Ngoài nhiệm vụ là phục hồi chức năng, trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thuỵ An (huyện Ba Vì, Hà Nội) còn mở thêm lớp dạy nghề làm hương thơm đậu tàn 3T dành cho trẻ khuyết tật. Trung tâm chỉ cách nội thành khoảng 40km, nơi đó các bạn vừa được điều trị, vừa được làm việc như người bình thường.
Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thuỵ An (huyện Ba Vì, Hà Nội) có gần 300 người khuyết tật, phần lớn là người đồng bào dân tộc, cuộc sống khó khăn được đưa về đây để điều trị. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chức năng chủ yếu là phục hồi chức năng như đúng tên gọi, trung tâm còn mở các lớp dạy nghề hướng nghiệp nhằm đem đến hiệu quả trị liệu, đồng thời để mỗi người có thể tái hòa nhập, tự lập cuộc sống sau khi về với địa phương.
Lớp dạy làm hương 3T chỉ có một thầy và khoảng 10 cháu, hầu hết các bạn đều bị thiểu năng trí tuệ.
“Nghề làm hương đậu tàn 3T ở Thụy An mới được triển khai hơn chục năm nay. Khi đó thầy và trò chủ yếu làm hương thủ công bằng tay. Sau đó may mắn nhận được sự tài trợ của nhà hảo tâm, chúng tôi mới biết đến máy bắn hương, sản phẩm làm ra nhanh hơn và đẹp hơn rất nhiều”, anh Nguyễn Như Liêm, Quản lý các lớp dạy nghề ở trung tâm và là thầy dạy nghề làm hương cho các cháu khuyết tật cho biết.
Tên gọi hương đậu tàn 3T do giám đốc trung tâm đặt. 3T có nghĩa là Thơm – Thiện – Tâm. Sản phẩm được làm ra bởi chính bàn tay lao động của các bạn khuyết tật nhưng lại mang trọn sự chân thành, sự cần mẫn của những con người khát khao được sống, được tạo nên giá trị bản thân. Lớp dạy làm hương 3T chỉ có một thầy và khoảng 10 cháu, hầu hết các bạn đều bị thiểu năng trí tuệ. Dưới sự chỉ bảo tận tình của thầy Liêm, các bạn học rất nhanh, mỗi cây hương làm ra đảm bảo đúng quy trình và được đóng gói cẩn thận.
Hằng ngày, bắt đầu từ 8 giờ sáng, tiếng máy bắn hương lại hoạt động răm rắp. Bạn thì lấy nguyên liệu đổ vào máy, bạn thì cho tăm vào máy bắn hương để tạo ra thành phẩm. Thầy giáo là người cuối cùng kiểm tra thành phẩm, sắp xếp lại và loại bỏ những cây hương chưa đạt chất lượng. Buổi chiều là lớp đóng gói sản phẩm, công đoạn này dành cho những bạn khuyết tật nặng hơn, bởi không yêu cầu độ khó cao. Nếu nhìn bằng mắt thường chắc có lẽ chẳng ai nghĩ rằng đây là những con người bị khiếm khuyết, bởi cách các bạn phối hợp làm việc rất thuần thục, nhịp nhàng.
Dưới sự chỉ bảo tận tình của thầy Liêm, các bạn học rất nhanh, mỗi cây hương làm ra đảm bảo đúng quy trình và được đóng gói cẩn thận.
Bạn Chính, 16 tuổi (huyện Quảng Hòa, Cao Bằng) là trẻ chậm phát triển về trí tuệ. Khi tới Trung tâm Thụy An, Chính chậm chạp và dường như lúc nào cũng khóc vì nhớ nhà. Sau một thời gian hòa nhập, em trò chuyện nhiều hơn với các bạn trong lớp, gọi thầy là “bố”. Trông Chính nhỏ con nhưng làm việc rất nhanh nhẹn, em chia sẻ: “Em rất vui vì được học làm hương của bố Liêm và quen được các bạn mới”.
Hương đậu tàn 3T có nguồn gốc từ Thái Bình, nhưng theo gu của người Hà Nội. Khi được đưa về Trung tâm Thụy An, nguyên liệu chính của sản phẩm không thay đổi, chủ yếu được nhập từ bên ngoài, kể cả tăm tre. Ở lớp các bạn chỉ học cách bắn hương, đóng gói và bảo quản sản phẩm. Hương đậu tàn 3T do các bạn khuyết tật làm ra có 2 loại, hương sạch là loại dùng tăm mộc, không nhuộm màu, nhược điểm là cháy đến đâu tàn trụi đến đấy chứ không cong và hương tăm đỏ, là hương tạo được độ cong khi thắp lên, loại này rất được ưa chuộng. Hiện tại, sản phẩm này đã được tiêu thụ ở một số siêu thị trên địa bàn và tham gia vào các hội chợ tiêu dùng. Trong năm 2019, các bạn ở đây đã làm ra được hơn 5000 sản phẩm.
3T có nghĩa là Thơm – Thiện – Tâm - Sản phẩm được làm ra bởi chính bàn tay lao động của các bạn khuyết tật.
Sản phẩm này của người khuyết tật làm ra không khác gì so với người bình thường, tuy nhiên đầu ra hơi khó, nhưng không phải vì thế mà vấn đề thương mại và kinh tế được đặt lên hàng đầu. “Lớp dạy nghề được tạo ra phần nào giúp cho các cháu khuyết tật quen dần với tác phong lao động, mai này về địa phương có thể tự lập được cuộc sống bằng chính nghề đã học. Mỗi sản phẩm do các cháu tạo ra nếu bán được sẽ dùng số tiền này giúp đỡ ngược lại cho các cháu trong vấn đề đi lại, học tập hay tự lập khi về địa phương góp phần động viên các cháu”, thầy Liêm chia sẻ.
Ông Trần Văn Lý – Giám đốc Trung tâm cho biết: Bên cạnh nhiệm vụ khám bệnh, điều trị, phục hồi chức năng đối với người khuyết tật, người có công với cách mạng, trẻ tự kỷ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi và đối tượng khác có nhu cầu…Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thuỵ An còn tổ chức các hoạt động dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp và lao động trị liệu giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, bởi dạy nghề cũng là biện pháp hỗ trợ rất lớn cho việc phục hồi chức năng. Các bé đến đây gần như bé nào cũng trưởng thành hơn, nhanh nhẹn hơn, khỏe mạnh hơn và hoạt bát hơn”./.