Ngày 15 tháng 3 năm 2023, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã có văn bản số 102/HBT gửi Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam về việc báo cáo kết quả lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Những ý kiến này được Hội tổng hợp từ thực tiễn hoạt động, đặc biệt là qua các hội nghị tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho cán bộ, hội viên, người khuyết tật đã được Hội tổ chức từ trước đến nay. Tạp chí Người bảo trợ xin được trích đăng phần góp ý cụ thể của Hội đối với các Điều, khoản của Luật.
Về cơ bản, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam thống nhất cao với toàn văn dự thảo. Dự thảo đã thể chế các định hướng, chủ trương trong các văn kiện, nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển.
Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam xin tham gia một số ý kiến trong các chương, điều luật cụ thể như sau:
Góp ý Điều 83:
“Điều 83. Thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Khoản 1. Trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải gửi văn bản thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất biết chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp”.
Đề nghị bổ sung: Văn bản thông báo phải đảm bảo tính tiếp cận thông tin đối với người khuyết tật, chuyển sang âm thanh đối với người khiếm thị, chuyển sang ngôn ngữ ký hiệu đối với người khiếm thính.
Góp ý Điều 85:
“Điều 85. Trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Khoản 1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi có trách nhiệm tổ chức họp để phổ biến, tiếp nhận ý kiến của người dân về các nội dung…
Khoản 3. Lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư….
Đề nghị bổ sung khoản 1: Việc phổ biến, tiếp nhận ý kiến của người dân phải đảm bảo tính tiếp cận thông tin đối với người khuyết tật, chuyển sang âm thanh đối với người khiếm thị, chuyển sang ngôn ngữ ký hiệu đối với người khiếm thính.
Đề nghị bổ sung khoản 3: “Đối với hộ có người khuyết tật, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải tính đến yếu tố tiếp cận đối với người sử dụng xe lăn”. Chẳng hạn nhà ở mặt đất thì người sử dụng xe lăn có thể di chuyển thuận tiện, chuyển sang nhà ở chung cư, dù giá trị chỗ ở tương đương, nhưng không tiếp cận được, thì phải có phương án bồi thường chỗ ở mới có giá trị cao hơn chỗ ở cũ để đảm bảo người sử dụng xe lăn di chuyển được.
Góp ý Điều 89:
Điều 89. Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.
Khoản 2. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Đề nghị bổ sung khoản 2: “Đối với người khuyết tật bị mất việc làm, mất thu nhập do thu hồi đất, thì được bồi thường giá trị tương đương với khoản thu nhập bị mất do thu hồi đất”. Bởi vì với người lành lặn, nếu được hỗ trợ, tạo điều kiện thì đến chỗ ở mới họ có thể tìm được việc làm khác. Còn với người khuyết tật, có những việc làm đặc thù (như tẩm quất của người mù, bán hàng tạp hóa của người đi xe lăn…), khi chuyển sang nơi ở mới, không mở lại kinh doanh được, cũng không thể tìm được việc làm khác, thì phải được bồi thường giá trị tương đương với thu nhập đã mất do thu hồi đất.
Góp ý Điều 152:
Điều 152. Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất
Khoản 1. Việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
Điểm b) Sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo; hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở; đất ở cho người phải di dời khi Nhà nước thu hồi đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người;
Đề nghị bổ sung cụm từ “hộ gia đình có người khuyết tật”, sau cụm từ “hộ gia đình nghèo”. Bởi vì, hộ gia đình có người khuyết tật, tuy không thuộc hộ nghèo, nhưng cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn, chật vật, do khó tìm việc làm, việc làm có thu nhập thấp, không ổn định. Tiền sử dụng đất, thuê đất cũng là một khoản tiền tương đối lớn đối với người khuyết tật, nhất là với những người chỉ sống dựa vào trợ cấp xã hội. Vì vậy, cần thiết bổ sung đối tượng hộ gia đình có người khuyết tật vào quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất trong Luật Đất đai. Điều này nhằm đảm bảo thực hiện chính sách về nhà ở, đất ở cho người khuyết tật, đảm bảo thực hiện quyền của người khuyết tật được bình đẳng về cơ hội như bao người khác, đảm bảo an sinh xã hội để giúp người khuyết tật vươn lên hòa nhập cuộc sống tốt hơn. Đây là thực tiễn hoạt động Hội đã thu thập được nhiều ý kiến của người khuyết tật phản ánh, kiến nghị về việc đề nghị bổ sung đối tượng người khuyết tật, hộ gia đình có người khuyết tật được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.