nhân kiếm sống qua ngày, em không biết lấy gì trang trải kinh phí cho những năm học sắp tới. Em định vào Đà Nẵng xin vào các nhà hàng vừa làm vừa học”, em Hoàng xúc động.
Mang thân phận mồ côi, chị em đã từ bỏ ước mơ để đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nay, đến lượt em Hoàng cũng phải đắn đo, trăn trở, ngậm ngùi gác lại giấc mơ vào Đại học vì cuộc sống quá khó khăn.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
Em Phùng Xuân Hoàng (thôn An Du Nam 3, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).
Điện thoại: 0344.099.902