Bị liệt nặng sau cơn sốt bại liệt, Hậu vẫn cố tập luyện để có thể cử động một tay rồi đi học. Không được vào đại học, Hậu mày mò trên mạng, tự học để bước vào con đường kinh doanh, làm giàu...
Có kiến thức mới kiếm được tiền
Nguyễn Trung Hậu sinh năm 1985 tại huyện Củ Chi, TPHCM. Năm lên 5 tuổi, Hậu bị sốt rất nặng. Thời điểm ấy, Củ Chi còn là huyện nghèo cách rất xa trung tâm thành phố, nên khi Hậu được đưa đến bệnh viện cấp cứu thì cậu bé đã rơi vào trạng thái mê man, bất động toàn thân.
Sau gần một tháng điều trị, Hậu đã tỉnh lại nhưng di chứng là bị liệt từ đốt sống cổ xuống chân, 2 tay và cả 2 chân đều không còn cảm giác.
Rồi gia đình cũng không còn tiền để tiếp tục điều trị tại bệnh viện, Hậu được đưa về nhà. Suốt 3 năm trời, nhờ sự giúp đỡ tập luyện, xoa bóp của mẹ và bà nội, tay chân Hậu bắt đầu có cảm giác, cánh tay phải cử động được và cậu bé Hậu xin đi lớp 1 khi đã 8 tuổi.
Nhờ có bạn bè chung xóm và bà nội giúp đỡ, Hậu được đưa đón đến trường nên hoàn thành hết chương trình phổ thông. Nhưng khi lên đại học thì khác, mới nhập học ngành công nghệ thông tin được một tuần, Hậu phải thôi học.
Anh chia sẻ: "Mẹ gọi điện báo là gia đình không thu xếp được ai đi theo hỗ trợ tôi học. Mà việc đi lại, đến lớp với một người khuyết tật nặng như tôi rất khó khăn. Tôi đành gác lại việc học!".
Không muốn ăn bám cha mẹ, Hậu xin đi dạy kèm môn Văn và tiếng Anh để kiếm tiền. Nhưng sau một thời gian, nhận thấy sức khỏe yếu ớt, không dạy được nhiều nên thu nhập không đáng kể, Hậu càng nung nấu quyết tâm phải học một nghề nào đó hợp với mình hơn.
Anh tâm sự: "Tôi nghĩ phải có kiến thức mới kiếm được tiền. Không được đi học thì mình lên mạng đọc các tài liệu công nghệ thông tin, rồi học từ người bạn thân chuyên về máy tính. Sau một năm mày mò tự học, tôi đủ kiến thức để hành nghề sửa máy tính, cài windows dạo".
Nhờ công việc này, Hậu có thể tự nuôi sống bản thân và tích lũy được ít vốn. Rồi chàng trai khuyết tật mở tiệm sửa máy tính và mua bán linh kiện, thu nhập ngày càng cao hơn.
Dù có thu nhập ổn định nhưng Hậu chưa hài lòng. Với cái nghề sửa máy tính, anh nghĩ mình chỉ đủ sống chứ chưa thể khá hay giàu được.
Vậy là Hậu tìm tòi thêm các kiến thức khác ngoài máy tính, công nghệ thông tin. Anh tìm đến trung tâm Khuyết tật và phát triển để học thêm các kỹ năng mà anh nghĩ là mình còn thiếu.
Hậu kể: "Ở đây có chương trình nâng cao năng lực cho người khuyết tật. Tôi được đào tạo kỹ năng thuyết trình, lên kế hoạch, tư duy phản biện, đạo diễn sân khấu, hát thanh nhạc... Nó tạo nền tảng để tôi nhìn nhận lại mình, thấy mình còn có thể phát triển hơn nữa chứ không chỉ là một anh thợ sửa máy tính".
Tìm mọi cách vượt qua cơn bão Covid-19
Quyết tâm xây dựng sự nghiệp, vươn lên làm giàu, năm 2016, Hậu gom hết vốn liếng lên Đà Lạt tham gia kinh doanh cà phê cùng bạn.
3 năm ở đây, anh học được quy trình thu mua, chế biến cà phê, khả năng tiếp thị và các đầu mối phân phối mặt hàng này.
Khi có đủ kinh nghiệm, Hậu quyết định về lại Củ Chi để xây dựng một thương hiệu cà phê riêng cho mình.
"Đó là đầu năm 2019, quán cà phê đầu tiên tôi mở là Ngồi cafe ở gần nhà theo mô hình riêng do tôi thiết kế, chuyên bán cà phê do tôi tự rang xay và pha chế theo công thức của mình", Hậu cho biết.
Để phát triển mô hình của riêng mình, Hậu học nhiều công thức chế biến của nước ngoài. Anh đi Đức để trực tiếp tìm hiểu cách pha chế của nhiều quán khác nhau tại đây và các máy móc rang xay cà phê của họ.
Hậu kể: "Có những chiếc máy rang xay cà phê trị giá đến cả tỷ đồng mà mình khó đầu tư nổi. Tôi tìm hiểu quy trình, tìm kiếm các dòng máy tương tự nhưng giá rẻ hơn để đầu tư cho quán của mình".
Nhờ đầu tư bài bản và liên tục nghiên cứu đổi mới, Hậu "trúng lớn" trong hơn một năm đầu. Lượng khách đến quán rất đông dù giá không hề rẻ so với mặt bằng xung quanh.
Nhờ lợi nhuận cao, Hậu đầu tư lớn, tuyển dụng mấy chục nhân viên, thuê mặt bằng rộng cả ngàn m2 để mở quán thứ 2, mở xưởng rang xay, lập công ty phân phối các mặt hàng cà phê bột cho các đại lý, nhận điều hành các quán kinh doanh kém hiệu quả...
"Đùng cái cơn bão Covid-19 đến, kế hoạch đình trệ vì khó phân phối và các quán phải đóng cửa. Tôi cũng chới với một thời gian rồi mới lên phương án đổi mới để chiến đấu tới cùng", Hậu quyết tâm.
Những nhân sự có gánh nặng gia đình rời đi, còn hơn 10 người trẻ chưa có vướng bận kinh tế gia đình quyết tâm ở lại cùng Hậu. Họ chấp nhận mức lương chỉ đủ để duy trì cuộc sống cá nhân, cùng Hậu duy trì hoạt động của xưởng.
Hậu cùng các cộng sự lên phương án đưa các mặt hàng của mình lên sàn thương mại điện tử, kiếm các kênh phân phối online, bán cà phê ly giao tận nơi trong khu vực giới hạn.
Lúc rảnh rỗi, Hậu chỉ bảo nhân viên cách pha chế mới, học cách chế biến cà phê bột từ máy móc hiện đại với định hướng mỗi thành viên đều có thể điều hành một quán độc lập, khi dịch qua đi.
Hậu tự tin chia sẻ: Đến nay thì tình hình đã tạm ổn, doanh thu đủ duy trì xưởng hoạt động. Nhưng nói có lời trong năm 2021 là không thể, duy trì được là đã mừng. Hy vọng vào năm 2022, khi hết dịch mới nghĩ đến "đồng lời".
Theo dantri.com.vn