Hạnh phúc không ở đâu xa, hạnh phúc đến từ những điều giản dị do bản thân mỗi người tạo ra và cảm nhận. Nếu ánh sáng không đến từ đôi mắt, thì nó sẽ được thắp lên bằng ý chí, nghị lực, niềm tin, tình yêu thương vào những điều tốt đẹp. Phương châm sống ấy giúp nhiều cặp vợ chồng người khiếm thị vượt lên hoàn cảnh, nỗ lực xây dựng gia đình êm ấm, hạnh phúc. Và điều đó cũng được thấy qua đám cưới tập thể dành cho người khiếm thị lần đầu tiên được tổ chức vào cuối tháng 11-2019 vừa qua tại Hà Nội.
Đám cưới cổ tích
Những tháng cuối năm, khi tiết trời khô ráo, dễ chịu cũng là thời điểm bước vào mùa cưới - mùa của những tin vui, niềm hạnh phúc lan tỏa, đong đầy. Năm nào cũng vậy, song đối với 21 cặp vợ chồng người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội, mùa cưới năm 2019 là thời điểm có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời họ.
Có những người đã ở tuổi xế chiều lần đầu mặc trang phục cưới, hạnh phúc dắt tay người bạn đời bước vào lễ đường; có những người trẻ được thỏa niềm mong ước làm cô dâu, chú rể trong "đám cưới cổ tích" - đám cưới tập thể dành cho người khiếm thị lần đầu tiên được tổ chức tại Trung tâm tiệc cưới Sapphire, đường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) vào cuối tháng 11 vừa qua.
Trong khoảnh khắc đáng nhớ, ông Bạch Quang Hải (59 tuổi), hội viên Hội Người mù quận Hà Đông, hiện trú tại tổ dân phố 9, phường Mộ Lao (quận Hà Đông) chia sẻ về người bạn đời, với niềm xúc động.
Theo lời kể, ông Hải nên duyên với bà Đặng Thị Tú Anh (49 tuổi) vào năm 2004. Khi đó, ông Hải vừa bị khiếm thị, vừa gánh trên vai trách nhiệm chăm sóc bố mẹ già và hai con nhỏ (người vợ đầu của ông không may mất sớm); còn bà Đặng Thị Tú Anh là người bình thường, chưa xây dựng gia đình. Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình hai bên chỉ sắp mấy mâm cơm kính báo tổ tiên và mời một số người thân chứng kiến.
Nhờ sự khéo léo, tảo tần của người bạn đời “sáng mắt, sáng lòng” và tình yêu thương giữa các thành viên, đại gia đình ông Bạch Quang Hải luôn rộn ràng niềm vui. Hiện nay, cả gia đình ông gồm 4 thế hệ, có đủ con trai, con gái, con dâu, con rể và các cháu nội, ngoại với tổng số hơn 10 thành viên cùng sinh sống thuận hòa dưới một nếp nhà. Cá nhân ông Hải trở thành người điều hành Hợp tác xã Ánh Sáng, thuộc Hội Người mù quận Hà Đông, hiện có hơn 10 lao động là người khiếm thị. Hợp tác xã hoạt động hiệu quả, góp phần tạo ra cơ hội hòa nhập cho những người đồng cảnh.
Cũng tại đám cưới đặc biệt này, phóng viên Báo Hànộimới đã chứng kiến và lắng nghe nhiều câu chuyện về tình yêu, hạnh phúc gia đình ngỡ tưởng chỉ có trong phim ảnh, tiểu thuyết.
Đó là trường hợp ông Bùi Doãn Thụ (68 tuổi) và bà Trịnh Thị Mai (66 tuổi), trú tại tổ dân phố 34, phường Yên Phụ (quận Tây Hồ). Hai ông bà cùng bị khiếm thị, cùng sinh hoạt trong Hội Người mù quận Tây Hồ, rồi nên duyên vợ chồng từ năm 1983, sinh được một người con gái. Gần 40 năm qua, hai ông bà đã cùng nhau bước qua bao nhiêu chông gai, vượt qua muôn vàn sóng gió bằng tình yêu và niềm tin vào những điều tốt đẹp ở đời.
Ông Bùi Doãn Thụ tâm sự: “Mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm, cả hai chúng tôi đều thấy hài lòng. Điều duy nhất khiến tôi băn khoăn là người bạn đời chưa được mặc trang phục cưới. Đến nay, niềm mong ước bấy lâu đã trở thành hiện thực, niềm vui, hạnh phúc đã vẹn tròn”.
Câu chuyện gây xúc động không kém là hành trình vượt qua mặc cảm, tự ti, khoảng cách địa lý để về sống chung dưới một mái nhà của cặp vợ chồng Hoàng Văn Long (41 tuổi, cao 1m40, bị khiếm thị), trú tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) và Nông Thị Thánh (28 tuổi, cao 1m10 do mắc bệnh lùn) đến từ tỉnh Cao Bằng. Dù cả hai gia đình ngăn cản khi thấy anh, chị “lo cho thân mình chưa xong, còn muốn ràng buộc thêm trách nhiệm”, nhưng anh Long và chị Thánh vẫn quyết tâm đến với nhau vào năm 2015.
Viết tiếp những ước mơ
Sau đám cưới cổ tích, cặp vợ chồng “tí hon” Hoàng Văn Long và Nông Thị Thánh viết tiếp ước mơ, hạnh phúc của đời mình bằng công việc hát dạo mà cả hai cùng đam mê; cùng chăm sóc gia đình và đứa con 15 tháng tuổi.
Chị Thánh tâm sự: “Đâu đó vẫn có những người thấy hình ảnh vợ chồng tôi, họ tỏ ra thương hại. Đôi lúc chúng tôi phải nghe những lời bình phẩm, nhận xét không hay. Nhưng, vượt lên tất cả, chúng tôi muốn sống cho cuộc đời mình. Hiện tại, chúng tôi hài lòng với những gì đang có. Tương lai, chúng tôi sẽ tìm một công việc nào đó ổn định, phù hợp hơn để mưu sinh”.
Còn ông Đỗ Văn Liễu (vợ là bà Nguyễn Thị Hoa), ở xã Viên Sơn, thị xã Sơn Tây bày tỏ: “Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng các thành viên trong gia đình tôi luôn được sống trong không khí ấm áp, hạnh phúc. Người giữ lửa yêu thương chính là người phụ nữ đã song hành với tôi trên bước đường đời”.
Tiếp lời chồng, bà Hoa chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm, trong cuộc sống, hạnh phúc do bản thân và người thân tạo ra và cảm nhận, không phải do người xa lạ mang đến. Vì vậy, thay vì tự ti, sống thụ động, khép kín, chúng tôi đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh”.
Góp phần giúp 21 cặp vợ chồng người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn hoàn thành tâm nguyện lớn của đời người, tự tin hướng về tương lai, đó là Hội Người mù thành phố Hà Nội và các nhà hảo tâm. Sau thành công của đám cưới tập thể dành cho người khiếm thị lần đầu tiên được tổ chức, Hội Người mù thành phố Hà Nội dự kiến sẽ duy trì hoạt động này trong những năm tiếp theo.
“Thực tế còn rất nhiều gia đình người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn chưa có điều kiện tổ chức lễ cưới trang trọng trong niềm hân hoan, chúc phúc của mọi người; còn nhiều người chưa vượt qua được rào cản tâm lý để xây dựng gia đình, nhất là đối với nữ giới. Qua hình thức tổ chức lễ cưới tập thể, chúng tôi muốn truyền đi thông điệp: Mọi người đều có quyền được hạnh phúc. Những ai có niềm tin, có nghị lực vươn lên, thì hạnh phúc sẽ đến…”, ông Lê Trung Quyết, Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội bày tỏ.