Hòa mình vào ngày hội
Trên trang cá nhân của mình, chị Nguyễn Thanh Lan, một người mẹ khuyết tật đơn thân ở Thanh Trì - Hà Nội viết “Sau bao nhiêu lần bầu cử toàn nhờ Mẹ đi bỏ phiếu hộ, năm nay mình mới hiểu được vấn đề, mới dám tự tin trực tiếp đi bầu cử. Một cảm giác hơi run, pha lẫn sự xúc động hãnh diện và tự hào”. Không chỉ riêng chị Thanh Lan mà ngày bầu cử 23/5 vừa qua trên các trang mạnh xã hội rất người khuyết tật (NKT) đã đăng những bức ảnh tự tay mình bỏ phiếu. Trong những bức ảnh đó có cả những giọt mồ hôi khi họ vất vả lăn xe, nhọc nhằn bước lên những bậc thềm đến điểm bỏ phiếu, còn sau những bức ảnh đó có những giọt nước mắt vì sự xúc động.
Kỳ bầu cử năm nay diễn ra hết sực đặc biệt, khi dịch bệnh Covid 19 hoành hành dữ dội, vậy mà lượng người khuyết tật tích cực tham gia bầu cử một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Báo Hà Nội mới tổng kết có tới 99,13% cử tri đã đi bầu, như vậy có số không ít những cử tri thuộc 16.000 hội viên của Hội Người khuyết tật TP Hà Nội (toàn Hà Nội có hơn 90.000 người khuyết tật). Đó là sự đóng góp không hề nhỏ của những người vốn được coi là yếu thế, khi họ đã hiểu được quyền tham gia bầu cử của mình một cách đầy đủ.
Hình ảnh những người khuyết tật đi bầu cử (Ảnh VSDF cung cấp)
Điều gì khiến những cử tri là người khuyết tật trong kỳ bầu cử này lại hân hoan tham gia tích cực đến như vậy? Thành quả đó đến nhờ những nỗ lực tuyên truyền mạnh mẽ từ Liên hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam với chủ đề hành động “An toàn và Bình đẳng” và hơn 20 tổ chức Hội, Nhóm của người khuyết tật chủ trương thực hiện các chương trình tuyên truyền về quyền tiếp cận bầu cử của người khuyết tật cũng như sự vào cuộc của các phương tiện truyền thông đại chúng đã làm gia tăng các lá phiếu của các cử tri là người khuyết tật như chị Lan, chị Châu, Hương và bao người nữa đã tự tin khẳng định vị thế của mình trước cộng đồng.
Luật sư Nguyễn Thanh Thúy - Chánh văn phòng Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam chia sẻ: “Thật tuyệt vời khi chứng kiến người khuyết tật nhận thức được giá trị quyền của mình qua mỗi phiếu bầu. Trước đây, người khuyết tật thường nhờ người khác gạch phiếu hộ, bỏ phiếu hộ. Còn bây giờ, người khuyết tật tự tay bỏ phiếu, đĩnh đạc, đường hoàng như cách họ đã vượt bao khó khăn để làm chủ chính mình. Nên tôi tin rằng, trong thời gian tới, các Đại biểu quốc hội sẽ thay đổi cách tiếp cận cử tri, nhất là cử tri thuộc nhóm yếu thể. Thay đổi lớn đến từ nhiều nỗ lực nhỏ của cả cộng đồng người khuyết tật. Hôm nay, người khuyết tật chủ động ra đường đi bầu cử, không chờ đợi hòm phiếu phụ mang đến nhà, thì ngày mai người khuyết tật sẽ vững tin vào năng lực và tầm ảnh hưởng của mình, để sẵn sàng ứng cử Đại biểu quốc hội, bởi họ có lượng cử tri đông đảo ủng hộ. Nhưng trên hết, họ tin vảo sứ mệnh của mình!”.
Nữ MC “tí hon” Minh Châu thổ lộ rất trung thực: “Nói thật, đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp đi bỏ phiếu , các lần trước, tôi nhờ phụ huynh làm giúp nhiệm vụ. Lần này đi bầu vì đã hiểu rõ đó là "quyền và trách nhiệm". Đón tiếp tôi là những khuôn mặt hồ hởi, phấn khởi và hỗ trợ nhiệt tình, điển hình nhất là anh công an khu vực hăng hái chụp ảnh giúp. Hòm phiếu đặt hơi cao nhưng tôi nhướn người lên là tự bỏ được phiếu bầu. Được tự mình lựa chọn người "ưng ý" , "tự tay bỏ phiếu vào hòm", được chào đón. Cảm giác thật hạnh phúc!”Châu cũng không quên nhắn nhủ: “Để sau này, NKT có đại diện trong Quốc hội thì dù có khó khăn thế nào, các anh chị em nhất định đi bầu đầy đủ nhé.”.
Còn với Đào Thu Hương, cô gái khiếm thị - Chuyên gia về quyền của người khuyết tật của UNDP Việt Nam dù rất khó khăn để có thể tiếp cận danh sách các ứng cử viên, khi điểm bầu cử chỗ Hương chỉ có bản in, Hương kể: “Mẹ mình đề xuất UBND phường scan danh sách lên máy tính và copy vào USB cho mình. Có lẽ đây là lần đầu tiên có cử tri yêu cầu bản scan như vậy, nên các cán bộ Uỷ ban có chút lúng túng, mà họ cũng không có máy scan được khổ A3. Mẹ lại cầm 3 tờ danh sách chạy ra mấy hiệu ảnh và hàng in mới có một hàng scan được các danh sách đó vào USB”. Vất vả đó nhưng với Hương đó là một trải nghiệm tuyệt vời: “Mình được ưu tiên vào trước, mình bỏ phiếu vào hòm, cán bộ ở đó còn tình nguyện chụp ảnh cho hai mẹ con và dắt mình xuống sân, thật vui”.
Trên facebook của mình, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) chị Nguyễn Thị Lan Anh - cập nhật 2 lần trong 1 ngày trạng thái cảm xúc (Điều mà hiếm khi chị làm) hình ảnh về những người đồng cảnh từ Bắc chí Nam đang hân hoan đi bầu - một cảm xúc không giấu đi được về sự tự hào cho những nỗ lực vận động không biết mệt mỏi của chị và bao con người nữa với những cử tri đặc biệt.
Khi mọi lực lượng truyền thông cùng chung tay
Ngay sau cuộc bầu cử, thông tin về số lượng cử tri đi bỏ phiếu đã được cập nhật. “Tối 23-5, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết: Đến 22 giờ ngày 23-5, theo báo cáo của 44 trong số 63 tỉnh, thành phố, tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu đạt khoảng 98,43%". (Báo Nhân Dân điện tử). Đã có nhiều bài viết về những cử tri đặc biệt. Trong đó, báo Thanh Niên với bài “Cử tri Tp Hồ Chí Minh kỳ vọng vào các quyết sách quan tâm đối tượng yếu thế”, Báo Hải Dương có bài “Trên 10.000 người khuyết tật đi bầu cử”, Báo Thái Bình có bài “Để người khuyết tật tự tay bỏ lá phiếu bầu cử”, Báo điện tử Kenh14.vn có bài “Những cử tri đặc biệt bỏ phiếu bầu cử ở Đà Nẵng”...
Tuy số lượng những bài báo còn khiêm tốn, những trang báo có lượng người đọc cao còn chưa kịp đưa tin bài, nhưng có thể thấy truyền thông đã không lãng quên trong số gần 70 triệu cử tri của cả nước có lực lượng không nhỏ cử tri đến từ cộng đồng người khuyết tật, Cụ thể tính theo báo Hải Dương trong bài viết “Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Người khuyết tật tỉnh, toàn tỉnh có 40.000 người khuyết tật. Trong ngày 23.5 có trên 10.000 người khuyết tật đã đi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp tại điểm bầu cử chung và khoảng 10.000 người khuyết tật vận động, hạn chế vận động không đến được điểm bỏ phiếu được tổ bầu cử nơi cư trú mang hòm phiếu phụ đến để bỏ phiếu tại nhà. 20.000 người khuyết tật còn lại không được ghi tên vào danh sách cử tri do là người khuyết tật nặng, tâm thần kinh, mất năng lực hành vi dân sự hoặc dưới 18 tuổi”.
Sự tham gia tích cực của người khuyết tật đã đóng góp vào số liệu 99,97% cử tri đã đi bầu, đóng góp cho sự thành công của kỳ bầu cử năm nay.
Nhật Nam