Ngày 4/11/2020, tại TP.HCM, Cục Bảo trợ xã hội - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp với UNICEF và UNFPA cùng một số đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng Đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2012 – 2030 và Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa và cộng đồng giai đoạn 2012 – 2030.

: Bà Phạm Thị Hải Hà- Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 4 - 5/11 với sự tham dự của bà Phạm Thị Hải Hà - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; Đại diện Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM; bà Lê Hồng Loan- Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em (UNICEF) Việt Nam; bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) Việt Nam và lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm bảo trợ xã hội các tỉnh thành khu vực phía Nam.

Phát biểu tại Hội thảo bà Phạm Thị Hải Hà- Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, quyền được đảm bảo an sinh xã hội của công dân đã được ghi nhận tại Điều 34 của Hiến pháp năm 2013. Trong những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành đã rất quan tâm đến lĩnh vực này, bởi vì an sinh xã hội là một trụ cột để đảm bảo an ninh - chính trị và góp phần cho công tác nâng cao tốt hơn đời sống người dân.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII, Nghị quyết số 15 – NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật cũng nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão”….  Đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc trợ giúp chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng có hàn cảnh khó khăn được xây dựng, ban hành. Đặc biệt, kể từ khi Đề án phát triển nghề công tác xã hội được phê duyệt, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội (CTXH) đã được hình thành nhiều nhất ở ngành LĐ-TB&XH, tiếp theo là ở các ngành Y tế, Giáo dục, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội… Các tỉnh, thành phố từng bước tiếp tục phát triển các cơ sở có cung cấp dịch vụ CTXH đối với người già, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên cơ sở bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở.

Toàn cảnh hội thảo

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Hải Hà, các dịch vụ CTXH hiện chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn thiếu, năng lực cung cấp dịch vụ công tác xã hội và chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở đạt hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng, đa số được đào tạo từ ngành khác hoặc một số ít thậm chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chưa dựa và cộng đồng. Vì vậy, thời gian tới, các công việc liên quan tới CTXH nói chung hay CTXH với từng nhóm đối tượng như người cao tuổi (NCT), người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí còn có rất nhiều việc cần phải làm. Chính điều đó,  bà Phạm Thị Hải Hà mong muốn, tại hội thảo các đại biểu tập trung thảo luận : đánh giá về mặt làm được và chưa làm được, tại sao, nguyên nhân, chính sách xã hội; Trên cơ sở chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá các mục tiêu lộ trình cho giai đoạn tới. Khuyến nghị lộ trình quản lý nghề công tác xã hội, phát triển công tác xã hội...


Các đại biểu tham luận tại hội thảo

Tham gia hội thảo TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh- UNFPA cho rằng, hiện nay tỷ lệ già hóa dân số của Việt Nam đang tăng. Tỷ lệ phụ nữ trong dân số cao tuổi cao hơn ở độ tuổi càng cao. Phụ nữ cao tuổi dễ tổn thương hơn do các hệ lụy về phân biệt đối xử trong công việc và cuộc sống tích lũy trong suốt vòng đời. Theo đó, các chính sách thích ứng với già hóa dân số cần quan tâm đặc biệt đến khía cạnh giới trong suốt vòng đời. TS Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, để giải quyết vấn đề này cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp cho xã hội già hóa.  Đồng thời, TS Nguyễn Ngọc Quỳnh đã chia sẻ về: chăm sóc dài hạn đối với người cao tuổi, đây là các hoạt động được thực hiện bởi người khác để đảm bảo rằng những người bị mất hoặc có nguy cơ mất nhức năng cơ bản cơ thể duy trì một mức độ nhất định và khả năng của bản thân đáp ứng các quyền cơ bản của họ, đảm bảo sự độc lập và phẩm giá.

Theo TS Nguyễn Ngọc Quỳnh, hệ thống chăm sóc dài hạn phải đáp ứng nhu cầu cả về y tế và các nhu cầu xã hội (phi y tế). Trên thực tế, chăm sóc dài hạn tập trung nhiều hơn vào cung cấp các dịch vụ chăm sóc xã hội (phi y tế). Chăm sóc dài hạn phải đảm bảo: Duy trì sự tham gia của NCT trong cộng đồng, xã hội và gia đình; Điều chỉnh môi trường sống trong nhà và sử dụng các dụng cụ hỗ trợ thích hợp cho NCT; đánh giá tình trạng sức khỏe va xã hội để có hỗ trợ chăm sóc bởi người chăm sóc chuyên nghiệp hoặc bán chuyên  nghiệp; Có các chương trình giảm thiểu khuyết tật hoặc hạn chế sa sút thông qua các biện pháp giám sát và kiểm soát chất lượng dịch vụ; Chăm sóc tại cơ sở và tại nha; có các dịch vụ phát hiện và đáp ứng nhu cầu về tinh thần, tình cảm và tâm lý; Chăm sóc giảm nhẹ và hỗ trợ cuối đời khi cần thiết; Hỗ trợ cho gia đình và người chăm sóc; Có các dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc phù hợp với văn hóa bởi chăm sóc chuyên nghiệp và bàn chuyên nghiệp.

Bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình Bảo vệ Trẻ em UNICEF Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về khung pháp lý CTXH

Còn theo ông Bùi Tiến Dũng, Chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục có sự tham gia từ sớm trong việc phê chuẩn mã ngành đào tạo CTXH năm 2004. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phê duyệt đề án phát triển nghề CTXH. Gần đây nhất thông tư 33/2019 đã được phê duyệt trong việc quy định nhiệm vụ của nhân viên CTXH trong trường học. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức được phê duyệt về vị trí hay mã số nghề nghiệp của nhân viên CTXH trong lĩnh vực giáo dục từ đó hạn chế việc phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Ông Bùi Tiến Dũng cũng cho rằng, để xây dựng được đội ngũ nhân sự làm CTXH trong trường học là rất khó vì liên quan đến tài chính. Theo ông, để phát huy tốt CTXH trong trường học cần triển khai theo hướng phối hợp giữa Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH và UBND các tỉnh (cấp trung ương); cấp tỉnh thành phố thì có Sở Giáo dục – Đào tạo phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và UBND quận, huyện, xã, phường,.. các cơ sở đào tạo với các trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH, các trung tâm bảo trợ xã hội, các tổ chức xã hội,…

Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, bà Lê Hồng Loan- Trưởng Chương trình Bảo vệ Trẻ em UNICEF Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về khung pháp lý CTXH. Theo bà Loan, nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ xã hội là một trong những yếu tố quan trọng để CTXH phát triển. Theo kinh nghiệm quốc tế, nhân viên CTXH là nguồn cán bộ chuyên môn nòng cốt của lực lượng cung cấp dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó còn có các lực lượng bán chuyên làm việc cùng hoặc hỗ trợ công việc cho nhân viên CTXH chuyên nghiệp và dưới sự giám sát của lực lượng chuyên nghiệp. các nước có tỷ lệ nhân viên CTXH thấp là những nước thường hạn chế về luật pháp, chính sách thiếu định nghĩa rõ ràng về CTXH và vai trò của nhân viên CTXH, các dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu cộng đồng.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị và đề xuất đều tập trung vào việc xây dựng Đề án phát triển công tác xã hội; Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2012 – 2030. Trong đó, có nhiều ý kiến cần phải nâng cao số lượng và chất lượng nhân lực ngành CTXH.

Theo laodongxahoi.net

Tin liên quan