Nhằm chia sẻ thông tin về tình hình thực hiện Kế hoạch tổng thể ASEAN lồng ghép quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, ngày 1/8 tại Hà Nội, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Sống độc lập Hà Nội tổ chức Hội thảo “Chính sách hoà nhập người khuyết tật trong tiếp cận y tế và giáo dục”. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và một số tổ chức của người khuyết tật như Hà Nội, Hà Nam, Đà Nẵng, Thái Bình, Cần Thơ….
Ông Đặng Văn Thanh - PCTTT Liên hiệp hội về NKT Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật (NKT) Việt Nam chia sẻ: Việt Nam có trên 7 triệu NKT, 80% sống ở nông thôn. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho NKT hoà nhập đầy đủ vào cộng đồng xã hội, đảm bảo quyền của NKT. Trong đó, năm 2010 ban hành Luật NKT, năm 2014 phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của NKT; năm 2019 Ban Bí thư ban hành chỉ thị 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác NKT… Năm 2018, Việt Nam ký kết Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 lồng ghép quyền của NKT. Bản Kế hoạch gồm 76 hành động ưu tiên nhằm thực hiện Công ước quốc tế về quyền của NKT trong khu vực ASEAN dựa trên 3 trụ cột An ninh – Chính trị; Kinh tế và Văn hoá – Xã hội. Đây là những hướng dẫn cụ thể trong các bước thực hiện quyền của NKT, bảo đảm một ASEAN hoà nhập, thịnh vượng và không ai bị bỏ lại phía sau.
Tại hội thảo, đại diện các tổ chức của NKT đến từ Hà Nội, Hà Nam, Đà Nẵng, Thái Bình, Cần Thơ… đã chia sẻ về những hạn chế, khó khăn trong tiếp cận giáo dục và đào tạo, dịch vụ khám, chữa bệnh đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện thực trạng này. Trong đó, về Giáo dục cần có chính sách tuyển dụng giáo viên là NKT; đào tạo giáo viên về ngôn ngữ ký hiệu; có dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật đến trường hoặc liên kết với dịch vụ hỗ trợ Sống độc lập…. Về Y tế cần thúc đẩy việc cấp BHYT miễn phí cho NKT nhẹ; có mô hình chăm sóc, khám chữa bệnh tại nhà cho NKT nặng, đặc biệt nặng và đa dạng tật; xây dựng bộ mẫu khám sức khỏe riêng, phù hợp với NKT để đi học, đi làm; với những vấn đề có liên quan và nằm trong khả năng, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng có thể giao cho các tổ chức của NKT có tư cách pháp nhân phối hợp thực hiện; tại các tỉnh thành có tổ chức Hội NKT, cần có đại diện của NKT trong đoàn giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách y tế, giáo dục tại địa phương.
Đại diện cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học tại hội thảo đã chia sẻ một số nội dung được quy định tại Luật Giáo dục 2019; Thông tư 20/2022/TT-BGDĐT về Tổ chức và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập; Quyết định số 73/QĐ-TTg, ngày 10/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045;… Trả lời về vấn đề sách giáo khoa chữ nổi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, theo ông Tạ Ngọc Trí, cần khẳng định là “không có sách giáo khoa chữ nổi”, chỉ có “bản chữ nổi của sách giáo khoa” (chuyển từ sách giáo khoa phổ thông sang dạng chữ nổi tiếp cận với người khiếm thị). Ông Tạ Ngọc Trí cũng thừa nhận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo việc chuyển đổi sách giáo khoa chữ nổi cho người khiếm thị nhưng việc triển khai thực hiện còn chậm do nhiều vấn đề khách quan đồng thời khẳng định Bộ không cấp sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khiếm thị. Việc cấp sách cho nhóm đối tượng này là trách nhiệm của gia đình, có thể huy động sự chung tay của nhà trường, các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm…
Ông Trần Ngọc Nghị - Trưởng phòng phục hồi chức năng và giám định, Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế trao đổi tại hội thảo
Tiến sỹ Trần Ngọc Nghị - Trưởng phòng phục hồi chức năng (PHCN) và giám định, Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế tại Hội thảo cũng chia sẻ về quá trình Bộ chuẩn bị, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2023). Hiện nay, Bộ đang xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế 2008. Trong đó, Khoản 8, Điều 23 về “Các trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế” quy định “Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và PHCN” theo đánh giá là chưa phù hợp. Bộ đang nỗ lực để sửa đổi, bỏ điều khoản này ra khỏi Luật mới. Để làm được điều này, Bộ Y tế cũng rất mong các tổ chức của NKT và vì NKT tăng cường tiếng nói, thúc đẩy việc chỉnh sửa, bổ sung Luật được phù hợp, đáp ứng nhu cầu và đảm bảo quyền của NKT.
Cũng theo thông tin ông Trần Ngọc Nghị cung cấp, để đảm bảo quyền của NKT, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NKT hòa nhập cộng đồng, Bộ Y tế đã ban hành Quy định sử dụng Nhà chung chuyển, hướng dẫn PHCN tại Nhà chung chuyển; Bộ Tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ kèm theo Quyết định số 1862/QĐ-BYT ngày 6/7/2022; Bộ đã ban hành Quyết định số 359/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn phát hiện sớm – can thiệp sớm khuyết tật trẻ em; Quyết định 2520/QĐ-BYT ngày 18/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tài liệu “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành PHCN (đợt 3) với 40 quy trình; Quyết định 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 về việc ban hành Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam (bệnh viện cũng được tính điểm như khách sạn, từ đó liên quan đến chất lượng và chi phí dịch vụ). Trước năm 2022, Bộ Y tế cũng đã thực hiện Dự án chăm sóc sức khoẻ PHCN cho nạn nhân chất độc hoá học/Dioxin giai đoạn 2018-2020, trong đó có NKT.
Anh Trần Đình Hải - Đại diện người khuyết tật Đà Nẵng thảo luận tại hội thảo
Tại hội thảo, đại diện Bộ Y tế cũng đã giải đáp một số vấn đề NKT quan tâm như: Tiêu chí sức khoẻ của NKT; phân biệt giữa “bệnh” và “tật”; vấn đề tuyên truyền về sức khoẻ sinh sản với nam giới khuyết tật đồng thời ghi nhận những tìm hiểu, phát hiện về khoảng trống pháp lý của NKT. Ông Trần Ngọc Nghị hứa sẽ ghi chép những ý kiến của đại biểu và phản ánh lại trong các hoạt động liên quan của Bộ Y tế.
Đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại Hội thảo cũng đã chia sẻ thông tin về nội dung Kế hoạch tổng thể ASEAN lồng ghép quyền của NKT cũng như tiến độ xây dựng báo cáo đánh giá giữa kỳ của Kế hoạch trong tiếp cận y tế và giáo dục.
Kết luận hội thảo, ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về NKT Việt Nam cho biết “Trên cơ sở những chia sẻ, giải đáp của các chuyên gia đến từ 03 Bộ ngành, cùng những chia sẻ, thảo luận của đại diện các tổ chức của NKT về những khó khăn mà NKT gặp phải trong việc tiếp cận cơ hội khám chữa bệnh, học tập, Liên hiệp Hội về NKT Việt Nam cùng Trung tâm Sống độc lập Hà Nội sẽ tổng hợp, xây dựng bản khuyến nghị gửi Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bản khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cũng như nhu cầu giáo dục của NKT, từ đó góp phần thực hiện Kế hoạch tổng thể Asean 2025 lồng ghép quyền của NKT hiệu quả, thành công.
Phong Châu